TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40673/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2017 |
Kính gửi: Công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long
(Địa chỉ: Km 12 đường 32 Phường Phúc Điền, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
MST: 0100101241)
Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 20/HTL ngày 17/5/2017 của Công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long về vướng mắc chính sách thuế, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 của Quốc Hội quy định:
“4. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác”
Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 163/2006/NĐ-CP ngày 26/12/2006 của Chính phủ quy định về giao dịch đảm bảo giải thích từ ngữ:
“7. Tài sản đảm bảo là tài sản mà bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm”
Căn cứ Điểm 2 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 26/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm:
“1. Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch.”
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:
“Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, cụ thể:
+ Tài sản đảm bảo tiền vay được bán là tài sản thuộc giao dịch bảo đảm đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
+ Việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp hết thời gian trả nợ, người có tài sản bảo đảm không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật, các bên thực hiện thủ tục bàn giao tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì không phải xuất hóa đơn GTGT…”
Căn cứ Điểm 2.1 Phụ lục 4 hướng dẫn lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ đối với một số trường hợp (Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính) quy định:
“2.1. Tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hóa đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long ký hợp đồng vay vốn tín dụng với Ngân hàng phát triển Việt Nam - CN sở giao dịch I để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất vải dệt kim và may xuất khẩu. Khi hết thời gian trả nợ, Công ty bán tài sản đảm bảo theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ thì hoạt động bán tài sản đảm bảo trên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.
Khi bàn giao tài sản, Công ty lập hóa đơn GTGT giao cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá mua tài sản theo quy định, trên hóa đơn chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long được biết và thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.