BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 454/BTP-PLQT | Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2013 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 785/BTC-TCHQ ngày 19/12/2012 của Quý Bộ về việc góp ý thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí của Vietsovpetro, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
1. Về thuật ngữ "thuế hải quan" được sử dụng trong Hiệp định giữa Chính phủ CHXNCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu và khí tại thềm lục địa phía nam CNXHCNVN trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô "Vietsovphetro" ký ngày 16/7/1991 (Hiệp định năm 1991) được thay thế bởi Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa CHXHCNVN trong khuôn khổ Liên doanh Việt - Nga "Vietsovpetro" ký ngày 27/12/2010 (Hiệp định năm 2010) mà Bộ Tài chính đề nghị cho ý kiến, Bộ Tư pháp nhận thấy Hiệp định năm 1991 cũng như Hiệp định năm 2010 không có định nghĩa hoặc giải thích về thuật ngữ này. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam hiện nay, trong đó có: Luật Hải quan năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2005, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) cũng không có quy định cụ thể về vấn đề này.
2. Do thuật ngữ "thuế hải quan" được quy định trong Hiệp định năm 1991 và Hiệp định năm 2010 nên việc giải thích cần phải dựa vào các nguyên tắc quy định tại Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 (Điều 31: Quy tắc chung về việc giải thích và Điều 32: Những cách giải thích bổ sung) và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 của Việt Nam (các Điều từ 74 đến 79).
3. Để giải thích thuật ngữ "thuế hải quan" theo thông lệ quốc tế, Quý Bộ có thể tham khảo "Từ điển về chính sách thương mại" (Dictionary of Trade Policy Terms) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xuất bản năm 2007. Theo đó, thuật ngữ "thuế hải quan" (customs duties) được định nghĩa là thuế đánh tại biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu hay xuất khẩu; thuế này được quy định trong biểu thuế suất quốc gia (national tariff schedule) (trang 114). Trong khi đó, biểu thuế (tariff schedule) được định nghĩa là văn bản quy định các mức thuế suất (tariff rates) mà một quốc gia áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu hay xuất khẩu (trang 415). Trong WTO, các quốc gia cam kết về các mức thuế suất (tariff rates) là chỉ cam kết về thuế suất nhập khẩu hay xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam và Liên bang Nga đã là thành viên của WTO.
Ngoài ra, mục E8 / F11 Chương II Phụ lục Tổng quát của Công ước Kyoto năm 1974 về đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục hải quan được sửa đổi năm 2006 quy định "thuế hải quan là thuế quy định trong biểu thuế hải quan mà hàng hóa phải chịu khi nhập vào hay xuất ra khỏi lãnh thổ hải quan" ("Customs duties means the duties laid down in the customs tariff to which goods are liable on entering or leaving the customs territory"). Hiện nay, Việt Nam và Liên bang Nga đều là thành viên của Tổ chức hải quan thế giới và thành viên của Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục hải quan. Do đó, Việt Nam và Liên bang Nga cần thực hiện và tuân thủ các quy định của Công ước này.
4. Về thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu của Liên doanh Vietsovpetro, Bộ Tư pháp thấy rằng theo quy định tại khoản 17 Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 thì "máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt" là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, theo điểm b khoản 17 Điều 4 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thì để xác định hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu, doanh nghiệp phải xuất trình cho cơ quan hải quan danh mục máy móc, thiết bị và vật tư thuộc loại trong nước đã sản xuất được làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt.
5. Từ những phân tích trên đây, Bộ Tư pháp thấy rằng, mặc dù vấn đề thuế giá trị gia tăng không được quy định trong Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khôn khổ Liên doanh Việt - Nga "Vietsovpetro", tuy nhiên pháp luật Việt Nam có quy định về vấn đề này nên Quý Bộ có thể cân nhắc theo các quy định của pháp luật Việt Nam để áp dụng đối với việc nhập khẩu thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí của Vietsovpetro.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp góp ý về thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí của Vietsovpetro, xin gửi để Quý Bộ tham khảo./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.