BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 448BTLBP/BTM | Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2006 |
Kính gửi: | - Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh biên giới đất liền; |
- Căn cứ Nghị định số: 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi là Nghị định);
- Căn cứ Thông tư số: 181/2005/TT-BQP ngày 17/11/2005 của Bộ Quốc phòng Hướng dẫn thực hiện Nghị định về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi là Thông tư);
Để tổ chức thực hiện thống nhất, Bộ Tư lệnh hướng dẫn thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng tại cửa khẩu biên giới đất liền như sau:
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Hướng dẫn này quy định thủ tục, kiểm tra, giám sát Biên phòng tại các cửa khẩu biên giới đất liền (gọi chung là cửa khẩu biên giới), bao gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định và Chương I của Thông tư theo chức năng, nhiệm vụ của BĐBP;
2. Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu (viết tắt là xuất, nhập) qua cửa khẩu biên giới và các hoạt động khác tại khu vực cửa khẩu phải chấp hành nghiêm quy định của Nghị định và các quy định pháp luật nhà nước có liên quan.
Người, phương tiện, hàng hóa nước thứ ba đi qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Phương tiện, hàng hóa ngoài khu vực biên giới đi qua các cửa khẩu phụ phải được phép của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng).
3. Việc mở, nâng cấp cửa khẩu quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định và Điểm c Khoản 1 Mục I Thông tư; Biên phòng tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh cho ý kiến chỉ đạo trước khi tham mưu cho UBND tỉnh.
4. Cán bộ, kiểm soát viên BĐBP làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, ngoài việc nắm vững nội dung của Nghị định, Thông tư và hướng dẫn này còn phải nắm vững và thực hiện đúng các điều khoản của Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia, các thỏa thuận song phương và các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến chức năng và nhiệm vụ của BĐBP, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng duy trì tốt an ninh trật tự trong khu vực cửa khẩu.
II. PHẠM VI KHU VỰC CỬA KHẨU
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh có cửa khẩu xác định cụ thể phạm vi khu vực cửa khẩu đảm bảo các yêu cầu:
Trạm (Nhà) kiểm soát liên hợp quy định tại Điều 18 Nghị định (có phụ lục kèm theo), cụ thể:
1. Đối với cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính:
- Nhà kiểm soát liên hợp được tính trong phạm vi từ biên giới vào nội địa (Barie 1) đến (Barie 2) không quá 1.000 (một nghìn) mét;
Trong nhà kiểm soát liên hợp được bố trí theo mô hình và thực hiện dây chuyền kiểm soát:
+ Cửa xuất: Hải quan – Kiểm dịch (Y tế, Động vật, Thực vật) – BĐBP
+ Cửa nhập: BĐBP – Kiểm dịch (Y tế, Động vật, Thực vật) – Hải quan
* Bao gồm các khu vực sau:
+ Khu vực kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ của người, phương tiện và hành lý xách tay;
+ Khu vực làm thủ tục Hải quan, Kiểm dịch
+ Khu vực phòng chờ, phòng VIP, phòng cách ly;
+ Phòng chỉ huy, điều hành (Biên phòng, Hải quan)
+ Khu vực kiểm tra, kiểm soát phương tiện, hàng hóa;
Đối với cửa khẩu có lưu lượng xuất nhập cảnh lớn, bố trí luồng dành riêng cho cư dân khu vực biên giới sử dụng các loại giấy thông hành, chứng minh thư biên giới và các loại giấy tờ đi lại khác.
Ngoài ra, trong khu vực cửa khẩu còn có các khu vực sau:
* Dịch vụ ngân hàng, cửa hàng miễn thuế, dịch vụ bưu điện;
* Khu vực quá cảnh (đối với cửa khẩu quốc tế);
* Trụ sở của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu
* Các khu vực kho, bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu, nhập khẩu; Khu vực dành cho các hoạt động dịch vụ, thương mại; Khu vực bãi xe, bến đậu được bố trí phù hợp với quy hoạch và với lưu lượng xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.
