BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4233/BNN-TCLN | Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2010 |
Kính gửi: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 25 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội khóa X, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 200 của Quốc hội khóa X và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Văn bản số 455/TTg-NN ngày 20/04/2005, của Thủ tướng Chính phủ, về việc giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan, xây dựng thí điểm “Mô hình Lâm trường quản lý rừng bền vững”;
Căn cứ Tờ trình số 102/TTr-SNNPTNT ngày 24 tháng 8 năm 2010, của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận về việc thẩm định phương án quản lý rừng bền vững của Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ bản thống nhất phương án quản lý rừng bền vững của Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn, với những nội dung chính sau đây:
1. Tên phương án: Phương án Quản lý rừng bền vững Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
2. Thời gian thực hiện: Giai đoạn từ năm 2011-2045 (35 năm)
3. Hiện trạng rừng và sử dụng đất lâm nghiệp
Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn được giao quản lý 28 tiểu khu rừng đối với tổng diện tích tự nhiên 27.932,8 ha (rừng tự nhiên: 26.303,8 ha, rừng trồng: 167,5 ha và đất chưa có rừng, xen lẫn đất canh tác nông nghiệp của người dân địa phương: 1.461,5 ha) nằm trên địa bàn hành chính 3 xã là Hòa Sơn, Ma Nới và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.
4. Sự cần thiết phải xây dựng phương án
Việc thực hiện phương án nhằm khắc phục được những nhược điểm, tồn tại sau đây:
- Công ty được giao quản lý diện tích rừng lớn (rừng tự nhiên: 26.303,8 ha), nhưng chưa thực sự được tự chủ kinh doanh mà chỉ được coi là một đơn vị một đơn vị giữ rừng cho nhà nước, việc khai thác rừng theo chỉ tiêu phân bổ, không đúng với năng lực của rừng, từ đó gây lãng phí tài nguyên rừng.
- Do thiếu đất sản xuất và gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu, đa số là các hộ đồng bào dân tộc và các hộ kinh tế mới vẫn thường xuyên tác động vào rừng như chặt cây làm nhà, xâm lấn đất rừng để canh tác nông nghiệp và đốt than. Nguyên nhân do việc chia sẻ lợi ích từ rừng và đất rừng giữa chủ rừng và cộng đồng người dân địa phương vẫn còn có mâu thuẫn. Lợi ích kinh tế từ rừng mà người lao động cũng như cộng đồng địa phương trên địa bàn được hưởng chưa tương xứng với công lao động và sự đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng.
- Việc theo dõi đánh giá diễn biến tài nguyên rừng chưa thực hiện tốt, chỉ thực hiện lồng ghép 5 năm 1 lần theo Phương án điều chế đơn giản của giai đoạn phục vụ cho công tác quy hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, do đó chưa phản ánh kịp thời diễn biến tài nguyên rừng để xây dựng kế hoạch kinh doanh rừng phù hợp.
- Việc phòng chống cháy rừng tuy đã được chú trọng và đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công ty với các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng; tuy nhiên cháy rừng vẫn xảy ra và gây thiệt hại (bình quân 75,9 ha/năm). Nguyên nhân chính là do các hoạt động đốt nương làm rẫy, bẫy chim, thú của người dân sống gần rừng.
5. Mục tiêu phương án
5.1. Về kinh tế: Quản lý, sử dụng có hiệu quả rừng và đất rừng, đảm bảo tính liên tục - ổn định – lâu dài trong khai thác rừng, đa dạng hóa sản phẩm từ rừng, nâng cao giá trị lâm sản trên thị trường; hạn chế đến mức thấp nhất những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa kinh tế, môi trường, xã hội và chất lượng của rừng.
5.2. Về xã hội: Tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên công ty và người dân địa phương sống gần và ven rừng, cải thiện sinh kế cho người dân trong khu vực, đặc biệt là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp với địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn, hỗ trợ gỗ, giống cây trồng nông lâm nghiệp, tập huấn chuyển giao kỹ thuật – kỹ năng canh tác nông lâm nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, giảm thiểu các tác động tiêu cực của người dân tới sự phát triển của rừng.
5.3. Về môi trường: Phát huy tối đa các chức năng của rừng như rừng phòng hộ môi trường, phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, chống suy thoái tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm và sinh cảnh của động vật hoang dã, hệ sinh thái đại diện.
6. Nguyên tắc xây dự án phương án
- Tuân thủ pháp luật của Nhà nước và những thỏa thuận quốc tế mà Nhà nước đã ký kết, đồng thời tuân theo tất cả những tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC).
- Đảm bảo quyền hạn và trách nhiệm sử dụng lâu dài đất và tài nguyên rừng. Tài nguyên đất và rừng phải được xác lập rõ ràng, tài liệu hóa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công nhận và tôn trọng quyền lợi hợp pháp và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân sở tại về quản lý, sử dụng rừng và đất rừng.
