BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3887/TCT-CS | Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2015 |
Kính gửi: Cục thuế tỉnh Bình Định.
Trả lời công văn số 213/CT-KTT ngày 04/02/2015 của Cục thuế tỉnh Bình Định đề nghị hướng dẫn việc xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn, sau khi xin ý kiến của các đơn vị trong Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thuế và Cục Tài chính doanh nghiệp), Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về nội dung cung cấp cây giống cho nông dân không thu tiền:
Tại Khoản 1 và Khoản 2.27, Mục IV, Phần C, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế có hướng dẫn:
“1. Trừ các khoản chi nêu tại Khoản 2 Mục này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1.1. Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
1.2. Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật”.
“2.27. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế”.
Tại Khoản 1 và Khoản 2.27, Điều 6, Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ tài chính quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế có hướng dẫn:
“1. Trừ các khoản chi nêu tại Khoản 2 Mục này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a. Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b. Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật”.
“2.27. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế”.
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, Tổng cục Thuế thống nhất với ý kiến của Cục thuế tỉnh Bình Định là: trường hợp Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn có chi mua cây giống để cung cấp cho nông dân (không thu tiền), trong đó có điều kiện người dân phải ưu tiên bán sản phẩm lại cho Công ty nhưng khi thực hiện thu mua cây thành phẩm của người dân, Công ty lại thực hiện thu mua thông qua Công ty cổ phần Phương Thảo và Doanh nghiệp tư nhân Trọng Thủy thì khoản chi mua cây giống để cung cấp miễn phí cho nông dân của Công ty không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty nên không đủ điều kiện để hạch toán chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
2. Về nội dung chi phí tư vấn nghiên cứu giống cây trồng mới: Tại Khoản 2.14, Điều 6, Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế có hướng dẫn:
“Trường hợp doanh nghiệp có chi các khoản chi phí để có các tài sản không thuộc tài sản cố định: chi về mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh... thì các khoản chi này được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng tối đa không quá 03 năm”.
Như vậy, khoản chi phí nghiên cứu giống cây trồng mới gắn liền với vòng đời của giống cây trồng mới, kéo dài qua nhiều năm nên trường hợp Công ty không thực hiện trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ thì Công ty được phân bổ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nhưng tối đa không quá 03 năm.
3. Về nội dung chênh lệch tỷ giá: Tại Điểm 1.2, công văn số 7250/BTC-TCT ngày 07/06/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quyết toán thuế năm 2010 có hướng dẫn: “Khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ, lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính sẽ được bù trừ với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính. Sau khi bù trừ nếu còn lãi chênh lệch tỷ giá thì tính vào thu nhập khác, nếu lỗ chênh lệch tỷ giá thì tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế”.
Tại Khoản 3.b, Điều 1, Thông tư số 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 của Bộ Tài chính có hướng dẫn:
“- Trong năm tính thuế Doanh nghiệp có chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, thì được xác định như sau:
+ Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí hoặc thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí sản xuất kinh doanh chính, nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá tính vào thu nhập khác…”.
Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, trường hợp trong giai đoạn 2010-2013, doanh nghiệp có phát sinh các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của hoạt động đầu tư tài chính thì Tổng cục Thuế thống nhất với ý kiến của Cục thuế tỉnh Bình Định là: “lỗ chênh lệch tỷ giá từ hoạt động đầu tư tài chính tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chính”.
Đề nghị Cục thuế tỉnh Bình Định căn cứ vào các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng tại cùng thời điểm và tình hình thực tế của doanh nghiệp để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thuế.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế tỉnh Bình Định được biết./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.