ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4675/CV-LĐTBXH | Tp.Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 11 năm 2005 |
Kính gởi: | - Hội đoàn thể thành phố; |
Thực hiện Quyết định 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm và văn bản số 1633/LĐTBXH-LĐVL ngày 31/5/2005 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm;
Trong thời gian qua, Bộ phận thường trực xét duyệt dự án Quỹ quốc gia về việc làm của thành phố khi tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ dự án của các quận-huyện, hội đoàn thể thường gặp những sai sót lặp đi, lặp lại nhiều lần. Do vậy, cần được rút kinh nghiệm khắc phục và thực hiện đúng các nội dung cụ thể như sau:
1- Đối với người vay:
1.1- Người đứng tên vay vốn phải trong độ tuổi lao động có đầy đủ trách nhiệm và năng lực hành vi dân sự (nam từ 18 đến 60 tuổi, nữ từ 18 đến 55 tuổi).
1.2- Người thừa kế phải đủ tuổi lao động (nam, nữ từ 18 tuổi trở lên), nhưng tuổi tối đa của người thừa kế không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ và có đủ năng lực hành vi dân sự. Người thừa kế phải theo hàng thừa kế được quy định trong Bộ Luật dân sự, nếu hàng thừa kế thứ nhất không có thì chuyển tiếp cho hàng thừa kế thứ 2, tương tự chuyển tiếp cho hàng thừa kế thứ 3. Người ở hàng thừa kế thứ 2 và 3 phải có giấy cam kết trả nợ thay có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú. Người thừa kế không nhất thiết phải cùng hộ khẩu thường trú với người vay, nhưng người thừa kế phải có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thành phố.
1.3- Người vay phải tự ghi các thông tin đầy đủ và chính xác vào Giấy đề nghị vay vốn hỗ trợ việc làm (theo mẫu). Trường hợp người vay không biết chữ, không biết ký tên thì có thể nhờ người thân viết hộ và người vay phải điềm chỉ vào Giấy đề nghị xin vay.
- Trường hợp trong hộ gia đình những người có thể đứng tên vay vốn đều là công nhân viên (đã có việc làm ổn định), có nhu cầu vay vốn thì phải tạo việc làm cho ít nhất 1 lao động mới, đồng thời ghi rõ vào Giấy đề nghị xin vay là: tạo việc làm cho 01 lao động mới; Trường hợp người vay là công nhân viên, nhưng trong hộ có thành viên không phải là công nhân viên thì nên để cho thành viên này đứng tên xin vay và người thừa kế là công nhân viên.
1.4- Trong Giấy đề nghị vay vốn có một số yêu cầu mà người vay không có thông tin cung cấp thì gạch chéo (/), không được để trống. Mục đích sử dụng vốn vay phải ghi rõ ràng, cụ thể, không ghi chung chung (ví dụ: nuôi nghêu cám đến khi thu hoạch trên 1 hecta sân nghêu, nuôi 2 con bò sinh sản, trồng 100 gốc lài, mua 2 máy dệt, buôn bán quần áo…). Giấy đề nghị vay vốn không tẩy xóa để bảo đảm tính pháp lý của chứng từ.
1.5- Số tiền xin vay không vượt quá mức cho vay tối đa theo Quyết định 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ (20 triệu đồng/hộ gia đình và 500 triệu đồng/hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp sản xuất kinh doanh …).
1.6- Đối với người vay là người tàn tật (kể cả người mù) thì bổ sung bản sao Thẻ thương binh hoặc Biên bản giám định khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa thành phố để được hưởng mức lãi suất ưu đãi.
1.7- Đối với người vay xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh các ngành nghề “nhạy cảm”, các ngành nghề do nhà nước quản lý thì phải có Giấy phép sản xuất kinh doanh và chứng chỉ hành nghề… do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người xin vay; không được mượn hoặc thuê Giấy phép sản xuất kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề của người khác để đưa vào hồ sơ vay.
1.8- Người vay phải có trách nhiệm trả nợ vay khi đến hạn. Trường hợp người vay không có khả năng trả nợ, người thừa kế có trách nhiệm trả nợ thay cho người vay.
2- Đối với Ủy ban nhân dân phường-xã (cụ thể là cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc cán bộ XĐGN và việc làm phường-xã):
2.1- Nắm vững các quy định của chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tuyên truyền, cung cấp Giấy đề nghị xin vay vốn và hướng dẫn cho người vay làm hồ sơ xin vay.
2.2- Tiếp nhận và kiểm tra đầy đủ các nội dung trên Giấy đề nghị vay vốn của người vay để kịp thời phát hiện và yêu cầu bổ sung hoặc sửa chữa các thông tin trên Giấy đề nghị vay vốn. Ủy ban nhân dân phường-xã chịu trách nhiệm ký xác nhận trên Giấy đề nghị vay vốn này.
2.3- Phối hợp với Tổ thẩm định dự án của quận-huyện khảo sát thẩm định hộ vay; kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc chủ dự án và người vay thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn.
2.4- Phối hợp cùng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận-huyện làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận-huyện trong việc lập kế hoạch hàng năm xin vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm của địa phương.
3- Đối với Chủ dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm:
3.1- Tiếp nhận và kiểm tra Giấy đề nghị vay vốn của người vay do Ủy ban nhân dân phường-xã chuyển đến.
