BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4376/BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thiên tai ở Việt Nam là tác nhân trực tiếp gây cản trở sự phát triển bền vững kinh tế xã hội, gia tăng đói nghèo. Việc giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách đối với nước ta.
Tiếp theo dự án Quản lý rủi ro thiên tai (NDRM) chuẩn bị kết thúc vào tháng 6/2011, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) chuẩn bị lập dự án “Quản lý thiên tai”, dự kiến vay vốn IDA của WB năm tài khóa 2012.
Năm 2020, WB đã phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai hai đoàn công tác xác định dự án vào tháng 5 và tháng 10/2010. Hai bên đã thống nhất mục tiêu, nội dung, phạm vi và tổng mức đầu tư sơ bộ cũng như kế hoạch thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT lập Đề cương chi tiết của dự án để trình Chính phủ phê duyệt danh mục và cho phép triển khai thực hiện từ năm tài khóa 2012 với các nội dung chính như sau:
1. Tên dự án và nhà tài trợ: Quản lý thiên tai, tên tiếng Anh: Vietnam Managing Natural Hazards (VN-Haz), Nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới;
2. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
3. Mục tiêu của dự án:
a. Mục tiêu dài hạn:
- Tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai ở các cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện, xã của Việt Nam; củng cố tính sẵn sàng ứng phó với rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, cải thiện việc dự báo thời tiết và năng lực cảnh báo sớm, giảm nhẹ các tác động tiêu cực của thiên tai cho các tỉnh được lựa chọn ở Việt Nam. Chương trình hỗ trợ theo đối tượng vùng địa lý và toàn diện này sẽ cung cấp hỗ trợ tổng thể để thúc đẩy các mục đích và mục tiêu của Kế hoạch hành động và Chiến lược quản lý thiên tai Quốc gia của Chính phủ.
- Dự án góp phần cải thiện hệ thống Quản lý thiên tai tại Việt Nam theo chiến lược quốc gia, đưa ra những biện pháp nhằm giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Củng cố năng lực và thể chế quản lý thiên tai để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngắn hạn và dài hạn của những vùng dễ bị tổn thương nhất để giảm bớt thiệt hại về người, kinh tế và tài chính khi xảy ra thảm họa thiên tai.
- Nâng cao năng lực cấp trung ương, cấp vùng và cấp tỉnh trong dự báo và cảnh báo sớm.
b. Mục tiêu ngắn hạn
- Tăng cường khả năng của các cơ quan quản lý rủi ro thiên tai của quốc gia, của tỉnh và của địa phương để cải thiện việc lập kế hoạch và giảm thiểu các rủi ro, do đó giảm tổn thất về người, giảm hư hỏng về tài sản và giảm sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế.
- Cải thiện hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo sớm để thu thập, xử lý và phổ biến thông tin, tạo cho mọi người dân có thể triển khai hành động kịp thời và hiệu quả hơn, nhằm giảm nhẹ các thiệt hại thiên tai và đáp ứng được các điều kiện thời tiết một cách thông thường hơn.
- Xây dựng năng lực cấp làng và xã để hỗ trợ phát triển “Các kế hoạch thôn an toàn và xã an toàn”.
- Giảm các rủi ro do bão, dông ở các vùng ưu tiên cao, thông qua việc bố trí các biện pháp công trình hiệu quả, các đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở quy mô vừa và nhỏ do các Bộ, tỉnh thực hiện; thông qua các hoạt động can thiệp quy mô nhỏ do các cộng đồng bị tổn thương nhận thức được và thực hiện.
- Nâng cao năng lực quản lý và thực thi dự án, quản lý môi trường, xã hội trong công tác quản lý thiên tai tổng hợp.
4. Các kết quả chính của dự án (theo từng hợp phần):
a. Hợp phần 1: Tăng cường thể chế
- Cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro thiên tai cho phép truy cập mở, kết nối với các quy trình vận hành tiêu chuẩn của các cơ quan liên quan;
- Tăng cường năng lực cho Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai trung ương hoạt động hiệu quả.
- Trung tâm quản lý thiên tai khu vực được thành lập có cán bộ và trang thiết bị và hoạt động tại các tỉnh dự án.
- Kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp cấp tỉnh đã được xây dựng và được cập nhật thường xuyên để phản ánh điều kiện thay đổi, ưu tiên và tiến độ phát triển cũng như bản đồ hiểm họa tại các tỉnh vùng dự án;
- Cơ sở dữ liệu quá trình đập được hình thành và duy trì;
- Mã xây dựng thiên tai (phù hợp cho từng tỉnh dự án) được hình thành do UBND tỉnh phê duyệt và áp dụng bắt buộc cho tất cả các công trình mới;
- Thông tin quản lý thiên tai được hình thành và đi vào hoạt động hoàn toàn (bao gồm cung cấp ngân sách duy tu và bảo dưỡng định kỳ từ nguồn ngân sách của tỉnh);
- Tiến hành các nghiên cứu tiềm năng đối với bảo hiểm thiên tai ở các ngành khác nhau.
b. Hợp phần 2: Tăng cường Hệ thống Dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo sớm thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn
- Lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn và trang thiết bị giao thông liên lạc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt và các yêu cầu về mạng lưới, thử nghiệm thí điểm và vận hành hoàn toàn tại cấp trung ương và địa phương (bao gồm cung cấp ngân sách duy tu và bảo dưỡng đảm bảo định kỳ từ nguồn ngân sách của tỉnh nếu có).
