BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4235/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 13 tháng 09 năm 2006 |
Kính gửi: Bộ Tài nguyên Môi trường
Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005 có hiệu lực từ ngày 01/07/2006. Hiện nay, sau hơn 2 tháng thực hiện Luật, Tổng cục Hải quan gặp trường hợp vướng mắc trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu tàu đã qua sử dụng để phá dỡ, cụ thể:
1. Nội dung vụ việc:
Chi nhánh Cung ứng dịch vụ Sửa chữa tàu biển Phà Rừng thuộc Công ty Đóng tàu Phà Rừng có công văn số 32/CV ngày 31/07/2006, công văn số 37/CV ngày 17/08/2006 gửi Tổng cục Hải quan đề nghị thông quan tàu Vĩnh Lợi Du nhập khẩu đã qua sử dụng để phá dỡ. Theo Công ty trình bày, ngày 12/05/2006 Công ty đã ký hợp đồng số 01/HĐMB với Công ty TNHH Hoá học Vĩnh Lợi Du Liệu Phiên Nhung, Quảng Đông, Trung Quốc tàu “Vĩnh Lợi Du” do Trung Quốc sản xuất đã qua sử dụng để phá dỡ là căn cứ quy định tại Nghị định số 99/1998/NĐ-CP ngày 28/11/1998 về quản lý và mua bán tàu biển; Nghị định 49/2006/NĐ-CP ngày 18/05/2006 về đăng ký và mua bán tàu biển (có hiệu lực sau 15 ngày đăng công báo, thay thế Nghị định 99/1998/NĐ-CP) về điều kiện nhập khẩu tàu biển để phá dỡ.
Vì vậy sau khi hoàn tất thủ tục mua bán, nhận bàn giao tàu Vĩnh Lợi Du ngày 11/07/2006 Công ty đã mở tờ khai số 28 NK/KD/VG tại Chi cục Hải quan Vạn Gia - Quảng Ninh làm thủ tục nhập khẩu lô hàng trên và đã nộp thuế nhập khẩu là 126.260.000Đ. Nhưng sau khi kiểm tra đối chiếu quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 42 Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2006): Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ, Chi cục Hải quan Vạn Gia đã có công văn 05/TB-VG ngày 21/07/2006 thông báo tạm dừng thông quan hàng hoá.
2. Quan điểm của Tổng cục Hải quan:
- Việc nhập khẩu tàu Vĩnh Lợi Du đã qua sử dụng để phá dỡ của Công ty Đóng tàu Phà Rừng là bị cấm theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 42 Luật Bảo vệ Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường và Danh mục hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu kèm theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 về mặt hàng tàu đã qua sử dụng.
- Ngày 12/05/2006, Doanh nghiệp nhập khẩu tàu đã qua sử dụng để phá dỡ là căn cứ theo quy định tại Nghị định 99/1998/NĐ-CP ngày 28/11/1998 và Nghị định 49/2006/NĐ-CP ngày 18/05/2006(thay thế Nghị định 99/1998/NĐ-CP) không chú ý đến Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ ngày 01/07/2006.
- Để hoàn tất được thủ tục nhập khẩu tàu đã qua sử dụng để phá dỡ theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Nghị định 49/2006/NĐ-CP Doanh nghiệp phải chuẩn bị, tìm kiếm nguồn hàng, xây dựng phương án phá dỡ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là mất nhiều thời gian. Do vậy, Doanh nghiệp đã ký hợp đồng ngày 12/05/2006, ngày 21/06/2006 Phòng cảnh sát PCCC Hải Phòng đã phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy trong quá trình phá dỡ tàu, ngày 29/06/2006 Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng phê chuẩn phương án bảo vệ môi trường khi phá dỡ, ngày 30/06/2006 Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam có Quyết định số 1065/CNT-KDDN cho phép Công ty Đóng tàu Phà Rừng thực hiện phương án kinh doanh mua tầu Vĩnh Lợi Du để phá dỡ lấy sắt thép phế liệu tiêu thụ trong nước đều trước thời điểm Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực.
- Theo điều kiện hợp đồng, địa điểm giao tàu tại Cảng Vạn Gia, Móng Cái, Quảng Ninh thì tàu Vĩnh Lợi Du đã được đưa đến cảng Vạn Gia từ ngày 01/06/2006. Công ty Đóng tầu Phà Rừng sau khi hoàn tất thủ tục để được nhận giấy phép mua tàu Vĩnh Lợi Du của cơ quan có thẩm quyền thì tiến hành bàn giao tàu và thanh toán theo hoá đơn thương mại ký này 01/07/2006.
- Xử lý đối với tàu Vĩnh Lợi Du ngoài việc phạt vi phạm hành chính hành vi nhập khẩu hàng cấm là buộc tiêu huỷ hay tái xuất đều không khả thi.
Để tháo gỡ khó khăn, tránh thiệt hại về kinh tế cho Doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) dự kiến có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo theo hướng chấp nhận cho:
+ Công ty Đóng tàu Phà Rừng được phép nhập khẩu tàu đã qua sử dụng để phá dỡ với điều kiện đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình phá dỡ tàu.
+ Các trường hợp nhập khẩu tàu đã qua sử dụng để phá dỡ tương tự căn cứ vào hợp đồng mua bán trước ngày 01/07/2006, các thủ tục để được phép nhập khẩu và hàng về cảng Việt Nam phải trước ngày 31/08/2006 được phép làm thủ tục nhập khẩu.
3. Trên cơ sở nội dung vụ việc trên đề nghị Quý Bộ cho biết ý kiến và quan điểm xử lý vụ việc.
Xin trân trọng cám ơn sự hợp tác của Quý Bộ./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.