BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3765/BCT-XNK | Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2015 |
Kính gửi: | Tổng cục Hải quan |
Trả lời công văn số 2139/TCHQ-GSQL ngày 16 tháng 3 năm 2015 của Tổng cục Hải quan về việc hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đối với việc xuất khẩu phế liệu, chất thải thu được trong quá trình sản xuất và nhập khẩu linh kiện, vật tư phục vụ bảo hành sản phẩm, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
1. Xuất khẩu phế liệu, chất thải:
1.1. Đối với Doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị để thực hiện quy trình sản xuất sản phẩm đã được quy định tại Giấy Chứng nhận đầu tư
Phế liệu, chất thải thu được từ quá trình sản xuất sản phẩm (ghi tại Giấy Chứng nhận đầu tư) thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và doanh nghiệp có quyền định đoạt phù hợp với các quy định của pháp luật theo một số hình thức như: bán tại thị trường trong nước, xuất khẩu ...
Do vậy, Bộ Công Thương đồng ý với ý kiến của Tổng cục Hải quan nên tại điểm 1 công văn số 2139/TCHQ-GSQL dẫn trên: Khi doanh nghiệp FDI xuất khẩu phế liệu, chất thải thì không yêu cầu doanh nghiệp bổ sung mặt hàng trên vào Giấy Chứng nhận đầu tư;
1.2. Đối với doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý phế liệu, chất thải hoặc doanh nghiệp đầu tư kinh doanh xuất khẩu phế liệu, chất thải
Đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo Giấy Chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp;
1.3. Hoạt động xuất khẩu phế liệu, chất thải phải tuân thủ các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và các văn bản khác có liên quan tới quản lý xuất khẩu chất thải, phế liệu của cơ quan chuyên ngành.
2. Nhập khẩu linh kiện vật tư để bảo hành (miễn phí) sản phẩm:
2.1. Theo thông lệ quốc tế và thực tiễn mua bán hàng hóa, Bộ Công Thương nhận thấy: Thông thường nhà sản xuất sẽ có cam kết với khách mua hàng hóa của họ về thời hạn bảo hành kèm theo một số điều kiện nhất định (dưới đây gọi tắt là bảo hành sản phẩm) mà không tính phí. Hoạt động bảo hành sản phẩm nêu trên có thể thực hiện dưới một số hình thức như: sửa chữa, thay thế bộ phận, linh kiện bị hư hỏng hoặc đổi lại hàng hóa khác cùng chủng loại ... tùy thuộc vào cam kết của nhà sản xuất đối với sản phẩm do họ sản xuất kinh doanh.
Do vậy, về nguyên tắc, Bộ Công Thương đồng ý với ý kiến của Tổng cục Hải quan nên tại điểm 2 công văn số 2139/TCHQ-GSQL dẫn trên mà không cần phải bổ sung tên, chủng loại linh kiện, vật tư, mã số HS vào Giấy Chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp:
- Đối với doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam:
Doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu linh kiện, vật tư phục vụ bảo hành theo quy định tại điểm a khoản 2 mục II Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
- Đối với hàng hóa do doanh nghiệp FDI thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa để kinh doanh (theo quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam):
Doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu khẩu linh kiện, vật tư phục vụ bảo hành phù hợp với hàng hóa ghi tại Giấy Chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp, chứng từ mua bán với thương nhân nước ngoài và tờ khai hải quan nhập khẩu tương ứng.
2.2. Việc nhập khẩu linh kiện, vật tư ... phục vụ bảo hành sản phẩm phải tuân thủ các quy định về quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP nêu trên của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2.3. Để tránh gian lận thương mại, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu quy định về hồ sơ thủ tục hải quan và có biện pháp quản lý nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với nhập khẩu linh kiện, vật tư phục vụ bảo hành sản phẩm nêu trên.
Bộ Công Thương trao đổi một số ý kiến trên để Tổng cục Hải quan tham khảo./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.