ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3996/UBND-KT | Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2020 |
Kính gửi: | - Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội; |
Sau 03 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điếm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42), công tác xử lý nợ xấu luôn được UBND Thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự vào cuộc sát sao của các sở, ngành, UBND các cấp của thành phố Hà Nội, đã phần nào tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD) trong việc xử lý hiệu quả, cải thiện đáng kể tình hình nợ xấu trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban kinh tế Quốc hội trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 tại Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã được giao tại Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 30/11/2017 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:
1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội
- Tăng cường công tác tham mưu, báo cáo UBND Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, Chỉ thị số 32/CT-TTg và thực hiện cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ; thường xuyên cập nhật, phổ biến, quán triệt các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về xử lý nợ xấu đến các TCTD trên địa bàn Thành phố.
- Thường xuyên chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung rà soát, đánh giá toàn bộ các khoản nợ xấu trên địa bàn, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng , năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro; kịp thời có văn bản chấn chỉnh nhắc nhở đối với TCTD có nợ xấu trên 3% hoặc chất lượng tín dụng xu hướng suy giảm. Chỉ đạo các TCTD thực hiện phối hợp với lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự khi thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết số 42 (theo văn bản số 1248/NHNN-TTGSNH ngày 28/2/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các TCTD để chủ động phối hợp với sở, ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ triển khai thực hiện, thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành của Thành phố trong việc chỉ đạo các TCTD thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm trong công tác xử lý nợ xấu; kịp thời báo cáo UBND Thành phố và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong quá trinh xử lý nợ xấu.
2. Cục thi hành án dân sự Thành phố (CTHADS Hà Nội)
- Tiếp tục chỉ đạo Tổ xử lý nợ xấu án tín dụng ngân hàng (đã được CTHADS Hà Nội thành lập) tập trung quyết liệt triển khai, thực hiện hiệu quả, đúng tinh thần Nghị quyết số 42 và pháp luật về thi hành án dân sự liên quan đến nợ xấu của TCTD trên địa bàn; góp phần thúc đẩy công tác thu hồi nợ xấu của các TCTD.
- Tập trung đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thi hành án tại các chi cục THADS quận, huyện để nâng cao hiệu quả đối với giải quyết các án tín dụng ngân hàng.
- Phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh TP Hà Nội, đơn vị có liên quan để đẩy nhanh tiến độ xử lý các án tín dụng ngân hàng còn tồn đọng, nâng cao chất lượng công tác.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trên địa bàn thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm liên quan đến khoản nợ xấu của TCTD theo Nghị quyết số 42.
- Tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc đăng ký TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD theo quy định tại Nghị quyết số 42 để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chuyển từ bên thế chấp sang cho bên thứ ba theo đúng các quy định của pháp luật.
4. Cục Thuế thành phố Hà Nội
Đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách liên quan đến thuế theo quy định tại Nghị quyết 42; hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân khi xử lý TSBĐ là bất động sản của khoản nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật.
5. Công an thành phố Hà Nội
Chỉ đạo công an tại quận huyện, xã phường hỗ trợ các TCTD đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình thu giữ TSBĐ theo quy định tại Nghị quyết số 42; Triển khai thực hiện Quyết định số 9018/QĐ-BCA-A04 ban hành Quy trình công tác đảm bảo an ninh, trật tự quá trình thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết số 42; hướng dẫn các TCTD những nội dung cơ bản của quy trình công tác khi thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết 42.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Tăng cường công tác phối hợp với NHNN chi nhánh Thành phố Hà Nội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách mới có liên quan đến Nghị quyết số 42 và các văn bản chỉ đạo có liên quan của Trung ương và địa phương trong công tác xử lý nợ xấu để mọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt được các chính sách, chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Qua đó, tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong toàn xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu.
7. Sở Tài chính
Tham mưu UBND Thành phố đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố, gắn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, giảm bớt sự phục thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhằm đảm bảo hệ thống tài chính phát triển bền vững, lành mạnh.
8. Sở Tư pháp
Chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp những bất cập, vướng mắc, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật khác tại địa phương để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho việc xử nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đạt hiệu quả cao.
9. UBND các quận, huyện, thị xã
- Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ TCTD, VAMC trong quá trình thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu tại địa bàn; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ theo thẩm quyền.
- Phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh Thành phố Hà Nội, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý, giám sát và xử lý những tồn tại, yếu kém của Quỹ tín dụng nhân dân, đặc biệt trong việc hỗ trợ các giải pháp, sáp nhập, hợp nhất, mua lại, giải thể hoặc phá sản đối với các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
10. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu tại tòa án nhân dân (được áp dụng theo thủ tục tố tụng rút gọn, hướng dẫn đơn khởi kiện, nộp đơn và qui trình thụ lý đơn khởi kiện về xử lý nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn) nhằm đẩy nhanh tiến độ truy tố và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD có thể dễ dàng áp dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý và thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung công việc trên, kịp thời báo cáo nếu có khó khăn vướng mắc./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.