TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4378/CT-PC | TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 07 năm 2010 |
Kính gửi: | - Các Chi cục Thuế quận, huyện; |
Qua tổng kết công tác thẩm định hồ sơ hoàn thuế, theo đề nghị của Phòng Pháp chế về việc bổ sung các thông tin, tài liệu có liên quan trong "Phiếu đề nghị hoàn thuế" để có đủ cơ sở xem xét thẩm định hồ sơ hoàn thuế theo quy định.
Cục Thuế hướng dẫn như sau:
I. CÁC THÔNG TIN, TÀI LIỆU CẦN BỔ SUNG KHI GIẢI QUYẾT HỒ SƠ HOÀN THUẾ:
Các bộ phận khi lập "Phiếu đề nghị hoàn thuế" (mẫu 07/QTr-HT - Ban hành kèm theo Quyết định số 1458/QĐ-TCT ngày 14/10/2009 của Tổng cục Thuế) phải ghi nhận thêm và bổ sung các thông tin, tài liệu như sau:
1. Tại Mục I. "Thông tin chung".
Thông tin cần bổ sung sau:
a) Thông tin về Giấy CNĐKKD hoặc Giấy phép đầu tư.
b) Thông tin về vốn điều lệ; vốn pháp định (nếu thuộc trường hợp quy định phải có vốn pháp định) và tình hình góp vốn đến thời điểm hoàn thuế.
c) Bảng tổng hợp kết quả kinh doanh 5 năm liền kề với kỳ xin hoàn thuế.
Lưu ý:
- Bảng tổng hợp kết quả kinh doanh của 5 năm liền kề với kỳ xin hoàn thuế phải được đính kèm tại phần đầu của hồ sơ hoàn thuế.
- Bảng tổng hợp kết quả kinh doanh phải có đầy đủ các chỉ tiêu: doanh thu, giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản điều chỉnh tăng (giảm) tổng lợi nhuận trước thuế TNDN, kết chuyển lỗ, tổng thu nhập chịu thuế TNDN (chưa trừ và đã trừ chuyển lỗ), số lỗ lũy kế qua 5 năm …
d) Xác định các thông tin về việc vi phạm (chưa thực hiện) nghĩa vụ khai thuế, quyết toán thuế, nộp thuế theo kỳ hạn quy định của từng sắc thuế (Thuế GTGT, thuế TNDN, Thuế Môn bài, thuế TTĐB …).
Lưu ý:
- Nếu Người nộp thuế chưa nộp hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế tại thời điểm lập Phiếu xác nhận tình trạng thuế, thì chưa có căn cứ xác định tình trạng thuế nên tạm dừng hồ sơ hoàn thuế đến khi hành vi vi phạm được khắc phục.
2. Tại Mục III. "Phân tích hồ sơ".
Ngoài việc phải phân tích trường hợp hoàn theo quy định pháp luật về thuế và các quy định pháp luật có liên quan, một số trường hợp cụ thể được hướng dẫn thêm như sau:
a) Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp xuất khẩu:
- Yêu cầu xác định rõ tính chất của hợp đồng, để đi đến phân tích loại hình xuất khẩu: xuất khẩu trực tiếp, ủy thác xuất khẩu, xuất kinh doanh, gia công xuất khẩu, gia công chuyển tiếp, xuất khẩu tại chỗ, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập …
- Phân tích giá trị hàng hóa xuất khẩu ghi trên hợp đồng, giá trị hàng hóa xuất khẩu ghi trên Tờ khai Hải quan, giá trị hàng hóa xuất khẩu ghi trên hóa đơn GTGT, số tiền đã thanh toán qua ngân hàng theo quy định và so sánh các chỉ tiêu giá trị này với nhau.
- Về chứng từ thanh toán phải ghi nhận cụ thể: thanh toán bằng tiền từ nhà nhập khẩu, thanh toán bằng tiền qua việc ủy quyền cho người thứ 3, thanh toán bằng tiền qua tài khoản vãng lai, thanh toán bằng hàng, khấu trừ công nợ, thanh toán trả chậm …
Lưu ý:
- Không được ghi nhận chung chung là hàng hóa xuất khẩu kê khai khớp đúng, được thanh toán đủ 100% và đủ điều kiện hưởng thuế suất 0%.