- Những hoạt động quản lý kinh doanh rừng có tác dụng duy trì hoặc tăng cường phúc lợi cho người lao động lâm nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội lâu dài trên địa bàn.
- Những hoạt động quản lý kinh doanh rừng phải nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ đa dạng của rừng, đảm bảo tính bền vững về kinh tế, tính đa dạng về lợi ích môi trường và xã hội. Ví dụ, Công ty phải hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất, phế thải trong quá trình khai thác, chế biến tại chỗ và tránh gây tổn hại những nguồn tài nguyên khác của rừng, trong quản lý cần phải phân vùng và lập bản đồ chức năng rừng, trong kinh doanh phải đảm bảo những đầu tư cần thiết để duy trì năng suất của rừng và quan tâm đầy đủ những vấn đề về môi trường và xã hội.
- Chú trọng thực hiện bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, đất đai, hệ sinh thái và sinh cảnh đặc thù dễ bị tổn thương, duy trì các chức năng sinh thái và toàn vẹn của rừng. Duy trì những khu rừng có giá trị bảo tồn cao.
- Thực hiện giám sát và đánh giá định kỳ về rừng hàng năm để có những điều chỉnh thích hợp với cường độ sản xuất kinh doanh và các hoạt động quản lý rừng.
7. Bố trí quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và lập kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của Công ty.
7.1. Các khu rừng phòng hộ, các khu loại trừ nhằm bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ sinh cảnh, bảo vệ nguồn nước: 12.046,1 ha.
7.2. Các khu sản xuất: 15.360 ha, cụ thể
7.2.1. Kinh doanh rừng tự nhiên: 13.860 ha
7.2.2. Kinh doanh rừng trồng: 1.500 ha
7.3. Đất sản xuất của người dân (chuyển cho người dân các xã Hòa Sơn và Ma Nới): 526,7 ha, bao gồm những diện tích thuộc trạng thái Ia, Ib, Ic và rừng trồng cây Điều (trước thuộc khu vực phòng hộ) gần khu vực sinh sống của người dân để quản lý và canh tác nông nghiệp.
Biểu 1: QUY HOẠCH MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP
Hiện trạng đất và rừng | Quy hoạch mục đích sử dụng và hoạt động | ||
Loại đất và rừng | Diện tích (ha) | Mục đích sử dụng | Diện tích (ha) |
Tổng | 27.932,8 |
| 27.932,8 |
A. Rừng sản xuất | 13.312,3 | A. Rừng sản xuất | 15.360,0 |
I. Rừng gỗ tự nhiên (I = 1+2+3) | 12.525,2 | I. Kinh doanh rừng tự nhiên | 13.860 |
1. Rừng gỗ lá rộng | 10.591,5 | 1. Rừng gỗ: | 11.891,2 |
1.1. Rừng giàu, rất giàu | 1.539,9 | 2. Rừng tre, nứa | 1.968,8 |
1.2. Rừng trung bình | 2.022,7 |
|
|
1.3. Rừng nghèo | 7.028,9 |
|
|
2. Rừng gỗ hỗn giao | 1.435,2 |
|
|
3. Rừng lá kim | 525,8 |
|
|
II. Đất trống (Ia, Ib, Ic) xen lẫn đất nông nghiệp của nhân dân | 787,1 | II. Kinh doanh gỗ rừng trồng | 1.500 |
B. Rừng phòng hộ | 14.620,5 | 1. Trồng rừng mới (trên những diện tích đất trống và cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt) | 1.500 |
I. Rừng gỗ tự nhiên (I=1+2+3) | 13.778,6 | B. Mục đích bảo vệ môi trường, phòng hộ (kết hợp nhiều chức năng phòng hộ trên một diện tích rừng) | 12.046,1 |
1. Rừng gỗ lá rộng | 11.546,9 | 1. Bảo vệ và bảo tồn đất | 11.910,0 |
1.1. Rừng giàu | 526,0 |
|
|
1.2. Rừng trung bình | 1.709,6 | 2. Phòng hộ dọc sông suối | 1.085,0 |
1.3. Rừng nghèo | 9.311,3 | 3. Bảo vệ hệ sinh thái đại diện | 270,1 |
2. Rừng gỗ hỗn giao (bao gồm cả rừng giàu, trung bình và nghèo) | 1.184,3 | 4. Bảo tồn động vật hoang dã | 55,8 |
5. Bảo vệ sinh cảnh động vật hoang dã | 3.448 | ||
3. Rừng lá kim (bao gồm các rừng giàu, trung bình và nghèo) | 1.047,4 |
|
|
II. Rừng trồng | 167,5 | C. Rừng trồng phòng hộ giao trả lại cho bà con nhân dân xã Hòa Sơn và Ma Nới, huyện Ninh Sơn | 152,7 |
III. Đất trống (Ia, Ib, Ic) nằm rải rác, phân bố khu vực dốc và xen lẫn đất nông nghiệp | 674,4 | D. Đất sản xuất nông nghiệp giao trả lại cho bà con nhân dân xã Hòa Sơn và Ma Nới, huyện Ninh Sơn | 374,0 |
8. Một số nội dung, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh
8.1. Khai thác gỗ rừng tự nhiên
- Khai thác rừng phải gắn với việc thực hiện các biện pháp lâm sinh, nhằm điều chỉnh được cấu trúc của rừng và dẫn dắt rừng phát triển ngày càng tốt hơn, cho năng suất cao hơn ở luân kỳ sau.
