BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3798/BNN-TY | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2013 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong những năm gần đây, bệnh Dại đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước và đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế (tại công văn số 1350/VSDTTƯ-DT ngày 16/10/2013), trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước đã có 235.144 người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng và đến nay đã có 80 người bị tử vong tại 24 tỉnh, thành phố. Số ca tử vong tập trung vào các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Theo số liệu báo cáo của 24 tỉnh, thành phố, từ đầu năm 2013 đến nay đã phát hiện 11.816 con chó nghi mắc bệnh Dại; trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho chó ở các địa phương còn đạt tỷ lệ thấp (bình quân cả nước chỉ đạt dưới 50%). Đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay đã phát hiện rất nhiều trường hợp chó lên cơn dại tấn công người và các động vật nuôi tại nhiều tỉnh phía Bắc, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, làm nhiều người chết và gây tổn thất về kinh tế cho người bị chó cắn do phải đi điều trị dự phòng.
Thực hiện Công điện số 13/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại trên động vật, Cục Thú y đã thành lập các Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bệnh Dại tại các tỉnh trọng điểm. Qua kiểm tra tại các địa phương, Đoàn đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống bệnh Dại, cụ thể như sau: Hầu hết các tỉnh chưa điều tra được tổng đàn chó trên địa bàn, vẫn dựa vào số liệu thống kê; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin còn thấp so với tổng đàn; công tác quản lý đàn chó chưa triển khai ở hầu hết các địa phương; công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống tuy đã được triển khai nhưng chưa đủ mạnh để thay đổi nhận thức cộng đồng trong phòng chống bệnh Dại; việc phổ biến Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về việc phòng, chống bệnh Dại động vật và Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật mới dừng ở chính quyền cấp tỉnh và huyện, chưa tới được chính quyền cơ sở và người dân; Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2013-2015 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt (tại Công văn số 688/QĐ-BNN-TY ngày 01/4/2013), nhưng hầu hết các địa phương chưa có kinh phí để triển khai các hoạt động phòng chống bệnh Dại.
Để công tác phòng, chống bệnh Dại có hiệu quả, giảm thiểu số ca chó cắn người, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, hạn chế lây truyền bệnh dại cho người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ngành chức năng có liên quan triển khai ngay công tác phòng chống bệnh Dại theo đúng quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT và Công điện số 13/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trước mắt thực hiện các nội dung sau:
1. Thành lập mới hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống bệnh Dại ở tất cả các cấp để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn; quán triệt tới chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể và người dân về các quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong công tác phòng, chống bệnh Dại;
2. Cấp kinh phí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2013 - 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
3. Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng vắc xin dại cho chó, không nuôi chó thả rông. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn và khu đô thị, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích và đối với chó dữ phải đeo rọ mõm cho chó. Hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho người.
4. Tổ chức triển khai ngay công tác tiêm phòng bắt buộc để phòng bệnh dại cho đàn chó, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt ít nhất 70% tổng đàn; riêng đàn chó, mèo trong vùng có dịch bệnh Dại phải được tiêm phòng dại 100%; thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung cho những con nuôi mới hoặc bị bỏ sót trong các đợt tiêm phòng;
5. Tăng cường công tác giám sát vùng có bệnh Dại; chỉ đạo các ngành thú y, y tế phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp và các ban, ngành liên quan trong việc tổ chức giám sát, phát hiện xử lý sớm chó bị bệnh dại, chó không qua tiêm phòng theo quy định, triển khai tiêm phòng chống dịch.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
DANH SÁCH
CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ CÓ CÁC CA TỬ VONG DO BỆNH DẠI ĐẾN HẾT THÁNG 9 NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Công văn số 3798/BNN-TY ngày 23 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)
Số TT | Tên tỉnh, thành phố | Số ca tử vong do bệnh Dại |
1 | Sơn La | 11 |
2 | Phú Thọ | 10 |
3 | Nghệ An | 7 |
4 | Yên Bái | 6 |
5 | Hòa Bình | 7 |
6 | Vĩnh Phúc | 6 |
7 | Hà Giang | 6 |
8 | Điện Biên | 4 |
9 | Tuyên Quang | 5 |
10 | Lào Cai | 3 |
11 | Kiên Giang | 2 |
12 | Cao Bằng | 1 |
13 | Bắc Kạn | 1 |
14 | Thanh Hóa | 1 |
15 | Ninh Thuận | 1 |
16 | Gia Lai | 1 |
17 | Đắc Lắc | 1 |
18 | Lâm Đồng | 1 |
19 | Bình Phước | 1 |
20 | Long An | 1 |
21 | Quảng Trị | 1 |
22 | Đồng Tháp | 1 |
23 | Bà Rịa Vũng Tài | 1 |
24 | Thái Nguyên | 1 |
| Tổng cộng | 80 |
(Nguồn: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế)
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.