* Khu vực cấm (nếu có) như: các công trình phòng thủ, các công trình kỹ thuật đặc biệt, khu vực nguy hiểm như: nguồn biến thế, máy soi Xray …;
2. Đối với khu vực cửa khẩu đường sắt:
Ngoài các khu vực nêu trên còn có luồng dẫn khách từ khu cách ly lên tàu và đoạn đường sắt cho tàu hành trình từ ga đến điểm dừng biên giới và ngược lại;
3. Đối với các cửa khẩu đường thủy nội địa dùng cho quá cảnh, ngoài các khu vực chức năng bố trí trên bờ nêu tại Khoản 1 trên, phạm vi khu vực cửa khẩu được tính từ điểm neo đậu chờ làm thủ tục của tàu thuyền đến biên giới.
4. Đối với các cửa khẩu phụ, Biên phòng các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể để bố trí cho phù hợp, đảm bảo yêu cầu lưu thông biên giới và ANQG …
5. Phạm vi khu vực cửa khẩu được cắm biển báo theo mẫu (phụ lục kèm theo).
III. THỦ TỤC, KIỂM TRA BIÊN PHÒNG TẠI CỬA KHẨU BIÊN GIỚI
1. Thủ tục Biên phòng tại cửa khẩu biên giới:
1.1. Hành khách xuất nhập cảnh phải nộp và xuất trình:
- Hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu; Tờ trình xuất nhập cảnh.
- Đối với các trường hợp nhận thị thực tại cửa khẩu: Đơn xin cấp thị thực; Phải có công văn xét duyệt nhân sự của A18 (Bộ Công an) cho phép nhận thị thực tại cửa khẩu; kèm theo hộ chiếu hợp lệ; 02 ảnh màu cỡ 4x6cm)
- Đối với khách xuất nhập, cảnh vùng biên giới; Giấy thông hành, chứng minh thư hoặc các loại giấy tờ có giá trị theo quy định của Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia, các Thỏa thuận mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với Chính phủ các nước có chung biên giới (Trung Quốc, Lào, Campuchia).
1.2. Phương tiện vận tải đường bộ và người điều khiển phương tiện phải xuất trình:
Chủ sở hữu và người điều khiển phương tiện phải xuất trình các loại giấy tờ quy định tại Chương II Nghị định, tại Mục II Thông tư và nộp Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở khách).
1.3. Phương tiện vận tải đường thủy nội địa trong khu vực biên giới: Phải xuất trình các loại giấy tờ quy định tại Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam.
Các trường hợp quy định tại các điều ước, Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia, hoặc các quy chế đặc biệt khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế hoặc hướng dẫn riêng.
2. Công tác kiểm tra XNC tại cửa khẩu:
2.1. Công tác kiểm tra đối với người xuất nhập cảnh:
- Quá trình kiểm tra cán bộ, kiểm soát viên phải được xác định đối tượng XNC, tính hiệu lực và cơ sở pháp lý của các loại hộ chiếu, giấy tờ mà người, phương tiện sử dụng để XNC qua cửa khẩu, cụ thể:
+ Nhân thân (người Việt Nam hay người nước ngoài, danh tính và các yếu tố khác về nhân thân của họ …);
+ Đặc điểm cấu tạo và nội dung ghi chép trong hộ chiếu, giấy tờ (phải phù hợp với mẫu quy định);
+ Tính pháp lý của hộ chiếu, giấy tờ: Phải do cơ quan có thẩm quyền cấp và còn hiệu lực sử dụng. Giấy tờ đó phải đúng với người trực tiếp sử dụng XNC qua cửa khẩu và không có dấu hiệu giả mạo; tẩy xóa; phải có thị thực nhập cảnh Việt Nam (đối với các trường hợp bắt buộc phải có thị thực) …
- Trình tự kiểm tra đối với hành khách xuất, nhập cảnh:
Kiểm soát viên tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ hộ chiếu, giấy tờ của khách, đối chiếu ảnh với người, kiểm tra tờ khai nhập, xuất cảnh, thị thực Việt Nam (đối với khách cần phải có thị thực), đối chiếu với danh sách quản lý nghiệp vụ, đăng ký khách và thực hiện kiểm chứng, cấp chứng nhận trạm trú theo quy định. (Thời gian làm thủ tục cho một khách không quá 2 (hai) phút/người).