- Đường kính tổi thiểu được phép khai thác của rừng cây theo nhóm gỗ phải thực hiện đúng quy định (trước mắt là Quyết định 40/2005/QĐ-BNN), cụ thể như sau: Gỗ nhóm I và II: 50cm, gỗ nhóm III đến VI: 45 cm, gỗ nhóm VII và VIII: 40cm, đối với gỗ từ rừng lá kim: 40 cm, cây họ Dầu: 35 cm. Trong quá trình triển khai thực hiện phương án, Công ty có trách nhiệm tổng kết thực tiễn hoặc cập nhật những quy định mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT về cấp kính được phép khai thác chính đối với từng loài cây trên những điều kiện lập địa.
- Ưu tiên bài cây khai thác đối với những cây có đường kính lớn trước.
- Sản lượng khai thác không được vượt lượng tăng trưởng của rừng (AAC). Lượng tăng trưởng xác định như sau: AAC = 1.566560 (tổng trữ lượng của rừng giàu và trung bình hiện tại được quy hoạch khai thác) * 0,01 (mức tăng trưởng bình quân) * 0.65 (tỷ lệ lợi dụng gỗ) * 0,7 (hệ số tiếp cận diện tích) = 7.128 m3/năm.
Như vậy, sản lượng khai thác chính tối đa bảo đảm tính bền vững trong cả luân kỳ không được vượt 7.100 m3/năm.
- Chỉ khai thác chính ở những khu rừng đã đạt tuổi thành thục (diện tích rừng giàu) và diện tích rừng trung bình dự kiến sẽ đạt thành thục trong luân kỳ kinh doanh (theo dự báo trong vòng 35 năm, toàn bộ diện tích rừng trung bình hiện tại sẽ đạt mức thành thục), do đó, tổng diện tích khai thác chính trong luân kỳ đầu dự kiến là 7.855,5 ha (1.700,7 ha rừng giàu hiện có và 6.154,8 ha rừng trung bình dự kiến đạt trữ lượng của rừng giàu); do đó, bình quân mỗi năm có thể khai thác 224 ha.
Tính toán trên cơ sở trữ lượng rừng giàu hiện tại (rừng thông: 295 m3/ha; rừng lá rộng thường xanh 291 m3/ha) và theo các quy định hiện hành, phương án đã xác định sản lượng khai thác hàng năm là 6.895,2 m3, tương ứng với diện tích là 207 ha là đảm bảo bền vững.
Tuy nhiên, trong phương án chỉ xác định lượng khai thác hàng năm của giai đoạn 2011-2015 tăng dần từ 4.000 m3 (năm 2011) đến 6.000 m3 (năm 2015), tương ứng với diện tích 207 ha (bình quân chỉ có 19 m3/ha đến 28,9 m3/ha) là quá thấp, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Do đó cần xem xét thêm việc dự báo toàn bộ diện tích rừng trung bình của Công ty sẽ đạt thành thục trong luân kỳ kinh doanh đã hợp lý chưa? hoặc phải tăng sản lượng khai thác. Nếu khai thác từ 4.000 m3 đến 6.000 m3/năm, thì chỉ cần bố trí diện tích rừng từ 100 ha đến 150 ha, mà không nhất thiết phải tăng diện tích rừng khai thác.
8.2. Khai thác gỗ rừng trồng
- Giai đoạn từ năm 2020-2030: tổng diện tích rừng đưa vào khai thác là 500 ha, bình quân 50 ha/năm, sản lượng dự kiến cả giai đoạn 10 năm là 33.750 m3
- Giai đoạn từ năm 2031-2045: Tổng diện tích rừng đưa vào khai thác là 1.500 ha, bình quân 100 ha/năm, sản lượng dự kiến cả giai đoạn 15 năm là 101.250 m3.
