BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4237/BTC-CST | Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2015 |
Kính gửi: | - Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; |
Ngày 10/3/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2015.
Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 đã điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, cụ thể như sau:
- Xăng (trừ etanol): tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.
- Nhiên liệu bay: tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.
- Dầu diezel: tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít.
- Dầu mazut, dầu nhờn: tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít.
- Mỡ nhờn: tăng từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg.
Đề nghị Cục Thuế và Cục Hải quan các địa phương hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu xăng (trừ etanol), nhiên liệu bay, dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn thực hiện kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường theo mức thuế mới được quy định tại Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 nêu trên kể từ ngày 01/5/2015.
Ngoài ra, để Cục Thuế và Cục Hải quan các địa phương thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã chuẩn bị tài liệu giới thiệu về Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 (gửi kèm).
Bộ Tài chính thông báo để Cục Thuế và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
GIỚI THIỆU
NGHỊ QUYẾT SỐ 888A/2015/UBTVQH13 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ QUYẾT SỐ 1269/2011/UBTVQH12 VỀ BIỂU THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT
1. Thực hiện các cam kết quốc tế về thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu
Theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do trong nội khối ASEAN (Hiệp định ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (Hiệp định ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (Hiệp định AKFTA), Việt Nam phải thực hiện Lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu. Với Lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA, Hiệp định ACFTA và Hiệp định AKFTA thì chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (mức thuế MFN) hiện hành với mức thuế nhập khẩu theo các Hiệp định nêu trên là từ 5%-35% tùy chủng loại và khoảng cách này ngày càng tăng vào các năm tiếp theo.
Như vậy, cùng một mặt hàng (xăng dầu) sẽ có nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau (MFN, ATIGA, ACFTA, AKFTA), dẫn đến rủi ro về ngân sách nhà nước, cũng như rủi ro cho cả kinh tế trong nước khi các nước xuất khẩu tăng giá bán xăng dầu.
2. Ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới
Kể từ quý III/2014 đến nay, giá dầu liên tục giảm mạnh và duy trì ở mức thấp. Để ứng phó với tình hình giá dầu giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
3. Khuyến khích sử dụng xăng dầu sinh học
Để góp phần khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học, bên cạnh các giải pháp tài chính khác thì việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm tạo chênh lệch hơn nữa giữa giá xăng E5 và xăng khoáng là một giải pháp có tính khả thi cao.
Như vậy, để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trước bối cảnh giá dầu trên thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định khi thực hiện Lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế; đồng thời để khuyến khích sử dụng xăng dầu sinh học thì việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là giải pháp cần thiết, có tính ổn định.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT
Việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu sau:
1. Phù hợp lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế (ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc); ổn định hợp lý giá xăng dầu trong nước, tương đương giá xăng dầu các nước trong khu vực (ASEAN, Trung Quốc và các nước có liên quan).
2. Góp phần giảm giá bán đối với nhiên liệu sinh học (xăng E5, E10), từ đó khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững theo xu thế tăng trưởng xanh trên toàn cầu.
3. Góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trong điều kiện giá dầu thô liên tục giảm.
III. NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT
Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12, Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh mức thuế BVMT đối với một số hàng hóa, cụ thể như sau:
- Xăng (trừ etanol): tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.
- Nhiên liệu bay: tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.
- Dầu diezel: tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít.
- Dầu mazut, dầu nhờn: tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít.
- Mỡ nhờn: tăng từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg.
- Dầu hỏa: giữ như hiện hành. Dầu hỏa chủ yếu được sử dụng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đó, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở những vùng này (chủ yếu là những hộ nghèo), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định giữ mức thuế BVMT đối với dầu hỏa như hiện hành.
Bên cạnh việc thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của việc điều chỉnh mức thuế BVMT như nêu trên thì việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu là phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế BVMT cụ thể, đó là được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của xăng dầu (xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng, do đó, cần quy định mức thuế cao đối với xăng dầu - trước đây, Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 chỉ quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu ở mức tối thiểu trong khung thuế suất (1.000 đồng/lít) và bằng mức phí xăng dầu để không gây xáo trộn khi chuyển từ phí xăng dầu sang thuế BVMT đối với xăng dầu. Tuy nhiên, mức thu thuế 1.000 đồng/lít đối với xăng theo Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 chưa tác động tích cực đến tiêu dùng và khuyến khích BVMT).
Ngoài ra, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ không làm tăng giá xăng, dầu trong nước khi cùng một mặt bằng giá xăng dầu thế giới, cơ cấu thuế trong giá xăng, dầu không tăng (mức tăng thuế BVMT như trên vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu giảm do thực hiện theo các cam kết quốc tế), do đó việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không ảnh hưởng tới cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2015.
Trên đây là nội dung Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 về biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2015./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.