+ Đối với người nước ngoài mang thẻ Doanh nhân APEC (ABTC), khi nhập cảnh nếu kiểm tra hộ chiếu hợp lệ thì không yêu cầu có thị thực; đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào hộ chiếu và cấp chứng nhận tạm trú thời hạn là 90 ngày, kể từ ngày nhập cảnh. Nếu thời hạn sử dụng của thẻ dưới 90 ngày thì cấp tạm trú bằng thời hạn còn lại của thẻ;
+ Các trường hợp khác như: Phát hiện đối tượng cấm nhập, cấm xuất, hộ chiếu, giấy tờ giả chưa có thị thực nhập cảnh, thị thực hết giá trị, nhập cảnh trước thời hạn thị thực, khách xuất cảnh quá hạn tạm trú, khách bị mất hộ chiếu v.v…. Việc xử lý thực hiện theo quy định, các trường hợp phức tạp khác báo cáo về BTL (Phòng Cửa khẩu) để chỉ đạo xử lý.
+ Đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn cất dấu tài liệu, đồ vật vi phạm thì đưa vào phòng kiểm tra, việc kiểm tra được thực hiện bởi 2 nhân viên kiểm thể cùng giới với người bị kiểm tra, kết quả kiểm tra được lập thành biên bản có xác nhận của đương sự và người làm chứng (nếu có)
- Trình tự kiểm tra đối với hành khách XNC vùng biên giới:
Tiếp nhận giấy tờ (giấy thông hành, chứng minh thư, giấy phép …); Nhận dạng giữa ảnh với người thật (có thể yêu cầu xuất trình chứng minh thư); kiểm tra giấy tờ để xác định sự hợp lệ (dấu, chữ ký của cơ quan cấp, giá trị thời gian vv….); Đối chiếu với danh sách đối tượng CN, CX, Kiểm chứng (nếu hợp lệ); Đăng ký, nhận dạng lần cuối và trả lại giấy tờ cho khách (nếu giấy tờ có ảnh);
+ Đối với công dân Việt Nam sử dụng giấy thông hành nhập, xuất cảnh để tham quan, du lịch đến các thành phố của Trung Quốc thuộc các tỉnh biên giới tiếp giáp với Việt Nam qua các cửa khẩu quy định tại Hiệp định tạm thời giữa Chính phủ hai nước ngày 07/11/1991 (có hướng dẫn riêng);
+ Đối với đồng bào Khme ở các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ xuất, nhập cảnh đến các tỉnh biên giới của Cămpuchia tiếp giáp với Việt Nam. Khi xuất cảnh đồn BPCK kiểm tra, kiểm soát và tạo điều kiện cho đồng bào làm thủ tục xuất, nhập cảnh như đối với thủ tục xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Cămpuchia;
+ Công dân hai nước Việt Nam – Lào thuộc các tỉnh có chung đường biên giới được qua lại bằng giấy thông hành biên giới do cơ quan công an tỉnh cấp. Khi muốn đến tỉnh khác ở mỗi nước phải được cơ quan công an cấp tỉnh cho phép nhập cảnh. Công dân mỗi nước được sử dụng cửa khẩu gần nhất để xuất nhập cảnh (theo Thỏa thuận Viên chăn 2002).
+ Công dân Việt Nam sử dụng thẻ Doanh nhân APEC (ABTC) được miễn thị thực khi nhập, xuất cảnh đến 16 nước thành viên APEC, thuộc các nước tham gia chương trình sử dụng thẻ đi lại ABTC, theo Quyết định số: 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
2.2. Công tác kiểm tra phương tiện xuất nhập cảnh:
+ Kiểm tra các bộ phận của xe nơi có khả năng dấu người, tài liệu, vũ khí, chất cháy, chất nổ hoặc các đồ vật vi phạm khác;
+ Những nơi nghi cất dấu đồ vật vi phạm yêu cầu lái xe mở ra để kiểm tra;
+ Kết hợp giữa quan sát và sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm tra. Các trường hợp nghi vấn, hoặc có tin báo cất giấu tang vật phạm pháp thì đưa đến khu vực kiểm tra đặc biệt;
+ Quá trình kiểm tra phương tiện phải cử người cảnh giới và phải có sự chứng kiến của lái xe (chủ phương tiện) hoặc người làm chứng.
