BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3730/LĐTBXH-LĐTL | Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2009 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Do tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đến nước ta đã làm doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động năm 2009 của một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và công ty nhà nước bị giảm nên việc xây dựng đơn giá tiền lương năm 2009 theo quy định tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP , Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 và Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 13550/BTC-TCDN ngày 24/9/2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Tình hình xây dựng kế hoạch tiền lương
Theo quy định tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP , Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 và Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương trong các công ty nhà nước và Tập đoàn kinh tế, thì hàng năm căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và tình hình thực hiện của năm trước, các công ty, Tập đoàn kinh tế xác định đơn giá tiền lương gắn với năng suất lao động, lợi nhuận và thực hiện trả lương cho người lao động theo quy chế của công ty. Khi xây dựng đơn giá tiền lương, công ty phải đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện. Riêng Tổng công ty hạng đặc biệt và Công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước thì đăng ký Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để xem xét các điều kiện về năng suất lao động, lợi nhuận gắn với đơn giá tiền lương trước khi Hội đồng quản trị quyết định.
Qua hơn 5 năm thực hiện cho thấy, các quy định nêu trên đã tạo quyền chủ động cho các công ty trong việc xác định tiền lương, từng bước gắn tiền lương với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ hợp lý giữa tăng tiền lương với tăng năng suất lao động và lợi nhuận của từng công ty. Cơ chế phân phối, trả lương của các công ty đã từng bước được đổi mới, gắn tiền lương với chức danh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tiền lương, thu nhập của người lao động tăng khoảng 12% - 14%/năm, đời sống của người lao động được ổn định và cải thiện rõ rệt. Riêng các Tổng công ty hạng đặc biệt và Công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước giai đoạn 2006 – 2008 năng suất lao động bình quân tăng 20%/năm; lợi nhuận tăng 8 – 10%/năm, tiền lương tăng khoảng 18 – 20%/năm (năm 2008 tiền lương bình quân đạt khoảng 5,8 triệu đồng/tháng, cao nhất là Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 23,5 triệu đồng/tháng và thấp nhất là Tổng công ty Cà phê Việt Nam đạt 1,9 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền lương theo hướng giao quyền chủ động hơn nữa cho các công ty và Tập đoàn kinh tế trong việc xác định tiền lương. Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu để trình Chính phủ vào năm 2010.
Riêng năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế làm doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động của một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và công ty nhà nước thấp hơn so với thực hiện năm 2008. Nếu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP , Nghị định số 207/2004/NĐ-CP và Nghị định số 141/2007/NĐ-CP nêu trên thì tiền lương, thu nhập của người lao động ở một số công ty này sẽ giảm đáng kể, còn khoảng 30% - 40% so với mức lương bình quân thực hiện năm 2008), như: Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tiền lương năm 2009 còn khoảng 2,6 triệu đồng/tháng, bằng 45% so với thực hiện năm 2008; Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khoảng 4 triệu đồng/tháng, bằng 20% so với thực hiện năm 2008; Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam khoảng 2,7 triệu đồng/tháng, bằng 40% so với thực hiện năm 2008; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam khoảng 2,8 triệu đồng/tháng, bằng 27% so với thực hiện năm 2008. Như vậy đời sống của người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn.
2. Đề xuất hướng giải quyết tiền lương năm 2009
Sau khi xem xét, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thấy rằng, việc giảm doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động năm 2009 của một số công ty nhà nước có một phần nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhưng phần lớn là do nguyên nhân khách quan tác động của suy giảm kinh tế: sản lượng, giá tiêu thụ giảm, doanh thu giảm, chi phí đầu vào không giảm… dẫn đến tiền lương giảm trong khi khối lượng công việc người lao động phải thực hiện không giảm, thậm chí còn tăng. Vì vậy, để bảo đảm tiền lương, thu nhập và đời sống cho người lao động, đồng thời thực hiện các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP , Nghị định số 207/2004/NĐ-CP và Nghị định số 141/2007/NĐ-CP nêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị như sau:
a. Đối với công ty có năng suất lao động và lợi nhuận kế hoạch năm 2009 bằng hoặc tăng so với thực hiện năm 2008 thì được tăng tiền lương theo quy định tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP và Nghị định số 207/2004/NĐ-CP.
b. Đối với công ty có năng suất lao động và lợi nhuận kế hoạch năm 2009 giảm so với thực hiện năm 2008 thì phải giảm trừ tiền lương năm 2009, nhưng có tính đến các yếu tố khách quan tác động của suy giảm kinh tế, cụ thể:
- Đối với công ty có lợi nhuận kế hoạch năm 2009 giảm so với thực hiện năm 2008, nhưng các chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ, năng suất lao động không giảm thì được xác định tiền lương tối đa bằng mức tiền lương bình quân thực hiện năm 2008 để tính đơn giá tiền lương.
- Đối với công ty có lợi nhuận, sản lượng tiêu thụ, năng suất lao động đều giảm so với thực hiện năm 2008 thì phải giảm trừ tiền lương theo nguyên tắc cứ giảm 1% lợi nhuận so với thực hiện năm 2008 thì giảm 0,5% tiền lương năm 2009, nhưng tối đa không quá 15% mức tiền lương bình quân thực hiện năm 2008.