3.2- Việc lập bảng tổng hợp hộ vay và dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm phải bảo đảm tính chính xác trên cơ sở Giấy đề nghị xin vay của từng hộ vay và phải lập sau ngày tháng của các Giấy đề nghị xin vay. Sắp xếp Giấy đề nghị xin vay theo thứ tự dựa trên bảng tổng hợp và gởi về phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận-huyện. Lưu ý dự án được xây dựng phải cùng ngành nghề, cùng thời gian và lãi suất xin vay; dự án vay vốn không nên quá 15 hộ vay và tổng số tiền xin vay không quá 300 triệu đồng.
3.3- Phối hợp với Tổ thẩm định dự án khảo sát thẩm định hộ vay, kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn.
4- Đối với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận-huyện:
4.1- Tiếp nhận và kiểm tra dự án do Ủy ban nhân dân phường-xã chuyển đến (Lưu ý: kiểm tra kỹ và bảo đảm tính chính xác của các thông tin giữa Giấy đề nghị xin vay và bảng tổng hợp hộ vay, gồm: họ và tên người vay, số CMND, ngày và nơi cấp CMND, họ và tên người thừa kế, độ tuổi của người vay và người thừa kế, mục đích sử dụng vốn vay, số tiền xin vay, số tiền hiện có, số lao động hiện có và số lao động thu hút, tổng số vốn hiện có và số vốn xin vay, tổng số lao động hiện có và lao động thu hút thêm, thời gian lập Giấy đề nghị vay phải trước thời gian lập bảng tổng hợp và dự án); chịu trách nhiệm chính về đối tượng vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay và số lao động thu hút tăng thêm; chủ trì phối hợp cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và Chủ dự án tiến hành thẩm định, kết quả thẩm định được ghi vào Phiếu thẩm định dự án. Trường hợp Tổ thẩm định đề nghị giảm số tiền vay hoặc không cho vay thì phải nêu rõ lý do trong Phiếu thẩm định, đồng thời giữ nguyên Giấy đề nghị xin vay vốn của hộ bị cắt giảm tiền vay trong dự án.
4.2- Dựa vào kết quả thẩm định, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận-huyện tổng hợp tham mưu trình Ủy ban nhân dân quận-huyện xem xét và ban hành quyết định đề cử chủ dự án và bảo lãnh tín chấp (đối với dự án do địa phương bảo lãnh), hoặc chuyển đến hội đoàn thể cấp quận-huyện để đơn vị này tham mưu trình hội đoàn thể cấp thành phố ban hành quyết định cử chủ dự án và bảo lãnh tín chấp (đối với dự án do hội đoàn thể bảo lãnh).
4.3- Sau khi hồ sơ đã hoàn chỉnh, dự án được chuyển về Tổ dự án quản lý Quỹ quốc gia về việc làm – Văn phòng Ban chỉ đạo XĐGN và việc làm thành phố (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố).
4.4- Định kỳ hoặc đột xuất, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận-huyện có trách nhiệm phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ, kiểm tra và giải quyết gia hạn nợ, thu hút lao động tạo việc làm và các cam kết khác.
4.5- Định kỳ hàng tháng, quý, năm có báo cáo cho Ủy ban nhân dân quận-huyện và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố về tình hình cho vay vốn giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn; tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận-huyện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện và trong việc lập kế hoạch hàng năm xin vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.
5- Đối với phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội:
5.1- Tiếp nhận và kiểm tra dự án do phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận-huyện chuyển sang. Phối hợp với phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra thẩm định dự án, chịu trách nhiệm đánh giá về phương diện tài chính của dự án, thực hiện giám sát quá trình sử dụng vốn vay của hộ vay.
5.2- Đối với dự án đã được phê duyệt cho vay nhưng không giải ngân được, phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội phải báo cáo rõ lý do và đề xuất hướng xử lý với Thường trực Ban chỉ đạo XĐGN và việc làm thành phố và Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố xem xét giải quyết; đồng thời ra thông báo cho chủ dự án biết.
5.3- Định kỳ hàng tháng-quý-năm, phòng Giao dịch quận-huyện phải báo cáo về tình hình kiểm tra thực hiện dự án, tình hình phát vay, dư nợ, thu hồi nợ, nợ quá hạn; đồng thời lập kế hoạch và báo cáo số nợ sẽ thu hồi trong tháng, quý, năm liền kề cho Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố.
5.4- Trong quá trình kiểm tra sử dụng vốn vay, nếu phát hiện người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích thì thông báo ngay với phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận-huyện để báo cáo với Thường trực Ban chỉ đạo XĐGN và việc làm thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thu hồi nợ trước hạn.
5.5- Tiếp nhận đơn xin gia hạn nợ của hộ vay, chủ trì phối hợp với phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành kiểm tra và giải quyết gia hạn nợ theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
5.6- Chủ động thông báo cho người vay 1 tháng trước khi đến hạn thu hồi, phối hợp cùng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và chủ dự án tập trung bằng nhiều biện pháp để thu hồi nợ trong và quá hạn.
Để hồ sơ dự án xin vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm đảm bảo chặt chẽ theo quy định tại Quyết định 71/2005/QĐ-TTg , Thường trực Ban chỉ đạo XĐGN và việc làm thành phố đề nghị các đơn vị cần lưu ý trong quá trình lập và thẩm định dự án Quỹ quốc gia về việc làm. Trong quá trình thực hiện, nếu đơn vị có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Văn phòng Ban chỉ đạo XĐGN và Việc làm thành phố để được hướng dẫn.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.