- Đối với phương tiện vận tải đường sắt liên vận quốc tế: Trưởng tàu phải xuất trình các loại giấy tờ quy định tại Điều 8 Nghị định, Điểm b Khoản 5 Mục II Thông tư và nộp Tờ khai thành phần đoàn tàu. Danh sách tổ lái và nhân viên làm việc trên tàu, Danh sách hành khách (nếu là tàu chuyên chở hành khách);
Đối với các chuyến tàu khách liên vận quốc tế, việc kiểm tra hành khách thực hiện theo một trong hai phương pháp sau:
- Phương pháp kiểm tra tại toa hành khách: Được thực hiện trong trường hợp hành khách không phải rời tàu trong hành trình xuất nhập cảnh.
Kiểm soát viên lên tàu thu hộ chiếu, giấy tờ cùng Tờ khai nhập, xuất cảnh của khách, đối chiếu sự đồng nhất giữa người và ảnh trong hộ chiếu; Kiểm tra số lượng hộ chiếu phù hợp với danh sách hành khách, Kiểm tra tính hợp lệ của hộ chiếu, giấy tờ và làm thủ tục kiểm chứng trên tàu hoặc trụ sở nhà ga.
- Phương pháp làm thủ tục tại nhà ga: Đối với trường hợp khách phải chuyển tàu trong hành trình xuất nhập cảnh, được thực hiện như Điểm 1 trên.
- Việc đăng ký và làm thủ tục đối với nhân viên đường sắt Trung Quốc theo tàu như làm thủ tục đối với hành khách xuất, nhập cảnh. BĐBP căn cứ vào danh sách nhân viên phương tiện để đối chiếu, nếu trùng khớp giữa danh sách và hộ chiếu hợp lệ thì đóng dấu kiểm chứng vào danh sách và thu lại danh sách nhân viên phương tiện.
- Phương tiện vận tải đường thủy nội địa trong khu vực biên giới: Chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện phải xuất trình các loại giấy tờ quy định tại Điều 8 Nghị định và Điểm b Khoản 5 Mục II Thông tư, cụ thể:
+ Đối với phương tiện ghe, xuồng, hành khách và người điều khiển phương tiện là cư dân khu vực biên giới hoạt động qua lại cửa khẩu việc kiểm tra áp dụng như đối với người, phương tiện xuất, nhập cảnh vùng biên giới.
+ Đối với phương tiện vận tải biển hành trình tuyến quá cảnh, áp dụng theo Hướng dẫn số 217/HD-BTL ngày 22/4/2005 của Bộ Tư lệnh.
2.3. Công tác kiểm tra hàng hóa, hành lý:
- Việc kiểm tra hàng hóa thuộc chức năng của lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng phối hợp kiểm tra theo quy chế phối hợp. Trường hợp phát hiện chính xác trong hàng hóa có cất giấu các mặt hàng cấm hoặc gian lận thương mại thì yêu cầu lái xe hoặc chủ phương tiện cho kiểm tra hàng hóa và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Quá trình kiểm tra phát hiện hàng hóa, tang vật vi phạm thì lập biên bản phạm pháp quả tang, chuyển giao người và tang vật về đồn xử lý;
- Những trạm kiểm soát cửa khẩu phụ không có Hải quan thì việc kiểm soát phương tiện, hàng hóa, hành lý của người XNC vùng biên giới do Bộ đội biên phòng thực hiện nhưng phải đảm bảo tuân theo pháp luật về Hải quan;
- Đối với hành lý của khách để trên phương tiện hoặc mang theo người thì thực hiện kiểm tra theo các bước:
+ Yêu cầu khách tự giác giao nộp tang vật vi phạm (nếu có), sau đó thực hiện kiểm tra để đảm bảo tính khách quan và nghiêm minh của pháp luật;
+ Khi có nguồn tin báo hoặc biết chính xác đối tượng đang cất giấu tang vật phạm pháp trong hàng hóa, hành lý thì đưa khách vào phòng cách ly để kiểm tra. Kết hợp giác quan; quan sát, sờ nắn và kiểm tra bằng phương tiện kỹ thuật;
