BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/BXD-VLXD | Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2012 |
Kính gửi: UBND các Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng UBND các Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005, sau đây gọi tắt là Quy hoạch 108) đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu, đạt mục tiêu phát triển: đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước (cả về số lượng và chủng loại), giảm nhập khẩu clinker (năm 2011 nhập khẩu 1,3 triệu tấn, giảm 50% so với năm 2010), xuất khẩu một phần sản lượng (năm 2011 ước đạt 6 triệu tấn xi măng và clinker), góp phần giảm nhập siêu; đưa ngành xi măng Việt Nam thành một ngành công nghiệp mạnh, có công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế trong tiến trình hội nhập.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Quy hoạch 108 vẫn còn tồn tại những thiếu sót. Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, quản lý sát sao để việc đầu tư các dự án xi măng trên địa bàn tuân thủ các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn có địa phương cấp phép đầu tư cho các dự án xi măng mới, mặc dù nằm trong danh mục Quy hoạch nhưng chưa có ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng, thậm chí có địa phương đã cấp phép đầu tư trạm nghiền xi măng độc lập chưa có trong Quy hoạch 108.
Ngày 28/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1488/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (thay thế Quy hoạch 108), trong đó có quy định trách nhiệm của UBND các Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương: “Khi chấp thuận dự án đầu tư xi măng mới tại địa phương, phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Xây dựng)” (khoản 12, điều 2).
Trong năm 2012 và có thể một vài năm tiếp theo, dự báo tiêu thụ xi măng sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn do Việt Nam vẫn phải thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát trước mắt cũng như lâu dài, như: chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước... dẫn đến nhu cầu xi măng của toàn xã hội sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng tới cân đối cung cầu.
Sản xuất xi măng là ngành công nghiệp lớn và hiện đại, nắm giữ khối tài sản lớn (mỗi nhà máy xi măng đều có giá trị vài ngàn tỷ đồng), vì vậy, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu cho phù hợp với giai đoạn hiện nay và phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại khoản 12, điều 2 Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 nêu trên.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.