BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4928/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2015 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 857/DVKT-TCKT ngày 22/5/2015 của Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam đề nghị hướng dẫn áp dụng chính sách thuế GTGT đối với tàu AHTS công suất đến 16.000HP. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan xin trao đổi với Quý Bộ như sau:
1. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ, điểm c khoản 14 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì tàu bay (bao gồm cả động cơ tàu bay), dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Danh mục tàu bay, dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước đã sản xuất được làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành (hiện hành là Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT ngày 13/8/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
2. Qua rà soát các mặt hàng tàu khác cùng trong Phụ lục I Danh mục thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT ngày 13/8/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại mục “ký hiệu, quy cách, mô tả đặc tính kỹ thuật” phần lớn các loại tàu đều ghi có công suất đến hoặc sức nâng đến bao nhiêu CV hoặc DWT (Ví dụ: Tại mục 503 ghi “Tàu kiểm ngư” - công suất đến 600CV; tại mục 491 ghi “tàu thủy chở hàng” có tải trọng đến 53.000 DWT) nên được hiểu là dưới mức công suất đó trong nước đã sản xuất được.
Tuy nhiên, tại mục 485 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT có ghi đích danh “Tàu AHTS (tàu dịch vụ dầu khí đa năng) - công suất 16.000 HP” trong nước đã sản xuất được. Do đó, doanh nghiệp và cơ quan hải quan hiểu trong nước chỉ sản xuất được tàu AHTS có công suất 16.000HP, các loại tàu AHTS có công suất trên 16.000HP và dưới 16.000HP thì trong nước chưa sản xuất được. Căn cứ quy định tại mục 485 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT , cơ quan hải quan và doanh nghiệp đã xác định, tính thuế GTGT đối với tàu AHTS nhập khẩu.
3. Ngày 07/01/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 50/BKHĐT-KTCN về việc thực hiện Thông tư số 04/2012/TT-BKHĐT như sau: “Tại công văn số 2674/BGTVT-KHCN ngày 14/3/2014, Bộ Giao thông vận tải đã xác nhận “Tàu AHTS (tàu dịch vụ dầu khí đa năng)” công suất đến 16.000 HP, tại các nhà máy đóng tàu của Việt Nam đã sản xuất được. Do đó, Tàu AHTS công suất đến 16.000 HP thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ.
Đối với Danh mục thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, bổ sung tại Thông tư thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BKHĐT trong năm 2015”.
4. Căn cứ công văn số 50/BKHĐT-KTCN ngày 07/01/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu doanh nghiệp kê khai, nộp bổ sung thuế GTGT và tiền chậm nộp đối với các trường hợp tàu AHTS có công suất đến 16.000HP nhập khẩu vào Việt Nam giai đoạn từ 01/01/2014 đến nay.
Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam cho rằng việc cơ quan hải quan căn cứ công văn số 50/BKHĐT-KTCN ngày 07/01/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để yêu cầu doanh nghiệp kê khai, bổ sung thuế GTGT nhập khẩu và tiền chậm nộp thuế đối với tàu AHTS có công suất dưới 16.000HP đã nhập khẩu và được thông quan theo loại không chịu thuế GTGT là chưa phù hợp với quy định của Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT và chưa phù hợp với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bởi Thông tư không quy định loại dưới 16.000HP đã sản xuất được, nếu vậy thì loại trên 16.000HP của tàu AHTS cũng phải chịu thuế GTGT. Nếu tàu AHTS công suất đến 16.000HP đã sản xuất được tại các nhà máy đóng tàu của Việt Nam như ý kiến của Bộ Giao thông vận tải thì đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải sớm đưa vào Thông tư để thực hiện, không nên lấy công văn để áp dụng thực hiện những nội dung mà trong Thông tư không quy định.
5. Theo Tổng cục Hải quan, do Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT ngày 13/8/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ quy định “Tàu AHTS (tàu dịch vụ dầu khí đa năng) - công suất 16.000 HP” trong nước đã sản xuất được; không quy định rõ, cụ thể tàu AHTS có công suất trên 16.000HP và dưới 16.000HP trong nước đã sản xuất được hay chưa nên doanh nghiệp không có căn cứ để thực hiện. Việc xác định tàu AHTS đến 16.000HP trong nước đã sản xuất được chỉ rõ ràng khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến tại công văn số 50/BKHĐT-KTCN ngày 07/01/2015.
Vì vậy, để xử lý vướng mắc của Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Thời điểm xác định tàu AHTS công suất đến 16.000 HP do Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam thuê tàu AHTS thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành công văn số 50/BKHĐT-KTCN ngày 07/01/2015.
Để có cơ sở thực hiện chính sách thuế GTGT và áp dụng Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT theo đúng quy định, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến đối với nội dung nêu trên. Ý kiến tham gia xin nhận lại trước ngày 11/6/2015.
Trân trọng!
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.