8.3. Khai thác lâm sản ngoài gỗ (lồ ô)
- Đối tượng rừng: rừng hỗn giao lồ ô với gỗ, đối tượng khai thác là cây lồ ô đã thành thục và cây trung niên (tuổi từ 3-5 năm)
- Diện tích khai thác: bình quân 80 ha/năm
- Phương thức khai thác: chặt chọn với cường độ khai thác: 20-25% số cây
- Sản lượng dự kiến: 30.000 cây/năm
8.4. Các biện pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng tự nhiên
8.4.1. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh (phục hồi rừng)
- Đối tượng: là diện tích rừng sau khai thác kiệt, một số diện tích thuộc đất nương rẫy bỏ hoang ở khu vực có độ dốc lớn, xen kẽ trong khu vực loại trừ và sản xuất.
- Tổng diện tích: 1.773,8 ha.
- Tiến độ: Giai đoạn 2011-2015: 273,8 ha (bình quân 55 ha/năm; các giai đoạn sau (từ 2016 trở đi) bình quân mỗi giai đoạn 5 năm thực hiện 250 ha.
8.4.2. Nuôi dưỡng rừng
a. Nuôi dưỡng rừng sau khai thác chọn
- Đối tượng: Là diện tích rừng đã thực hiện khai thác hàng năm
- Diện tích nuôi dưỡng của toàn luân kỳ: 5.850,6 ha.
- Tiến độ: giai đoạn 2011-2015: 515,6 ha, bình quân 103 ha/năm; giai đoạn 2016-2020: 757,5 ha, bình quân mỗi năm thực hiện 150 ha/năm; giai đoạn từ 2021-2045, bình quân mỗi năm thực hiện khoảng 180 ha/năm.
- Biện pháp thực hiện: loại bỏ cây phi mục đích, điều chỉnh tổ thành, phát luỗng dây leo.
Phương án cần nêu rõ lý do tại sao chỉ đưa diện tích là 5.850,6 ha rừng vào nuôi dưỡng, trong khi đó diện tích rừng đưa vào khai thác chọn trong cả luân kỳ là 7.855,5 ha.
b. Nuôi dưỡng rừng nghèo
- Đối tượng: rừng non phục hồi, rừng lá rộng nghèo
- Diện tích toàn luân kỳ: 1.747 ha, bình quân thực hiện 50 ha/năm
- Biện pháp thực hiện: loại bỏ cây phi mục đích, điều chỉnh tổ thành, phát luỗng dây leo.
8.4.3. Làm giàu rừng
- Đối tượng: là một số diện tích rừng nghèo, rừng phục hồi là rừng sản xuất thuộc diện tích thực hiện nuôi dưỡng rừng (ở mục 8.6.2) nhưng có số lượng và chất lượng cây tái sinh chưa phù hợp với mục đích kinh doanh.
- Diện tích: 1.813,6 ha, tiến độ: giai đoạn 2011-2015 thực hiện 313 ha, bình quân mỗi năm là 60 ha; giai đoạn từ 2016-2045, bình quân mỗi năm thực hiện 50 ha.
Cần nêu rõ biện pháp kỹ thuật làm giàu rừng (theo rạch hay theo đám), các loài cây thực hiện làm giàu rừng.
8.5. Bảo vệ rừng.
- Diện tích: toàn bộ diện tích rừng của Công ty là 27.932,8 ha
- Biện pháp thực hiện
+ Tuyên truyền, giáo dục và khoán bảo vệ một số diện tích rừng giáp với hộ gia đình, cộng đồng sống trong khu vực của Công ty;
+ Tăng cường nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất tại 4 trạm bảo vệ rừng bao gồm: Trạm bảo vệ rừng Hòa Sơn, Trạm bảo vệ rừng Sông Tân; Trạm bảo vệ rừng Ma Nới và Trạm bảo vệ rừng Tà Nôi.
+ Xây dựng các phương án phòng chống cháy rừng, sâu bệnh hại rừng và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, truy quét các đối tượng đầu nậu, chủ gỗ và các điểm nóng về phá rừng.
+ Đối với các diện tích được quy hoạch bảo tồn đất, nguồn nước và đa dạng sinh học, Công ty sẽ xây đóng mốc, phân chia ranh giới cụ thể trên thực địa, lập biển báo và xây dựng kế hoạch bảo tồn cụ thể.
8.6. Cải tạo rừng tự nhiên nghèo
- Đối tượng: trên một số diện tích rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo, kém chất lượng, không có khả năng nâng cao chất lượng rừng bằng biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác.
- Loài cây: Keo lá tràm và Cóc hành
- Tổ chức thực hiện: liên kết với doanh nghiệp có đủ vốn, khả năng tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức: Công ty góp vốn bằng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp đầu tư toàn bộ vốn.
- Tổng diện tích thực hiện: 1.500 ha.
