ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4033/UBND-PCNC | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 8 năm 2014 |
Kính gửi: | - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Thành phố; |
Thực hiện chủ trương từng bước xã hội hóa một số công việc thi hành án dân sự và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, trong thời gian qua, các cấp chính quyền, các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả tổ chức thực hiện thí điểm được Quốc hội, Chính phủ đánh giá tốt, được người dân và xã hội đón nhận tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhận thức chưa đầy đủ mục đích, ý nghĩa của chủ trương này. Từ đó, chưa tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót và tiếp tục triển khai thực hiện thành công chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt là tạo nhận thức thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại; đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân các nội dung của Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” và các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Từ đó, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của Thừa phát lại trong thực tiễn đời sống pháp lý hiện nay, cũng như nắm được nội dung, phạm vi công việc của Thừa phát lại.
2. Tăng cường chỉ đạo việc thực hiện Thông tri số 24-TT/TU ngày 10 tháng 9 năm 2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và Chỉ thị số 22/2011/CT-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động của Thừa phát lại. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký xe phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại; chỉ đạo Công an quận, huyện, xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức bảo vệ cưỡng chế thi hành án theo quy định pháp luật.
b) Cục Thi hành án dân sự Thành phố thực hiện và chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự đẩy mạnh việc chuyển giao văn bản tống đạt cho Thừa phát lại thực hiện, tích cực phối hợp với Sở Tư pháp kịp thời phân chia lại địa hạt tống đạt văn bản cho các văn phòng Thừa phát lại thực hiện; chủ động cân đối nguồn ngân sách được cấp để thanh toán kịp thời kinh phí tống đạt văn bản cho các văn phòng Thừa phát lại; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án cho các văn phòng Thừa phát lại.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký kinh doanh, đầu tư phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Thành phố cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại.
e) Sở Giao thông vận tải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký phương tiện thủy nội địa, xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại.
g) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hướng dẫn các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác:
- Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại;
- Thực hiện kịp thời yêu cầu của Thừa phát lại về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại.
h) Cục Thuế Thành phố thực hiện và chỉ đạo các Chi cục Thuế cung cấp thông tin về thuế của cá nhân, tổ chức phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại.
i) Cục Hải quan thực hiện và chỉ đạo các Chi cục Hải quan cung cấp thông tin về thuế của cá nhân, tổ chức phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại.
k) Bảo hiểm xã hội Thành phố thực hiện và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội quận, huyện cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về các khoản thu nhập của người phải thi hành án đang được chi trả qua Bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của Thừa phát lại; thực hiện kịp thời yêu cầu của Thừa phát lại về khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án.
l) Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến về Thừa phát lại trên Mạng thông tin tích hợp trên Internet của Thành phố Hồ Chí Minh (HCM Cityweb).
m) Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố và các cơ quan thông tin, báo chí khác tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về Thừa phát lại, chủ động theo dõi và đưa tin thường xuyên về hoạt động của Thừa phát lại để nhân dân và các tổ chức nắm bắt, sử dụng có hiệu quả loại hình dịch vụ pháp lý mới này.
n) Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiếp tục chỉ đạo:
- Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng và các cơ quan chuyên môn cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại.
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự; thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn.
3. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và chỉ đạo Tòa án nhân dân các quận, huyện tiếp tục chuyển giao văn bản tống đạt cho Thừa phát lại thực hiện, hướng dẫn thống nhất quy trình tống đạt văn bản cho Thừa phát lại; phối hợp với Sở Tư pháp kịp thời phân chia lại địa hạt tống đạt văn bản để các văn phòng Thừa phát lại thực hiện; tổ chức lớp tập huấn về nghiệp vụ tống đạt văn bản của Tòa án; kịp thời thanh toán kinh phí tống đạt văn bản cho Thừa phát lại theo quy định; thông tin cho Sở Tư pháp về số lượng và chất lượng của vi bằng được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố và Tòa án nhân dân quận, huyện.
4. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố tiếp tục phổ biến, quán triệt về chủ trương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và thông tin cho Sở Tư pháp việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của Tòa án, các văn bản về thi hành án và trong hoạt động thi hành án của Thừa phát lại.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các đoàn thể Thành phố tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về chế định Thừa phát lại trong thành viên của tổ chức mình và nhân dân.
6. Đề nghị Ban Giám hiệu các trường Đại học, đặc biệt là các cơ sở có đào tạo luật tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, giảng viên và sinh viên các nội dung nêu tại Khoản 1 của Công văn này.
7. Các văn phòng Thừa phát lại tiếp tục chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, lao động, thuế,...; tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để phát triển bền vững.
8. Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý nhà nước về Thừa phát lại; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra tại Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 2632/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố và các văn bản chỉ đạo khác.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Công văn này và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan của Ủy ban nhân dân Thành phố. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì chủ động giải quyết trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc kịp thời báo cáo, đề xuất gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.