- Đào tạo cán bộ liên quan được biết sử dụng thiết bị và quan trắc khí tượng thủy văn và thiết bị giao thông liên lạc;
- Đào tạo cán bộ trong việc nhân rộng, phổ biến, truyền bá lũ lụt và cảnh báo và dự báo các hiểm họa khác nữa.
- Tiến hành các nghiên cứu tiềm năng đối với bảo hiểm thiên tai ở các ngành khác nhau.
c. Hợp phần 3: Quản lý Thiên tai dựa vào cộng đồng
- Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại 100 xã được thực hiện thành công theo đúng sổ tay hướng dẫn thực hiện Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và các tiêu chí lựa chọn xã.
- Thành lập các trung tâm quản lý rủi ro thiên tai cấp tỉnh cho 10 tỉnh tham gia dự án (hoặc được tăng cường ngay tại các cơ quan này) và hỗ trợ các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai cấp xã và huyện bao gồm cả việc triển khai chiến lược giảm nhẹ và kế hoạch phòng tránh thiên tai)
- Đào tạo quản lý rủi ro thiên tai được thực hiện ở cấp cộng đồng cũng như các hạng mục đầu tư được ưu tiên quy mô nhỏ, đặc biệt là đối với việc giảm thiểu hạn hán.
d. Hợp phần 4: Hỗ trợ đầu tư giảm thiểu rủi ro thiên tại cho các TDA ưu tiên
- Lựa chọn các tiểu dự án đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai theo đúng các tiêu chí lựa chọn được phê duyệt sử dụng phương pháp tiếp cận lưu vực sông và đã thực hiện thành công. Dự kiến đầu tư cho khoảng 18 công trình đảm bảo an toàn hồ chứa, 5 công trình đê, 6 tuyến đường cứu hộ cứu nạn 3 cảng tránh trú bão, và 8 công trình kè bảo vệ bờ.
- Thực hiện lồng ghép các tiểu dự án đầu tư quản lý rủi ro thiên tai với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp cấp tỉnh.
e. Hợp phần 5: Quản lý dự án
- Thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) cho dự án;
- Thống kê khảo sát cơ sở và thực hiện trong vòng 6 tháng đầu năm khi dự án có hiệu lực;
- Tiến hành báo cáo đầy đủ về các tác động môi trường và xã hội trong thời gian dự án và cách thức thực hiện giám sát các chính sách an toàn hiệu quả (thõa mãn cả yêu cầu của chính phủ và yêu cầu của Ngân hàng Thế giới) được đảm bảo bởi các cơ quan tham gia dự án;
- Tiến hành thực hiện M&E đối với các tác động của dự án trong thời gian thực hiện dự án và chuẩn bị báo cáo M&E hàng năm phân tích về chức năng và hiệu ích của các hoạt động trong khuôn khổ dự án.
5. Thời gian thực hiện dự án:
- Thời gian bắt đầu: từ 2011 (dự kiến ngày Hiệp định có hiệu lực 12/2011)
- Thời gian kết thúc: đến 2016 (dự kiến hoàn thành 12/2016)
- Thời hạn thực hiện dự án đầu tư dự kiến: 5 năm.
6. Địa điểm thực hiện dự án:
Dự án dự kiến triển khai trên phạm vi 10 tỉnh Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định và Ninh Thuận;
7. Tổng mức đầu tư dự kiến: 173 triệu USD
Trong đó:
- Vốn ODA do WB tài trợ: 150 triệu USD
- Vốn đối ứng dự kiến bằng 15,3% tổng số vốn đầu tư: 23 triệu USD
8. Nguồn vốn và cơ chế tài chính trong nước đối với dự án:
- Giai đoạn chuẩn bị dự án: Dùng nguồn vốn trong nước để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Áp dụng cơ chế cấp phát từ ngân sách Nhà nước.
- Giai đoạn thực hiện dự án đầu tư: Dùng vốn vay ưu đãi của WB và vốn đối ứng để thực hiện dự án đầu tư. Áp dụng cơ chế cấp phát từ ngân sách Nhà nước.
9. Hình thức vay vốn ODA: Vốn vay ưu đãi từ nguồn IDA của WB.
10. Tổ chức quản lý, thực hiện:
Thực hiện theo Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý chương trình, dự án ODA và các hướng dẫn của nhà tài trợ, Việc tổ chức quản lý thực hiện dự án cũng tương tự như đối với dự án Quản lý rủi ro thiên tai, cụ thể như sau:
- Bộ NN&PTNT là cơ quan Chủ quản dự án, chịu trách nhiệm điều hành chung toàn bộ dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh trong vùng dự án Chủ đầu tư các tiểu dự án, chịu trách nhiệm quyết định đầu tư các tiểu dự án do mình quản lý.
- UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ phần đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trong phạm vi của tỉnh.
- Ban CPO là cơ quan thực thi dự án, chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc việc thực hiện toàn bộ dự án. Các Ban Quản lý tiểu dự án ở Bộ TN&MT và ở các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và thực thi các tiểu dự án và các Hợp phần do mình quản lý.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xin gửi Đề cương chi tiết của dự án, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án theo kế hoạch năm tài khóa 2012 của Ngân hàng Thế giới.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.