UBND TỈNH AN GIANG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 500/SXD-QLN | Long Xuyên, ngày 18 tháng 9 năm 2009 |
Kính gởi: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố;
Triển khai thực hiện Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 2603/QĐ-UBND ngày 11/12/2008 về Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng tôn nền Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ giai đoạn II trên địa bàn tỉnh An Giang (sau đây gọi tắt là Quyết định số 2603/QĐ-UBND); Sở Xây dựng (Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình) có Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 11/9/2008 hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn 2 (2008 – 2010). Tính đến nay, nhiều cụm-tuyến được khởi công, trong đó một số cụm-tuyến đã hoàn thành công tác tôn nền.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp với tiến độ thực hiện công tác tôn nền và khả năng vốn đầu tư được Chính phủ phân bổ, Sở Xây dựng hướng dẫn các huyện, thị, thành phố một số tiêu chí để làm căn cứ thiết kế và quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên cụm-tuyến dân cư như sau:
I. NGUYÊN TẮC:
1. Đảm bảo mức tối thiểu cho nhu cầu sinh hoạt của cư dân trên cụm-tuyến, phù hợp với quy hoạch giao thông trên từng địa bàn, đảm bảo kết nối hệ thống giao thông toàn khu vực;
2. Tiết kiệm kinh phí đầu tư, phù hợp với khả năng nguồn vốn và các điều kiện hiện tại, có tính toán đến hướng phát triển trong tương lai;
3. Tạo tiền đề cải tạo từng bước kiến trúc cảnh quan vùng nông thôn; thuận lợi trong công tác quản lý xây dựng;
4. Các tiêu chí này được áp dụng thống nhất và làm cơ sở cho công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh An Giang, không áp dụng cho các công trình khác;
5. Nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu bao gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% và nguồn bán nền linh hoạt trong cụm, tuyến dân cư 50%.
Nguồn thu từ bán nền linh hoạt được phép cân đối trên toàn địa bàn huyện, thị, thành phố và cần lưu ý các trường hợp sau:
. Nếu bán giá linh hoạt số nền ngoài số lượng theo Quyết định số 2603/QĐ-UBND thì được sử dụng toàn bộ nguồn thu;
. Nếu bán giá linh hoạt số nền trong số nền được phân bổ kế hoạch theo Quyết định số 2603/QĐ-UBND thì chỉ được sử dụng khoản chênh lệch giữa giá cơ bản và giá linh hoạt (hoàn trả vốn gốc cho Chính phủ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 72/2002/TTLT-TC-XD-NHNN ngày 23/8/2002 của Liên bộ Tài chính – Xây dựng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
6. Tích cực lồng ghép nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu khác để bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trên cụm, tuyến.
II. SUẤT ĐẦU TƯ:
1. Các căn cứ:
-Thông tư số 04/2004/TT-BXD ngày 07/7/2004 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 78/2004/QĐ-TTg ngày 07/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở tại các tỉnh thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long;
- Khả năng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật được Chính phủ phân bổ cho tỉnh An Giang tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long;
- Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 11/9/2008 của sở Xây dựng An Giang về việc tổ chức triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn 2 (2008 – 2010) Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ tỉnh An Giang;
2. Về suất đầu tư: Theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg được phân bổ theo nguyên tắc như sau: Tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp - thoát nước) cho mỗi cụm, tuyến không quá 12 triệu đồng/hộ; trong đó bao gồm 50% nguồn ngân sách Trung ương (68 tỉ đồng) và 50% nguồn ngân sách địa phương (nguồn bán nền linh hoạt của cụm, tuyến dân cư). Do đó, cơ sở pháp lý để phân bổ kế hoạch vốn sắp tới sẽ được căn cứ vào số hộ của từng danh mục cụm, tuyến được Thông báo tại Quyết định số 2603/QĐ-UBND ngày 11/12/2008 của UBND tỉnh;
Như vậy, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2 rất hạn chế (do không có cơ chế cho vay như giai đoạn 1). Để thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh (cố gắng điều hành bám sát chỉ tiêu vốn được TW phân bổ), khi triển khai các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ (đường giao thông, hệ thống thoát nước) Chủ đầu tư phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ về quy cách, kết cấu và phù hợp với khả năng kinh phí theo hạn mức được phân bổ và các nguồn vốn lồng ghép khác.
III. TIÊU CHÍ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG KỸ THUẬT:
Trên cơ sở Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 11/9/2008 của Ban chỉ đạo về tổ chức triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn 2 (2008 – 2010) Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở tỉnh An Giang đã hướng dẫn khái quát về một số tiêu chí cơ bản về thiết kế hạ tầng kỹ thuật trong quy hoạch tổng mặt bằng, nay có bổ sung điều chỉnh cụ thể như sau:
1. Về giao thông: Theo quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt, các trục đường chính trong cụm, tuyến dân cư (giai đoạn 2) có bề rộng 4 – 5 m, một số cụm, tuyến cá biệt có thể rộng 6 m; đường nội bộ có bề rộng 3 m; tải trọng không quá 3 tấn và thiết kế độ dốc 1 bên.