- Tiến độ thực hiện: bắt đầu từ 2011, mỗi năm bình quân trồng 100 ha
8.7. Chế biến gỗ và tiêu thụ sản phẩm
8.7.1. Chế biến gỗ
- Đầu tư 1 xưởng chế biến gỗ xẻ công suất giai đoạn đầu 2.000 m3 nguyên liệu/năm, giai đoạn sau nâng công suất 3.000 m3/năm
- Nguyên liệu: Gỗ từ khai thác chính rừng tự nhiên hàng năm, gỗ cành ngọn tận dụng từ khai thác.
- Nguồn vốn: do Công ty vay ngân hàng để đầu tư trang thiết bị
8.7.2. Tiêu thụ sản phẩm
- Giai đoạn 2011-2015: sản phẩm chủ yếu là gỗ xẻ, thị trường tiêu thụ trong tỉnh.
- Giai đoạn 2016-2020: tập trung sản xuất các sản phẩm như hàng mộc cao cấp, thị trường tiêu thụ được mở rộng sang các tỉnh lân cận.
Đề nghị bổ sung phương án đầu tư để chế biến hết 100% khối lượng nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng (khối lượng, sản phẩm dự kiến).
8.8. Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng
8.8.1. Đường vận chuyển và duy tu bảo dưỡng hệ thống đường vận chuyển
- Giai đoạn từ năm 2010 đến 2015: Mở mới 11,8 km, bình quân mỗi năm mở mới 2,4 km; các giai đoạn tiếp theo bình quân mỗi năm bình quân mở mới 2,0 km.
- Địa điểm mở đường vận chuyển là tại các tiểu khu quy hoạch khai thác rừng tự nhiên, kết hợp nhiều mục đích. Việc mở đường vận chuyển tuân thủ theo yêu cầu kỹ thuật, các nguyên tắc về xây dựng đường đáp ứng các yêu cầu về giảm thiểu tác động đến môi trường
- Duy tu bảo dưỡng đường: giai đoạn 2011-2015 thực hiện duy tu, bảo dưỡng 133,8 km, bình quân 26 km/năm; giai đoạn tiếp theo, bình quân thực hiện 25km/năm.
8.8.2. Xây dựng cơ bản và đầu tư trang thiết bị
a. Xây dựng cơ bản
- Hạng mục: phòng làm việc, xưởng chế biến gỗ và các công trình phụ trợ
- Khối lượng: Phòng làm việc và trạm quản lý bảo vệ rừng: 260 m2, nhà xưởng: 2.130 m2, hàng rào nhà xưởng: 300 m.
- Tiến độ thực hiện: năm 2011
b. Trang thiết bị máy móc
- Hạng mục: xe ô tô, xe nâng gỗ, một số dụng cụ, thiết bị chế biến gỗ, thiết bị văn phòng
- Số lượng: xe ô tô: 01, xe nâng gỗ: 1, máy tính, các thiết bị văn phòng khác: 14 chiếc.
- Tiến độ thực hiện: năm 2011 và năm 2012:
Biểu 2: KẾ HOẠCH BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN VÀ KINH DOANH RỪNG
Nhiệm vụ | Tổng số 2011-2045 | Nhiệm vụ 10 năm đầu | Tổng số từ năm | Tổng số từ năm | ||||||
Tổng số 5 năm đầu | Năm 01 (2011) | Năm 02 (2012) | Năm 03 (2013) | Năm 04 (2014) | Năm 05 (2015) | Tổng số từ năm | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |
I. Khai thác chính rừng tự nhiên sản xuât |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Diện tích (ha) | 5.861 | 515,5 | 83,2 | 96,2 | 104,9 | 105,1 | 126,2 | 757,5 | 1.835 | 2.752,5 |
2. Sản lượng (m3) | 204.000 | 24.000 | 4.000 | 4.000 | 5.000 | 5.000 | 6.000 | 30.000 | 60.000 | 90.000 |
II. Khai thác gỗ rừng trồng (sau 2021) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Diện tích (ha) | 1.500 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 500 | 1.500 |
2. Sản lượng (m3) | 135.000 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 33.750 | 101.250 |
III. Khai thác lồ ô |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Diện tích (ha) | 2.800 | 400 | 80 | 80 | 80 | 80 | 80 | 400 | 800 | 1.200 |
2. Sản lượng (nghìn cây) | 1.050.000 | 150.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 150.000 | 300.000 | 450.000 |
V. Trồng rừng sản xuất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Loài cây: Cóc hành, Keo | 1.500 | 500 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 500 | 1.000 | 1.500 |
VI. Khoán BVR cho hộ gia đình (ha) | 5.961,34 | 5.961,34 | 5.961,34 | 5.961,34 | 5.961,34 | 5.961,34 | 5.961,34 | 5.961,34 | 5.961,34 | 5.961,34 |
VII. Xây dựng đường (Km) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Đường vận chuyển (km) | 101,8 | 11,8 | 3 | 2 | 1,5 | 1,3 | 4 | 15 | 30 | 45 |
2. Duy tu bảo dưỡng (km) | 883,8 | 133,8 | 25 | 26,5 | 26 | 27,5 | 28,5 | 125 | 250 | 375 |
9. Kế hoạch hỗ trợ đối với người dân dân địa phương để phát triển kinh tế
9.1. Khoán bảo vệ rừng
- Đối tượng rừng: là những diện tích rừng sản xuất và phòng hộ gần khu vực người dân sinh sống, dễ xảy ra nguy cơ bị xâm lấn.