+ Đối với hàng hóa trên các phương tiện vận tải: chỉ tổ chức kiểm tra khi biết chắc chắn trong hàng hóa có tang vật phạm pháp, hoặc có gian lận thương mại trong khai báo hàng hóa XNK;
+ Phải nắm vững các quy định của pháp luật và các quy định về thủ tục Hải quan để phối hợp và độc lập kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện việc buôn lậu vận chuyển hàng hóa, hành lý, văn hóa phẩm, tiền tệ trái phép qua biên giới. Phát hiện xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia như vận chuyển vũ khí, chất nổ chất cháy, tài mật qua biên giới …
Quá trình kiểm tra nếu phát hiện có hàng hóa, tang vật vi phạm thì tiến hành lập biên bản tạm giữ và đảm bảo yêu cầu sau:
+ Tang vật tạm giữ là ma túy, vũ khí, chất nổ, vàng bạc, kim khí, đá quý phải lập biên bản mô tả tỉ mỉ và niêm phong, đồng thời yêu cầu đương sự ký xác nhận, trường hợp đương sự không biết chữ phải cho điểm chỉ vào niêm phong và biên bản;
+ Tang vật là tiền giả, yêu cầu đương sự ký tên vào góc tờ giấy bạc và lập biên bản có thống kê số sê ri từng tờ kèm theo;
+ Tang vật là tài liệu mật, yêu cầu đương sự ghi rõ “Tài liệu này là của tôi” và ký tên phía dưới;
+ Quá trình kiểm tra và lập biên bản tạm giữ tang vật phải có người làm chứng cùng ký tên vào biên bản.
IV. CÔNG TÁC GIÁM SÁT BIÊN PHÒNG TẠI CỬA KHẨU BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN
Giám sát biên phòng tại cửa khẩu biên giới đất liền được tiến hành với các đối tượng tại các khu vực theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Mục II Thông tư. Quá trình giám sát phải đảm bảo yêu cầu:
- Giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong khu vực cửa khẩu;
- Sẵn sàng hỗ trợ và xử lý kịp thời các tình huống;
- Điều hành các hoạt động ra vào của người, phương tiện và duy trì tốt an ninh trật tự trong khu vực cửa khẩu;
Để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Mục II Thông tư và đáp ứng các yêu cầu trên, việc giám sát Biên phòng tại cửa khẩu bố trí các bộ phận sau:
- Bộ phận giám sát bằng phương tiện kỹ thuật: Quan sát theo dõi các hoạt động của người, phương tiện hoạt động trong phạm vi khu vực cửa khẩu, ngoài các khu vực bắt buộc phải ghi hình liên tục, các trường hợp cần thiết phải ghi hình vào băng để làm tài liệu phục vụ yêu cầu nghiệp vụ. Thông tin kịp thời cho bộ phận thường trực cơ động xử lý tình huống.
- Bộ phận thường trực, cơ động: xử lý các tình huống.
- Bộ phận giám sát khu vực: Giám sát một khu vực trọng điểm nhất định, ở cây chắn đường (Barie) hướng dẫn, điều hành cho khách, phương tiện vào khu vực cửa khẩu theo đúng quy định (theo hệ thống biển chỉ dẫn);
- Bộ phận giám sát phương tiện: Giám sát phương tiện, ngăn chặn không cho người không có trách nhiệm tiếp cận phương tiện chưa hoàn thành thủ tục, phát hiện, bắt giữ những kẻ trốn trên phương tiện để vượt biên trốn ra nước ngoài hoặc xâm nhập vào nội địa; Giám sát việc bốc xếp, chuyên chở hàng hóa hành lý từ tàu xuống ga và lên tàu, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm khi bốc dỡ hàng hóa;
Đối với cửa khẩu đường thủy nội địa trong khu vực biên giới (Áp dụng như hướng dẫn số: 217/HD-BTL ngày 22/4/2005 của Bộ Tư lệnh).
