BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 456/BNN-QLCL | Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2014 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
Triển khai chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại văn bản số 23/TB-VPCP ngày 17/01/2014 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó giao:
"UBND thành phố Hà Nội: phối hợp với các Bộ liên quan để bố trí thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số chợ, siêu thị để cung cấp dịch vụ kiểm tra nhanh cho người tiêu dùng theo phương thức xã hội hóa"
"Các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hỗ trợ Hà Nội trong công tác kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, hướng dẫn lựa chọn thiết bị kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, bảo đảm giá trị của kết quả kiểm nghiệm".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ UBND thành phố Hà Nội triển khai bộ phận kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm và trang bị thiết bị kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối (chợ bán buôn) nhằm cung cấp dịch vụ kiểm tra nhanh cho chủ hộ, cơ sở kinh doanh tại chợ và người tiêu dùng với nguyên tắc lựa chọn các thiết bị kiểm tra như sau:
- Lựa chọn các trang thiết bị kiểm tra nhanh cần phù hợp với tính chất và chủng loại hàng hóa, nguy cơ mất an toàn thực phẩm của loại hàng hóa tương ứng ở từng chợ.
- Để phù hợp với đặc điểm lưu chuyển của hàng hóa, thời gian lưu giữ hàng hóa tại các chợ đầu mối ngắn, nên tập trung đầu tư vào các thiết bị kiểm nhanh, sàng lọc/các bộ kít thử nhanh các nhóm chỉ tiêu an toàn thực phẩm chủ yếu trong nông sản như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, …
- Đầu tư kiểm nghiệm thực phẩm tại chợ phải có phòng đủ diện tích, bố trí trang thiết bị đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn trong thực hành, kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh theo tiêu chuẩn, quy định đối với cơ sở kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và nên được đầu tư theo nguyên tắc xã hội hóa hoặc hình thức hợp tác công tư.
2. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao cơ quan chức năng xây dựng đề án xác định rõ mục tiêu và quy mô đầu tư (cụ thể hóa từng mô hình, danh mục chỉ tiêu kiểm tra, danh mục thiết bị dụng cụ) cho từng mô hình chợ của thành phố.
Để được đánh giá chỉ định, là cơ sở pháp lý đảm bảo giá trị của kết quả kiểm nghiệm, các nội dung đầu tư phải đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn, quy định hiện hành, cụ thể là:
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 về yêu cầu chung về năng lực của các phòng kiểm nghiệm;
- Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 01/8/2013 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Y tế-Công Thương-Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thông tư 16/2011/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2011 quy định về đánh giá, chỉ định và quản lý phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thông tư 54/2011/TT-BNNPTNT ngày 03/8/2011 về yêu cầu năng lực phòng thử nghiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Về các bộ xét nghiệm nhanh (kit thử nhanh):
Các bộ xét nghiệm nhanh (kit thử nhanh) đưa vào sử dụng là các kít thử được cấp phép lưu hành theo quy định tại Thông tư 13/2010/TT-BYT ngày 12/5/2010 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm và Thông tư 28/2011/TT-BYT ngày 24/6/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2010/TT-BYT của Bộ Y tế.
Danh mục các kít thử nhanh được phép lưu hành hiện nay do Bộ Y tế quản lý, do vậy đề nghị cơ quan chức năng của UBND thành phố Hà Nội liên hệ Bộ Y tế để có thông tin cụ thể và được hướng dẫn thêm khi cần thiết.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 15 của Thông tư 13/2010/TT-BYT , các bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm được sử dụng kiểm tra nhanh phục vụ kiểm soát vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và kiểm tra nhanh giúp chủ hộ, cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn thực phẩm và hỗ trợ cho công tác kiểm tra, thanh tra (nhưng kết quả chỉ mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng kiểm nghiệm, không sử dụng làm cơ sở để xử lý vi phạm).
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản là cơ quan đầu mối để phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao nêu trên.
Vậy đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm xem xét quyết định.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.