- Quy mô và thời gian thực hiện: tổng diện tích là 5.961,0 ha, bình quân mỗi hộ 30,0 ha trong cả luân kỳ, nhưng trong từng giai đoạn 5 năm phải có đánh giá làm cơ sở, tiếp tục thực hiện.
- Cơ chế hưởng lợi: hưởng tiền công nhận khoán theo quy định 100.000 đồng/ha/năm; được thu hái lâm sản phụ, lâm sản ngoài gỗ theo quy định và hưởng lợi khi Công ty khai thác gỗ.
9.2. Hỗ trợ cây giống trồng cây phân tán và khuyến lâm
- Loài cây trồng: Ca cao, Cao su, Điều, Keo lai, Cóc hành, Neem
- Số lượng cây: bình quân 30.000 cây/năm, thời gian hỗ trợ trong cả chu kỳ
- Hình thức thực hiện: Công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tham quan, học tập mô hình.
10. Kế hoạch lao động và vốn đầu tư
10.1. Nhu cầu về lao động
- Nhu cầu lao động giai đoạn đầu là 75 người/53 lao động hiện có (cần tuyển thêm 22 lao động làm việc dài hạn) và khoảng 1.000 lao động thời vụ, thực hiện các hoạt động trồng rừng, khoán bảo vệ rừng và các khâu lâm sinh đối với rừng tự nhiên
- Hình thức tuyển dụng: Đối với lao động thời vụ sẽ ưu tiên tuyển lao động địa phương
10.2. Nhu cầu chi phí và vốn đầu tư
10.2.1. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2010-2015: 113.555,697 triệu đồng, trong đó:
- Vốn do Công ty huy động (vốn tự có, vốn từ quỹ đầu tư phát triển, vay ngân hàng): 26.647,496 triệu đồng
- Vốn của đơn vị liên doanh, liên kết: 86.908,201 triệu đồng
10.2.2. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2045: 463.891,167 triệu đồng, trong đó:
- Vốn do Công ty huy động (vốn tự có, vốn từ quỹ đầu tư phát triển, vay ngân hàng): 311.101,136 triệu đồng
- Vốn của đơn vị liên doanh, liên kết: 152.790,031 triệu đồng.
11. Dự báo hiệu quả
11.1. Về kinh tế
- Doanh thu: 1.405.515,2 triệu đồng, bình quân 40.157,5 triệu đồng/năm
- Chi phí: 1.121.057,018 triệu đồng, bình quân năm 32.030,2 triệu đồng/năm
- Lợi nhuận trước thuế: 248.458,182 triệu đồng, bình quân 8.127,3 triệu đồng/năm
- Lợi nhuận sau thuế: 213.343,637 triệu đồng, bình quân 6.096 triệu đồng/năm;
- Nộp ngân sách (các loại thuế): 402.990 triệu đồng
11.2. Hiệu quả xã hội
Khi đi vào hoạt động, Phương án sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động, số liệu cụ thể như sau:
Bảng 3: DỰ TÍNH HIỆU QUẢ XÃ HỘI
TT | Loại lao động | ĐVT | Số lượng | Thu nhập BQ |
1 | Lao động thường xuyên | Người | 75 | 45 triệu/năm |
2 | Lao động thời vụ | Người | 1.000 | 12 triệu/năm |
3 | Hộ gia đình tự tham gia SX lâm nghiệp | Hộ | 207 | 5 triệu/năm |
11.3. Hiệu quả môi trường
- Bảo vệ, phát triển và duy trì ổn định 26.772,8 ha rừng.
- Bảo vệ hệ sinh thái rừng hiếm, rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái đại diện và sinh cảnh của động vật hoang dã: 12.046 ha.
- Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp: 1.500 ha đất nông nghiệp
- Cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương: 1.700 hộ dân thuộc 2 xã Hòa Sơn và Ma Nới.
12. Về những kiến nghị
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản đồng tình với những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý mà Công ty đã đề cập trong phương án, cụ thể:
- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện cho Công ty được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn lãi suất thấp và thời gian phù hợp với chu kỳ của cây lâm nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trồng rừng sản xuất.
- Cho phép Công ty thu phí dịch vụ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ rừng theo quy định hiện hành để Công ty để tạo nguồn kinh phí để đầu tư, phát triển rừng.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho Công ty sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để công ty tiếp cận các nguồn vốn.
