BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3800/BNN-TCTL | Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2010 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Công điện số 233 ngày 9/8/2010 của Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp quốc kèm theo thư mời ngày 2/8/2010 của Tiến Sỹ Ger Bergkamp Tổng giám đốc Hội đồng Nước Thế giới trong đó có mời các quốc gia đứng ra tổ chức Diễn đàn Nước Thế giới năm 2015. Sau khi nghiên cứu thư mời và các tài liệu kèm theo, qua trao đổi trực tiếp với Hội đồng Nước Thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo:
1. Diễn đàn Nước Thế giới năm 2015 là một diễn đàn có quy mô lớn, ba năm tổ chức một lần, kéo dài từ 4 đến 8 ngày, với lượng đại biểu quốc tế tham dự khoảng 20.000 người đại diện cho các Chính phủ, chính trị gia, chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Tại Diễn đàn các bên liên quan sẽ thảo luận đi đến thống nhất các vấn đề quan trọng liên quan đến ngành nước trong đó có cấp nước, dân sinh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Diễn đàn đã được tổ chức: lần 1 năm 1997 ở Ma Rốc có 500 đại biểu; Lần 2 ở Hà Lan, năm 2000 có 6000 đại biểu; Lần 3 ở Nhật Bản, năm 2003 có 20000 đại biểu; Lần 4 ở Mê Hi Cô, năm 2006 có 20000 đại biểu; Lần 5 ở Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2009 có trên 30000 đại biểu; Lần 6 sẽ tổ chức ở Pháp năm 2012. Việt Nam tham dự cả 5 Diễn đàn nêu trên và dự kiến cũng tham dự lần 6.
Dự kiến chi phí tổ chức Diễn đàn năm 2015 tối thiểu khoảng 17 triệu EUR (nước chủ nhà đóng góp 40%; 30-40% từ các nhà tài trợ, phần còn lại thu từ đại biểu tham dự). Ngoài ra nước chủ nhà phải đóng góp tối thiểu 2 triệu EUR trực tiếp cho Hội đồng Nước Thế giới.
2. Nếu được chọn đăng cai Diễn đàn Nước Thế giới năm 2015 Việt Nam sẽ có các cơ hội và thách thức sau:
a) Cơ hội:
- Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và lĩnh vực quản lý tài nguyên nước nói riêng.
- Việt Nam có khoảng 2/3 tổng lượng nước có xuất xứ từ nước ngoài; Việt Nam lại là nước cuối nguồn do đó nguy cơ thiếu hụt số lượng và ô nhiễm chất lượng nước do các hoạt động sử dụng nước của các nước thượng lưu là rất lớn (điều này càng gay gắt hơn trong điều kiện Biến đổi khí hậu, nước biển dâng), vì vậy thông qua diễn đàn này Việt Nam là nước đăng cai sẽ tạo nên tiếng nói ủng hộ trước mắt và lâu dài khi có tranh chấp về nước với các nước thượng lưu.
- Việt Nam là chủ nhà Diễn đàn Nước Thế giới năm 2015 sẽ là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quản lý, khai thác nguồn nước, phòng chống giảm nhẹ thiên tai từ các chuyên gia quốc tế cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Thủy lợi.
- Việt Nam có cơ hội quảng bá thành tựu trong quản lý, khai thác nguồn nước, phòng chống thiên tai và cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực thủy lợi, là cơ hội để các chuyên gia thủy lợi Việt Nam đi làm việc ở các nước kém phát triển hơn (đặc biệt là các nước Châu Phi); cơ hội để đưa công nghệ thủy lợi sang các nước nghèo và lạc hậu.
b) Thách thức:
Nước chủ nhà chịu trách nhiệm chuẩn bị toàn bộ các hoạt động Diễn đàn tại Việt Nam và cuộc họp cấp Bộ trưởng. Hội đồng Nước Thế giới tập trung chủ yếu vào nội dung các hoạt động.
Theo kinh nghiệm của các nước đã tổ chức thì nước chủ nhà phải thành lập một Tổ chức riêng biệt có sự tham gia của nhiều cơ quan để chuẩn bị cho Diễn đàn. Phải có sự tham gia và đồng thuận của các Bộ, ngành như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Chi phí thực tế sẽ được quyết định trên cơ sở nội dung hồ sơ đề xuất các hoạt động Diễn đàn sẽ được thống nhất giữa Việt Nam và Hội đồng Nước Thế giới. Tính toán sơ bộ để tổ chức được Diễn đàn Nước Thế giới năm 2015 ngoài việc phải chi một khoản tiền khoảng 8.8 triệu EUR (tương đương 223 tỷ đồng dự kiến cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước) cho việc tổ chức, nước chủ nhà phải chuẩn bị chu đáo về hạ tầng cơ sở và an ninh cho các nhà Lãnh đạo thế giới tham dự.
3. Về thủ tục đăng ký với Hội đồng Nước Thế giới, trong trường hợp Việt Nam quan tâm xin đăng cai, sau khi nhận được thư quan tâm của phía Việt Nam (do Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc thông báo với Hội đồng Nước Thế giới) và các quốc gia khác có gửi thư quan tâm xin đăng cai Diễn đàn, Hội đồng Nước Thế giới sẽ tiến hành các bước đánh giá để chọn nước được đăng cai tổ chức.
4. Trước khi báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn xin ý kiến Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Việt Nam nên xin đăng cai Diễn đàn.
- Ý kiến các Bộ đều thống nhất lợi ích đem lại nếu Việt Nam được chọn đăng cai Diễn đàn sẽ là cơ hội cho Việt Nam quảng bá hình ảnh, thành tựu về quản lý khai thác nguồn nước và là dịp để các chuyên gia của Việt Nam học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và lĩnh vực quản lý tài nguyên nước nói riêng cũng như tranh thủ tiếng nói ủng hộ của các nước khi có xảy ra tranh chấp về nguồn nước với các nước thượng lưu.
- Ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường không đồng ý với lý do Việt Nam là nước chủ nhà sẽ phải chi một khoản tiền lớn và Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức các diễn đàn quốc tế lớn về quản lý tài nguyên nước. Bộ Tài chính có nêu quy mô ngân sách của Việt Nam còn hạn chế so với 5 quốc gia đã đăng cai trước đây; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xem xét, cân nhắc về việc phải chi một khoản kinh phí lớn trong trường hợp Việt Nam được chọn đăng cai Diễn đàn.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua nghiên cứu tài liệu liên quan và chủ động liên hệ trực tiếp với Hội đồng Nước Thế giới, do đây mới là bước các quốc gia gửi thư quan tâm về việc xin đăng cai tổ chức Diễn đàn, nên mới chỉ xác định sơ bộ các lợi ích chính, sơ bộ chi phí trong trường hợp Việt Nam được chọn đăng cai Diễn đàn. Chi tiết về nội dung tổ chức, chi phí tổ chức, cơ chế huy động nguồn hỗ trợ sẽ được làm rõ trong các bước tiếp theo nếu Việt Nam được Hội đồng Nước Thế giới đưa vào danh sách các quốc gia được xem xét để chọn một quốc gia được trao quyền đăng cai tổ chức Diễn đàn 2015 (gửi thư quan tâm xin đăng cai và chờ trả lời từ Hội đồng Nước Thế giới, xây dựng đề án, vận động xin đăng cai…).
Sau khi phân tích các nội dung nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng xem xét đồng ý cho Việt Nam được gửi thư quan tâm xin đăng cai tổ chức Diễn đàn Nước Thế giới năm 2015./.
(Các tài liệu có liên quan được gửi kèm theo)
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.