V. CÔNG TÁC CHỦ TRÌ PHỐI HỢP HIỆP ĐỒNG VỀ ANTT TẠI CỬA KHẨU BIÊN GIỚI
Căn cứ vào chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đồn Trưởng đồn BPCK tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ biên phòng để duy trì an ninh, trật tự ở khu vực cửa khẩu theo quy định tại Điều 20 Nghị định và Khoản 10 Mục III Thông tư. Ngoài ra cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
1. Phối hợp với Ban Quản lý cửa khẩu bố trí nơi làm việc của các ngành phù hợp với dây chuyền kiểm soát theo quy định tại Điều 18 Nghị định và Khoản 9 Mục III Thông tư và thiết kế, lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn và phân luồng trong khu vực cửa khẩu theo Hướng dẫn này.
2. Thực hiện đăng ký tạm trú theo quy định tại Điều 12 của Nghị định và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để điều tra cơ bản, rà soát, thống kê lên sơ đồ khu vực cửa khẩu, quản lý chặt chẽ số đối tượng thuộc diện quản lý nghiệp vụ, các đối tượng hành nghề làm ăn trong khu vực cửa khẩu, đảm bảo duy trì tốt ANTT trên địa bàn.
3. Việc mời lực lượng đối diện hoặc sang cửa khẩu biên giới nước đối diện để giao ban định kỳ, trao thư mời, phản kháng, phối hợp hiệp đồng bắt tội phạm, xác minh đối tượng, tham dự các lễ kỷ niệm phải được sự đồng ý của BCH Biên phòng tỉnh hoặc thực hiện theo kế hoạch được Biên phòng tỉnh phê duyệt.
4. Chủ trì các cuộc giao ban đột xuất và định kỳ về thực hiện Quy chế phối hợp ANTT giữa đồn biên phòng với các ngành chức năng tại cửa khẩu.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh (thành phố):
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu tổ chức khảo sát tại thực địa, đề xuất UBND tỉnh có cửa khẩu xác định cụ thể phạm vi khu vực cửa khẩu theo Mục II Hướng dẫn này. Đồng thời lập kế hoạch đề xuất UBND tỉnh phê duyệt sử dụng nguồn kinh phí của địa phương làm các loại biển báo, biển chỉ dẫn, bảng nội quy theo mẫu thống nhất của Bộ Tư lệnh và triển khai lắp đặt tại các vị trí (phụ lục kèm theo).
- Thống nhất với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh có cửa khẩu bố trí sắp xếp dây chuyền kiểm soát theo quy định tại Điều 18 Nghị định và Khoản 9 Mục III Thông tư. Các lực lượng khác không có chức năng quản lý nhà nước về XNC tại cửa khẩu thì không bố trí làm việc tại nhà kiểm soát liên hợp để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
- Khi địa phương có chủ trương rút ngắn hoặc kéo dài thời gian mở, đóng cửa khẩu trong ngày, Biên phòng tỉnh phải báo cáo kèm theo văn bản đề xuất của địa phương về Bộ Tư lệnh để có ý kiến chỉ đạo.
2. Giao Bộ Tham mưu chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, hướng dẫn kiểm tra các đơn vị triển khai thực hiện, tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Tư lệnh.
Tham mưu cho Bộ Tư lệnh tham gia ý kiến với Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc định hướng phát triển kinh tế đối ngoại, hợp tác quốc tế và an ninh quốc phòng trên khu vực cửa khẩu biên giới.
Theo dõi, thẩm định và báo cáo Bộ tư lệnh về các đề xuất liên quan đến công tác cửa khẩu của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố) trước khi UBND tỉnh lấy ý kiến các Bộ.
3. Học viện Biên phòng, trường Trung học Biên phòng khẩn trương đưa nội dung Nghị định, Thông tư và Hướng dẫn của Bộ Tư lệnh vào chương trình giảng dạy, phù hợp với thực tiễn và đối tượng, bậc đào tạo.
Quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về Bộ Tư lệnh để chỉ đạo.
Nơi nhận: | KT. TƯ LỆNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.