13. Những ý kiến khác
13.1. Bố cục và số liệu hiện trạng để xây dựng Phương án
a. Phương án cần xem xét và cấu trúc lại một số mục sau:
- Điểm 1, Mục I: “Các kết quả điều tra cơ bản để xây dựng phương án” cần đưa xuống mục “tài liệu sử dụng” chứ không phải là cơ sở pháp lý.
- Phần II: Trình bày theo thứ tự sau:
+ Cơ sở pháp lý: Phần này cần nêu bật các văn bản pháp lý quy định ở các cấp và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương để làm căn cứ xây dựng phương án.
+ Tài liệu sử dụng: nêu các tài liệu nào được sử dụng để xây dựng phương án, cụ thể là các tài liệu điều tra cơ bản, các tài liệu liên quan.
b. Số liệu hiện trạng tài nguyên rừng
Phần số liệu hiện trạng bao gồm hiện trạng về sử dụng các loại đất, hiện trạng tài nguyên rừng theo từng loại trạng thái trong phương án không được thống kê chi tiết và chưa theo đề cương hướng dẫn; vì vậy, khi tiến hành thực hiện mục bố trí sử dụng đất (giai đoạn 2011-2045), phải tham khảo các tài liệu khác của Công ty (không có trong phương án). Đề nghị Công ty bổ sung biểu hiện trạng sử dụng đất (đất không có rừng và đất có rừng) mà Công ty đã được giao và phương án.
13.2. Về đánh giá thực trạng sản xuất kinh doanh
Mục thống kê tình hình lao động (nguồn nhân lực): Cần nêu cụ thể hơn về tình hình sử dụng lao động như: Thống kê lao động trong biên chế, lao động hợp đồng, lao động thời vụ và đặc biệt là tình hình sử dụng lao động địa phương, lao động là người bản địa; từ đó có đánh giá về tình hình sử dụng lao động cũng như có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng lao động là người địa phương khi thực hiện phương án.
13.3. Về quy trình khai thác gỗ
Phương án cần xác định phương thức khai thác, do phần lớn diện tích rừng của Công ty ở địa hình dốc, vì vậy cần áp dụng theo phương pháp khai thác tác động thấp; tuy nhiên, trước mắt nên xác định làm thí điểm ở quy mô nhỏ (khoảng 50 ha), sau đó rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng.
13.4. Theo dõi đánh giá diễn biến tài nguyên rừng
Hiện tại, để phục vụ cho điều tra, xác định tài nguyên rừng và tính toán sản lượng khai thác, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Quốc tế, Công ty đã lập được hệ thống 108 chùm Ô tiêu chuẩn cố định. Tuy nhiên, trong phương án cũng chưa đề cập đến việc sử dụng hệ thống các ô tiêu chuẩn này để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng làm cơ sở bổ sung phương án ở các giai đoạn sau, cụ thể:
- Trước khi kết thúc mỗi giai đoạn 5 năm, tiến hành điều tra rừng thu thập số liệu trên 108 ô tiêu chuẩn để xây dựng kế hoạch cụ thể cho 5 năm tiếp theo.
- Nội dung là xây dựng biểu điều tra đo đếm cây; báo cáo thống kê hiện trạng tài nguyên rừng và bản đồ tài nguyên được cập nhật; biểu tăng trưởng hàng năm cho rừng tự nhiên của Công ty dựa trên 108 ô mẫu điều tra rừng đã được thiết kế và định vị và đóng mốc cố định trên thực địa.
13.5. Về nuôi dưỡng rừng tự nhiên
Cần nêu cơ sở, hoặc tiêu chí để xác định 5.850,6 ha rừng tự nhiên sau khai thác chọn vào nuôi dưỡng, trong khi diện tích rừng quy hoạch cho khai thác chính trong cả luân kỳ là 7.855,5 ha, ngoài ra còn diện tích rất lớn rừng tự nhiên nghèo cần nuôi dưỡng để khai thác ở các luân kỳ sau.
13.6. Phát triển cây cao su
- Việc phát triển cây cao su của Công ty cần căn cứ vào quy hoạch phát triển cao su của cả nước và của tỉnh Ninh Thuận, trong phương án, công ty xác định chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên khá lớn (2.000 ha) trong 5 năm để trồng cao su là chưa có cơ sở; mặt khác Ninh Thuận là tỉnh khô, hạn, đất rất xấu, cần xem xét lại khả năng thích ứng của cây cao su.
- Mặt khác, định hướng của Công ty là cấp chứng chỉ rừng FSC trong tương lai, tuy nhiên, theo nguyên tắc về Quản lý rừng bền vững, việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su là không được phép; vì vậy, đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo, Công ty cần có kế hoạch đầu tư tiếp tục nuôi dưỡng trong luân kỳ mà không nên chuyển sang trồng cao su.