- Đối với công ty trước năm 2008 hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả nhưng do tác động của suy giảm kinh tế nên năm 2009 không có lợi nhuận hoặc lỗ thì được xác định tiền lương năm 2009 không vượt quá 80% mức tiền lương bình quân thực hiện năm 2008.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính thì tất cả các trường hợp có lợi nhuận, năng suất lao động giảm so với năm 2008 phải giảm trừ tiền lương tối đa bằng 30% tiền lương thực hiện năm 2008. Vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thấy rằng, với mức giảm trừ bằng 30% là quá lớn, vì trên thực tế tiền lương của người lao động phải giảm tới 37 – 38% so với năm 2008 do cộng thêm yếu tố trượt giá năm 2009 ước khoảng 7% - 8%. Điều này ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người lao động.
Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính căn cứ vào các nguyên tắc nêu trên để xử lý tiền lương năm 2009 đối với 4 Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nêu trên và các công ty có điều kiện tương tự.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2009 CỦA MỘT SỐ TỔNG CÔNG TY HẠNG ĐẶC BIỆT VÀ TẬP ĐOÀN KINH TẾ
(Kèm theo công văn số 3730/LĐTBXH-LĐTL ngày 5/10/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
STT | Tên đơn vị | Doanh thu (tỷ đồng) | Lợi nhuận (tỷ đồng) | NSLĐ theo doanh thu (triệu/năm) | Tiền lương BQ (1000đồng) | Nguyên nhân chủ yếu giảm lợi nhuận, năng suất | ||||||||
2008 | 2009 | % | 2008 | 2009 | % | 2008 | 2009 | % | 2008 | 2009 | % | |||
1 | Công ty mẹ - Tập đoàn than Việt Nam | 35.011 | 28.864 | 82,4 | 4.500 | 95 | 2,1 | 2.429,5 | 1.889,7 | 78 | 5.396 | 4.827 | 89,5 | Năm 2009, sản lượng xuất khẩu giảm 1,56 triệu tấn, giá giảm 400 ngàn đồng/tấn, nên doanh thu giảm 8.350 tỷ đồng. Nếu trừ phần doanh thu tăng (1.573 tỷ đồng) do sản lượng tiêu thụ và giá trong nước tăng thì doanh thu (tương ứng lợi nhuận giảm) năm 2009 giảm 6.777 tỷ đồng |
2 | Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam | 18.902 | 9.565 | 50,6 | 17.851 | 7.555 | 42,3 | 45.220,1 | 21.398,2 | 47,3 | 23.540 | 20.430 | 87 | Do giá dầu thế giới giảm 50% (giảm USD/thùng) so với 2008 nên lợi nhuận thu về của công ty mẹ từ 14.039 tỷ năm 2008 xuống 6.022 tỷ năm 2009 (giảm 8.017 tỷ); doanh thu hoạt động tài chính từ 4.221 tỷ năm 2008 xuống 500 tỷ năm 2009 (giảm 3.721 tỷ). Tổng số giảm lợi nhuận là 10.026 tỷ đồng |
3 | Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam | 16.191 | 10.844 | 67,0 | 102 | -1.099 |
| 12.649,2 | 8.215,2 | 65 | 6.929 | 7.363 | 106 | Giá bán thép năm 2009 giảm làm doanh thu giảm 33% so với năm 2008; giá vốn hàng bán không giảm do chi phí đầu vào không giảm; thực hiện bình ổn thị trường trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ |
4 | Công ty mẹ -Tổng công ty Hàng không Việt Nam | 27.204 | 23.649 | 86,9 | 194 | -120 |
| 2.148,5 | 1.873,6 | 87 | 10.899 | 11.694 | 107 | Do giá nhiên liệu bay tăng, bội chi do chênh lệch tỷ giá, lãi suất tăng, khối lượng hàng hàng, bưu kiện vận chuyển giảm so với năm 2008 |
PHỤ LỤC 2
KHỐI LƯỢNG SẢN PHẨM, NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG BÌNH QUÂN THEO SẢN PHẨM NĂM 2009 CỦA MỘT SỐ TỔNG CÔNG TY HẠNG ĐẶC BIỆT VÀ TẬP ĐOÀN KINH TẾ
(Kèm theo công văn số 3730/LĐTBXH-LĐTL ngày 5/10/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
STT | Tên đơn vị | Sản lượng (tấn), riêng Hàng không là lượt hành khách | Lao động (người) | NSLĐ (tấn/người/năm, riêng Hàng không lượt khách/người/năm) | ||||||
2008 | 2009 | % | 2008 | 2009 | % | 2008 | 2009 | % | ||
1 | Công ty mẹ - Tập đoàn than Việt Nam | 35.280.000 | 36.000.000 | 102 | 14.411 | 15.274 | 106,0 | 2.448,1 | 2.356,9 | 96 |
2 | Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam | 15.000.000 | 15.860.000 | 106 | 418 | 447 | 106,9 | 35.885,2 | 35.481,0 | 98,9 |
3 | Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam | 594.464 | 651.563 | 110 | 1.280 | 1.320 | 103,1 | 464,4 | 493,6 | 106 |
4 | Công ty mẹ -Tổng công ty Hàng không Việt Nam | 8.817.902 | 9.460.328 | 107 | 12.662 | 12.622 | 99,7 | 696,4 | 749,5 | 108 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.