VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 387/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày 17 tháng 11 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện Văn phòng Chính phủ, một số Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư dự án trọng điểm và một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung:
Từ cuộc họp Ban chỉ đạo tháng 5/2012, đến nay các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải đã có chuyển biến tích cực. Một số dự án được đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là một vướng mắc trong hầu hết các dự án giao thông. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện đôn đốc thực hiện giải phóng mặt bằng; đồng thời, với sự tích cực của chính quyền các địa phương, do đó một số dự án đã cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng, đưa công trình vào sử dụng có hiệu quả. Trong thời gian tới, yêu cầu các địa phương tiếp tục phát huy, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các chủ đầu tư, tích cực chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng sớm hoàn thành để dứt điểm bàn giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.
Cần nâng cao năng lực về tổ chức và hoạt động của các Ban quản lý dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA. Bộ Xây dựng tiếp tục giám sát chặt chẽ về chất lượng công trình; tổng hợp đánh giá về suất đầu tư các dự án giao thông nói chung và đường ô tô cao tốc nói riêng; nghiên cứu việc cấp Giấy phép hoạt động cho các Ban quản lý dự án có đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
2. Về các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải:
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA (còn thiếu khoảng 6.300 tỷ đồng), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Đối với các dự án triển khai theo hình thức PPP, BOT, BT: đây là mô hình cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới, cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện.
- Đối với các dự án cụ thể:
a) Dự án đường Hồ Chí Minh:
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các đoạn còn lại của toàn tuyến; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn cho Dự án theo yêu cầu tiến độ.
b) Dự án cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai III Hà Nội:
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Nhà thầu xây lắp hoàn thành một số hạng mục phát sinh còn lại của Dự án; phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để bàn giao quản lý công trình.
c) Dự án xây dựng đường vành đai 3 giai đoạn 2 (đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm):
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để bàn giao, quản lý khai thác hiệu quả, an toàn công trình và bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn đối ứng cho Dự án.
d) Dự án đường Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long):
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện hoàn thành một số hạng mục còn lại và nút giao với quốc lộ 21. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các hạng mục còn lại; sớm thu xếp vốn để hoàn thành dự án theo yêu cầu; khẩn trương xây dựng phương án và triển khai phương án thu phí.
đ) Dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây:
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai tiếp tục xử lý các vị trí còn vướng về giải phóng mặt bằng, đặc biệt là dự án thành phần 1 (đoạn 4 km) bảo đảm cuối năm 2012 có thể triển khai thi công. (Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành toàn Dự án vào cuối năm 2013)
e) Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai:
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cương quyết thay thế các nhà thầu không bảo đảm tiến độ. Yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc cương quyết xử lý các vướng mắc đối với công tác giải phóng mặt bằng.
g) Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình:
- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phát hành trái phiếu công trình để huy động vốn cho Dự án.
- Bộ Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9271/VPCP-ĐMDN ngày 15 tháng 11 năm 2012 để phê duyệt Đề án tái cơ cấu VEC và Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.
h) Dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lại văn bản số 9180/VPCP-KTTH ngày 14 tháng 11 năm 2012, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, việc ứng vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của Dự án.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo triển khai bán quyền thu phí để thu hồi vốn ngân sách đã đầu tư.
i) Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu:
Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9187/VPCP-KTN ngày 14 tháng 11 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.
k) Dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải:
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn nhà quản lý khai thác cảng để sớm đưa vào khai thác sử dụng.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chưa cho phép đầu tư cảng mới hoặc nâng cấp các cảng Container thuộc Nhóm cảng biển số 5 để bảo đảm khai thác có hiệu quả các cảng hiện có.
l) Dự án Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên:
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 3 của Dự án.
m) Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện):
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) không tiếp tục tham gia dự án này. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thay Vinalines triển khai thực hiện Dự án theo hình thức PPP với đối tác Nhật Bản trong tháng 12/2012.
n) Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cần giao ban thường xuyên để giải quyết đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa đoạn 30 km đầu tuyến phía Hải Phòng vào khai thác vào cuối năm 2014 và hoàn thành toàn Dự án vào cuối năm 2015.
VIDIFI khẩn trương lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu còn lại (gói EX-1) và cương quyết thay thế các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.
o) Dự án Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân:
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hoàn thiện đoạn Kép - Cái Lân, đưa vào thông tuyến vào năm 2013.
p) Các dự án đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội:
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu tiến độ Dự án.
q) Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi:
Yêu cầu rà soát, kiểm tra kỹ về tính pháp lý của việc lựa chọn vị trí cầu đường sắt mới vượt sông Hồng. Trường hợp đã bảo đảm đầy đủ và đúng về mặt pháp lý, yêu cầu giữ phương án vị trí cầu đường sắt mới cách cầu Long Biên hiện tại 186m về phía thượng lưu.
r) Về việc nghiên cứu Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh:
Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư nghiên cứu, phân tích so sánh các phương án về đầu tư xây dựng mới đường sắt cao tốc để có đầy đủ cơ sở lựa chọn phương án đầu tư khả thi, tối ưu nhất; đồng thời, thực hiện đúng ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 86/TB-VPCP ngày 12 tháng 3 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.
s) Dự án Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh việc giải phóng tại nút giao Phú Thượng thuộc Gói thầu số 2.
- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, chỉ đạo, đôn đốc Chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và thi công xây lắp khẩn trương hoàn thành các gói thầu theo tiến độ hợp đồng đã ký, đưa công trình vào khai thác đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả Dự án.
t) Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân:
Yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm các vị trí còn tồn tại chưa được bàn giao mặt bằng để đáp ứng tiến độ thi công các gói thầu xây lắp.
u) Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành:
Về bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, đề xuất điều chỉnh quy định về phạm vi hành lang an toàn đường bộ để bảo đảm thực hiện thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
v) Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết:
Bộ Giao thông vận tải đàm phán với Ngân hàng Thế giới về nguồn vốn IBRD để thực hiện theo cơ chế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo khẩn trương thực hiện các công việc tiếp theo để sớm khởi công Dự án.
x) Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ:
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm nguồn tài trợ vốn hoặc đề xuất hình thức đầu tư phù hợp để triển khai Dự án.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.