13.7. Cung ứng lâm sản phục vụ nhu cầu tại chỗ
- Tại mục 3, trang 63, Công ty quy hoạch diện tích 4.453 ha đất có rừng và không có rừng để người dân khai thác, tận thu lâm sản ngoài gỗ và chăn thả gia súc dưới tán rừng. Tuy nhiên, trong quy hoạch sử dụng đất và rừng, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên sản xuất (15.360 ha) đã lập kế hoạch để kinh doanh (khai thác rừng, cải tạo rừng nghèo). Vì vậy sẽ không còn diện tích 4.453 ha để bố trí cho người dân, cũng tương tự đối với diện tích quy hoạch cho người dân khai thác lâm sản ngoài gỗ. Đề nghị cần làm rõ? nếu quy hoạch diện tích rừng riêng cho người dân để khai thác lâm sản phục vụ nhu cầu hàng ngày, thì phải tách diện tích này ra khỏi diện tích kinh doanh của Công ty.
- Tại mục 3, trang 63, Công ty bố trí diện tích rừng giàu và rừng trung bình (698,9 ha) để người dân khai thác gỗ phục vụ nhu cầu (làm nhà, các công trình công cộng…); tuy nhiên, tại mục 1, trang 36, Công ty lại tính toán đưa toàn bộ diện tích rừng giàu và trung bình để bố trí khai thác gỗ theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty. Nếu xác định diện tích này dùng để cung cấp gỗ cho người dân, thì khi tính toán, xác định lượng và diện tích khai thác chính phải trừ đi diện tích đã bố trí cho người dân. Đề nghị xem xét lại số liệu này.
- Việc xác định khối lượng gỗ cung ứng cho các hộ gia đình, cộng đồng phải căn cứ số lượng hộ gia đình, tỷ lệ tăng dân số, số lượng hộ mới (sau khi kết hôn, tách hộ…) và nhu cầu thiết yếu của từng hộ gia đình ở từng giai đoạn là khác nhau. Trong phương án đã xác định sản lượng gỗ cung ứng cho người dân là 349 m3/năm trong suốt cả giai đoạn (2011-2045), đề nghị cần bổ sung các số liệu để làm cơ sở tính toán chỉ tiêu này.
13.8. Về các giải pháp để thực hiện phương án.
Nội dung này trong phương án tuy đã nêu ở các nội dung khác nhau, tuy nhiên còn chung chung, chủ yếu mới nêu được hình thức triển khai nhiệm vụ nên chưa đầy đủ. Đề nghị xem xét bổ sung một số điểm sau:
- Giải pháp về công tác điều tra đánh giá tài nguyên rừng phải trở thành thường xuyên hàng năm và được hạch toán vào chi phí, để Công ty thực sự nắm được số liệu chính xác về tài nguyên rừng, từ đó mới xây dựng kế hoạch tác nghiệp hàng năm hoặc giai đoạn sát với điều kiện thực tế.
- Giải pháp về tổ chức bộ máy quản lý và tổ chức sản xuất của Công ty nhằm vừa quản lý được rừng vừa kinh doanh có hiệu quả, bền vững; cơ cấu tổ chức đảm bảo hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận, cá nhân của Công ty. Đặc biệt trong phương án phải xây dựng được cơ chế tự giám sát, đánh giá của Công ty, có báo cáo giám sát hàng năm với cấp trên, với cộng đồng và chính quyền địa phương và với cán bộ, công nhân viên của Công ty.
- Trên phạm vi lâm phận của lâm trường là nơi cư trú, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, có những nguy cơ tiềm ẩn xâm lấn trái phép rừng và đất lâm nghiệp, nếu dân còn nghèo chưa được tổ chức sản xuất lâm nghiệp thì phương án cần đề ra giải pháp để khắc phục.
- Giải pháp về tài chính và tín dụng, phải cụ thể hóa những nguồn vốn mà công ty cần phải huy động, đề xuất cơ chế bảo đảm cho tất cả các thành phần kinh tế trên địa bàn tham gia các hoạt động sản xuất của Công ty. Xác định những lĩnh vực hoạt động cụ thể cần phải thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư.
- Giải pháp về phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, xác định cụ thể về biện pháp phối hợp giữa Công ty với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương để thực hiện việc giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả.
- Giải pháp về công tác quản lý, cần có những đề nghị rất cụ thể với UBND tỉnh quyết định cho phép điều chỉnh, bổ sung điều lệ hoạt động Công ty khi triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
13.9. Tổ chức thực hiện
Phần này trong phương án chưa nêu, vì vậy cần nêu rõ việc Công ty sẽ tổ chức thực hiện phương án như thế nào, cụ thể: xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, giám sát đánh giá.
Trên đây là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phương án quản lý rừng bền vững của Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt để triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.