- Sau khi phân tích hồ sơ xuất khẩu, phải kết luận cụ thể trường hợp xuất khẩu của doanh nghiệp theo tài liệu có trong hồ sơ hoàn thuế là đủ hay không đủ điều kiện để hưởng thuế suất 0%.
b) Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp đầu tư TSCĐ:
- Trong hồ sơ hoàn thuế, nếu có số thuế hoàn liên quan đến trường hợp đầu tư TSCĐ thì phải có danh mục TSCĐ đính kèm.
- Phải phân tích và liệt kê các hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư TSCĐ (công việc này phải được thực hiện cho cả những lần hoàn thuế tiếp theo).
- Đối với TSCĐ phải chuyển dịch quyền sở hữu theo quy định pháp luật phải ghi nhận tình trạng sở hữu và các tài liệu có liên quan.
c) Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp đầu tư BĐS:
- Trong hồ sơ hoàn thuế, nếu có số thuế hoàn liên quan đến trường hợp đầu tư BĐS thì phải phân tích và liệt kê các hồ sơ pháp lý liên quan đến BĐS đầu tư (công việc này phải được thực hiện cho cả những lần hoàn thuế tiếp theo và ghi nhận những vấn đề pháp lý phát sinh mới trong hoạt động đầu tư).
- Phân tích tính phù hợp giữa BĐS đầu tư với chức năng, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp và việc tạo ra doanh thu chịu thuế GTGT trong tương lai.
d) Hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với trường hợp hoàn cho hàng tồn kho:
Phải có danh mục hàng tồn kho đính kèm và ghi nhận các nội dung sau:
- Phân tích sự vận động hàng hóa trong kỳ hoàn, sự biến động của hàng hóa tồn kho so với kỳ hoàn trước và tính hợp lý của định mức hàng tồn kho.
- Phân tích khả năng tiêu thụ hàng tồn kho.
Lưu ý:
- Nếu số thuế hoàn cho hàng tồn kho chiếm trọng yếu thì phải đề nghị doanh nghiệp giải trình nguyên nhân tồn kho và hướng tiêu thụ hàng tồn kho.
(Thông báo giải trình bổ sung phải đúng theo Quy trình hoàn thuế được ban hành kèm theo Quyết định số 1458/QĐ-TCT ngày 14/10/2009 của TCT).
- Nếu doanh nghiệp giải trình không hợp lý hoặc cơ quan thuế có nghi vấn về số lượng, giá trị, khả năng tiêu thụ, định mức hàng tồn kho … thì chuyển sang diện kiểm tra trước hoàn nhằm kiểm tra thực tế hàng tồn kho để có căn cứ giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp.
e) Ghi nhận giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ hoàn thuế:
Biểu đối chiếu số liệu phải có thông tin về giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ hoàn thuế để đối chiếu với số thuế GTGT đầu vào, đồng thời xác định tính phù hợp của các chỉ tiêu doanh số mua vào, bán ra, thuế suất, tồn kho …
II. NGUYÊN TẮC GHI NHẬN CÁC THÔNG TIN NÊU TRÊN:
1. Đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau:
- Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ hoàn thuế của Người nộp thuế và tài liệu được lưu trữ tại Cơ quan thuế để ghi nhận đầy đủ các thông tin như đã nêu tại Phần I vào trong Phiếu đề nghị hoàn thuế.
- Khi cần thiết mới yêu cầu Người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu có liên quan đến số thuế đề nghị hoàn. Nhưng phải đảm bảo đúng theo quy định pháp luật cho phép tại: điểm c, khoản 1, Điều 58 - Luật Quản lý thuế và Quy trình hoàn thuế được ban hành kèm theo Quyết định số 1458/QĐ-TCT ngày 14/10/2009 của Tổng cục Thuế.
2. Đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau:
Do hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, Đoàn kiểm tra cần phải:
- Kiểm tra thực tế tài liệu, chứng từ kế toán tại doanh nghiệp để xác định tính phù hợp của các thông tin nêu trên.
- Kiểm tra thực tế hàng hóa tồn kho; tài sản đầu tư; tính hợp lý, hợp lệ của chi phí đầu vào gắn liền với số thuế xin hoàn … theo đúng quy trình kiểm tra thuế.
Cục thuế hướng dẫn để các Phòng, các Chi cục Thuế biết và thực hiện thống nhất.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.