BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4084/BNN-QLCL | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2013 |
Kính gửi: | - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy; |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định (theo Giấy ghi chất vấn số 48/SYCV-KH6 ngày 02/11/2013 của Văn phòng Quốc hội), xin được trả lời như sau:
NỘI DUNG CHẤT VẤN
Hiện nay việc sử dụng hóa chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến nông, thủy sản, thực phẩm, việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng. Gần đây các vụ ngộ độc thực phẩm do một số bếp ăn tập thể cung cấp, nhiều thông tin liên tục về tình hình không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước làm bùng lên nỗi bức xúc và sự lo âu cho cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất.
Đề nghị Bộ trưởng đánh giá vấn đề trên dưới góc độ quản lý của ngành, đồng thời cho biết giải pháp cụ thể, nhất là các giải pháp phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan nhằm khắc phục có hiệu quả tình hình thực trạng nêu trên.
TRẢ LỜI
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiêm túc triển khai quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý được phân công theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật an toàn thực phẩm và các Nghị định hướng dẫn 2 Luật nêu trên, chủ yếu tập trung quản lý để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm cây trồng, vật nuôi từ khâu sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến và bán buôn ở chợ đầu mối.
Để đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm, hàng năm các cơ quan thuộc Bộ đều triển khai giám sát, đánh giá mức an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Kết quả lấy mẫu giám sát trên diện rộng các sản phẩm tiêu thụ nhiều, nguy cơ cao trong các năm gần đây cho thấy tỷ lệ mẫu rau quả tươi có tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép là 5,6% đến 6,8%; thịt gia súc, gia cầm có tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất tạo nạc vượt ngưỡng cho phép là 2% đến 4,9%; thủy sản có tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép là 0,7% đến 2,6%; tỷ lệ mẫu nhiễm như trên ở mức tương đương với các nước đang phát triển trong khu vực nhưng còn cao hơn so với EU, Nhật, Úc… và có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định; riêng tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật còn cao (10% đến 38,7%) do còn nhiều bất cập ở khâu giết mổ, bày bán mất vệ sinh.
Kết quả giám sát nêu trên cũng cho thấy vẫn còn xảy ra các trường hợp mất an toàn thực phẩm gây bức xúc cho người dân như ý kiến của cử tri phản ảnh với Đại biểu Quốc hội.
Để tạo chuyển biến rõ nét, giảm thiểu nhanh và bền vững tỷ lệ mẫu giám sát mất an toàn thực phẩm mà hậu quả là dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp sau:
1. Hoàn thiện thể chế:
- Trình Quốc hội 03 dự án Luật: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thú y, Luật Thủy sản sửa đổi. Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/2/2010 về quản lý thức ăn chăn nuôi, Nghị định quy định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa; đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; hoàn thiện Đề án Quy hoạch các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, Đề án Phát triển sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Luật ATTP và Nghị định 38/2012/NĐ-CP .
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn dưới Luật, các tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật theo hướng cải cách hành chính, hài hòa hơn với chuẩn mực thông lệ quốc tế; ưu tiên rà soát các qui định, qui chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp.
2. Phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động, tập huấn người dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản theo chuỗi và hướng dẫn người tiêu dùng chọn mua sản phẩm có nhãn nhận diện được xác nhận an toàn.
3. Chỉ đạo thực hiện:
- Thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
- Tổ chức triển khai thực chất Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT về thống kê, kiểm tra đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; nghiêm túc thực hiện việc công khai kết quả đánh giá, xếp loại; tổ chức tái kiểm tra cơ sở loại C và xử lý kiên quyết theo đúng qui định đối với các cơ sở không chịu khắc phục sai lỗi kể cả đề nghị thu hồi đăng ký kinh doanh;
- Duy trì lấy mẫu giám sát trên diện rộng kết hợp với thông tin vi phạm ATTP từ các nguồn khác nhau làm cơ sở đánh giá nguy cơ, xác định sản phẩm nguy cơ cao, công đoạn nguy cơ cao, địa bàn nguy cơ cao để tổ chức thanh tra, điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm vi phạm (kể cả thu hồi sản phẩm không an toàn); kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang, đồng thời giúp người tiêu dùng trong phân biệt, lựa chọn sản phẩm an toàn.
4. Hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình điểm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đại diện cho các vùng sinh thái. Sớm tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm phổ biến nhân rộng.
5. Kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nông sản nhập khẩu (kiểm tra kỹ về nguồn gốc xuất xứ, lấy mẫu kiểm tra tăng cường khi có dấu hiệu nghi ngờ…) theo quy định tại Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các trường hợp phát hiện lô hàng không đảm bảo an toàn, không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp (tái xuất, tiêu hủy), đồng thời thông báo đến cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu yêu cầu điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục nhằm tránh tái diễn.
6. Tăng cường nguồn lực
- Chú trọng đào tạo/tập huấn cơ bản và nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chuyên ngành chất lượng ATTP nông lâm thủy sản;
- Đầu tư nâng cấp phòng kiểm nghiệm kiểm chứng của Ngành, của quốc gia có năng lực tương đương phòng kiểm nghiệm kiểm chứng các nước trong khu vực. Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm, mở rộng đánh giá, chỉ định phòng kiểm nghiệm tham kết hợp quản lý chặt chẽ đối với các phòng kiểm nghiệm đã được chỉ định.
Xin cám ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.