BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 465/TTLLTPQG-TN&XLTT | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2012 |
Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia nhận được Công văn số 368/CQĐD-VP ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị trả lời kiến nghị của Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang về một số vướng mắc của địa phương liên quan đến việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp và Công văn số 271/STP-HCTP ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cũng về vấn đề nêu trên. Về vấn đề này, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có ý kiến như sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp “Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”
Thủ tục giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện theo các quy định cụ thể tại Chương IV Luật Lý lịch tư pháp, Chương III Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Chương III Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Theo Công văn của Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang nêu, thì với số lượng các trường hợp tra cứu trong năm tại cơ quan Công an của Sở Tư pháp là tương đối lớn, mặc dù đại đa số các trường hợp là không có án tích, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho rằng điều này là đương nhiên bởi số lượng người có án tích thực tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số công dân có độ tuổi từ 14 tuổi trở lên và việc tra cứu về tình trạng án tích tại cơ quan Công an vẫn phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục đích và ý nghĩa của việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đối với công dân khi có yêu cầu.
Đối với các trường hợp là cán bộ của các tổ chức chính trị- xã hội, cán bộ mới nghỉ hưu, nghỉ chế độ tham gia tổ chức đoàn thể như trong kiến nghị của Sở Tư pháp, pháp luật hiện hành về lý lịch tư pháp không có quy định cá biệt áp dụng đối với những đối tượng này khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với những trường hợp này vẫn phải tuân thủ đúng theo các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Riêng đối với trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên kể từ ngày 01/7/2010 (ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực pháp luật), nếu người đó có một nơi thường trú duy nhất tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì việc tra cứu thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đó được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú (khoản 1 Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp và khoản 1 Điều 23 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT); trường hợp người đó đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi tiếp nhận yêu cầu và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (khoản 2 Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp).
Để có cơ sở tra cứu thông tin án tích tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cần tăng cường việc xử lý thông tin lý lịch tư pháp, lập lý lịch tư pháp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp.
Trên đây là ý kiến của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia về việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, xin gửi Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang biết, thực hiện.
| GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.