a) Kết cấu đường (chính và phụ) bao gồm các lớp như sau:
+ Mặt đường: bằng bê tông cốt thép mác không quá 250 dày 11 cm với hàm lượng thép từ 1,60 kg/m2 – 2,3 kg/m2;
+ Lớp lót bằng vãi ni-lon chống mất nước trong quá trình thi công bê tông;
+ Nền cát Eo ≥ 250 daN/cm2 và K ≥ 0,95 (đối với bề dày 50 cm tính từ với đáy lớp Bê tông cốt thép trở xuống);
+ Bó vĩa bằng Bê tông mác 200;
b) Đối với đường chính có tính chất liên xã, thì thực hiện mặt đường có bề rộng 3,50 m (đảm bảo theo tiêu chuẩn giao thông nông thôn), kết cấu như sau:
+ Mặt đường: bằng bê tông cốt thép mác không quá 250 dày 11 cm với hàm lượng thép từ 1,60 kg/m2 – 2,3 kg/m2;
+ Lớp lót bằng vãi ni-lon chống mất nước trong quá trình thi công bê tông;
+ Nền cát Eo ≥ 250 daN/cm2 và K ≥ 0,95 (đối với bề dày 50 cm tính từ với đáy lớp Bê tông cốt thép trở xuống);
c) Các tuyến đường chính thực hiện bề rộng mặt được 3 m. Phần còn lại hai bên đầm chặt lớp cát đen san lấp (không sử dụng Tà-bạ hoặc cát núi như giai đoạn 1 vì thực tế không phát huy hiệu quả);
d) Đối với cụm-tuyến dân cư trong nội ô thị trấn và cụm-tuyến dân cư mở rộng của các cụm-tuyến dân cư giai đoạn 1 đã thực hiện láng nhựa thì có thể thực hiện đường láng nhựa cho đồng bộ. Kết cấu đường cần đơn giản, phù hợp khả năng vốn của Chương trình;
2. Về thoát nước:
- Các hình thức tổ chức thu gom nước mưa, nước thải sinh hoạt:
+ Hệ thống cống chôn ngầm bằng BTLT; hoặc
+ Mương xây gạch có nắp dalle.
- Giữa 2 dãy nhà vẫn thực hiện mương thoát nước có nắp dalle. Riêng việc thực hiện mương thoát nước trước nhà (đối với tuyến 1 dãy nhà) do Chủ đầu tư quyết định tùy vào khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn thu bán nền giá linh hoạt.
- Cống BTCT ưu tiên sử dụng loại ly tâm đúc sẵn tại các nhà máy trong tỉnh và yêu cầu phải có chứng nhận chất lượng, giá cả phù hợp, hạn chế sử dụng cống đúc tại công trường. Khẩu độ cống tùy theo kết quả tính toán của từng cụm, tuyến mà xác định cho phù hợp từ 300 – 800 mm. Ở những cụm tuyến có đủ điều kiện thi công và quản lý chất lượng thì có thể thiết kế tổ chức thi công cống BTCT tại chỗ.
Hồ sơ thiết kế hệ thống thoát nước phải có bản vẽ các chi tiết cống cụ thể, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, thử cống theo phương pháp ép 3 cạnh phải đạt tối thiểu là cống cấp tải thấp (TCXDVN 372:2006 - Ống cống BTCT thoát nước) và thuyết minh tính toán cụ thể;
- Mương: xây gạch thẻ dày 10 cm nếu chiều cao khối xây ≤ 50 cm và dày 20 cm nếu chiều cao khối xây > 50 cm; bề rộng lòng mương không lớn hơn 30 cm, chỉ trát-láng vữa trong lòng mương; đáy mương bằng bê tông xi măng đá 1x2 dày 10 cm (không cốt thép) thi công trên nền cát đầm chặt; có dalle nắp BTCT dày 50 cm.
- Hố ga: kích thước 1,0 x 1,0 m đối với cống có đường kính ≤ 600 mm; kích thước 1,3 x 1,3 m đối với cống có đường kính 800 mm; Tường hố ga xây gạch thẻ dày 20 cm, tô tường 1 mặt, có nắp dalle bằng BTCT; đáy hố ga bằng BTCT đúc sẵn mác 200 dày 10 cm đặt trên nền cát đầm chặt;
Trường hợp mặt đường chỉ làm một phần mặt đường bê tông (đường chính), để giữ vệ sinh tại vị trí miệng hố ga có thể làm thêm mặt bê tông đá 1x2 (không cốt thép) mác 200, dày 5 cm (nối từ mép đường vào miệng hố ga).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Căn cứ vào khả năng bán nền linh hoạt (sau khi đã bố trí hết đối tượng cơ bản) hoặc nguồn vốn lồng ghép khác, Chủ đầu tư có thể quyết định tăng chiều rộng mặt đường chính và lựa chọn phương án đầu tư hệ thống thoát nước phù hợp cho từng cụm-tuyến;
2. Trên cơ sở suất đầu tư theo quy định, Chủ đầu tư chủ động xem xét trong việc điều hành, hướng dẫn các đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế phù hợp gởi Trung tâm Tư vấn và Kiểm định xây dựng An Giang thẩm tra trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện.
3. Quá trình thi công hạ tầng kỹ thuật, Chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình kỹ thuật thi công, bảo dưỡng theo các tiêu chuẩn hiện hành.
4. Quá trình triển khai thực hiện theo hướng dẫn này, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo về các ngành liên quan xem xét, xử lý hoặc trình UBND tỉnh (nếu vượt thẩm quyền).
Sở Xây dựng thông báo đến UBND các huyện, thị xã, thành phố để làm căn cứ chỉ đạo các ngành, các đơn vị tư vấn liên quan tổ chức thực hiện. ./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.