BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 462/TCT-CS | Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2011 |
Kính gửi: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 327/CV.ICF ngày 3/11/2010 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản về chính sách thuế và tỷ giá sử dụng trong hạch toán, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Đồng tiền ghi trên hóa đơn:
- Tại khoản e điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã hướng dẫn về đồng tiền ghi trên hóa đơn như sau:
“e) Đồng tiền ghi trên hóa đơn
Đồng tiền ghi trên hóa đơn là đồng Việt Nam.
Trường hợp người bán được bán hàng thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng nguyên tệ, phần chữ ghi bằng tiếng Việt. Ví dụ: 10.000 USD – Mười nghìn đô la Mỹ.
Người bán đồng thời ghi trên hóa đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hóa đơn.
Trường hợp ngoại tệ thu về là loại không có tỷ giá với đồng Việt Nam thì ghi tỷ giá chéo với một loại ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá.”
- Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Đối với hóa đơn xuất khẩu, nội dung đã lập trên hóa đơn xuất khẩu phải bao gồm: số thứ tự hóa đơn; tên, địa chỉ đơn vị xuất khẩu; tên, địa chỉ đơn vị nhập khẩu; tên hàng hóa, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền, chữ ký của đơn vị xuất khẩu (mẫu số 5.4 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp trên hóa đơn xuất khẩu chỉ sử dụng một ngôn ngữ thì sử dụng tiếng Anh.”
- Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp người bán được bán hàng thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng nguyên tệ, phần chữ ghi bằng tiếng Việt. Người bán đồng thời ghi trên hóa đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hóa đơn. Khi lập hóa đơn xuất khẩu giao khách hàng, trường hợp trên hóa đơn chỉ sử dụng một ngôn ngữ là tiếng Anh thì doanh nghiệp được ghi tổng số tiền thanh toán bằng nguyên tệ, phần chữ ghi bằng tiếng Anh.
2. Tỷ giá sử dụng để hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh:
- Điều 11 Luật kế toán số 03/2003/QH11 của Quốc hội khóa XI quy định về đơn vị tính sử dụng trong kế toán như sau:
“Đơn vị tính sử dụng trong kế toán gồm:
1. Đơn vị tiền tệ là đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”). Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh là ngoại tệ, phải ghi theo nguyên tệ và đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế hoặc quy đổi theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam…”
3. Ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập phát sinh từ chênh lệch tỷ giá:
- Tại điểm 1.2 công văn số 7250/BTC-TCT ngày 7/6/2010 của Bộ Tài chính về một số điểm cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN năm 2009 đã hướng dẫn về xác định các khoản thu nhập từ chênh lệch tỷ giá như sau:” – Trong năm tính thuế Doanh nghiệp có phát sinh khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ, lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính và lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính, thì được xác định như sau:
+ Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trực tiếp từ doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được hạch toán vào doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh tương ứng để xác định thu nhập doanh nghiệp.
+ Khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ, lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính sẽ được bù trừ với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính. Sau khi bù trừ nếu còn lãi chênh lệch tỷ giá thì tính vào thu nhập khác, nếu lỗ chênh lệch tỷ giá thì tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.”
Đề nghị Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy Sản căn cứ các quy định nêu trên và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.
Tổng cục Thuế thông báo để Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy Sản biết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.