BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3637/BNN-TCLN | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2010 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Chương trình hỗ trợ ngành Lâm nghiệp và Đối tác được Chính phủ cho phép thành lập theo văn bản số 1018/CP-QHQT ngày 9/11/2001 để thu hút sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng”. Theo đó, Văn bản Thỏa thuận của Chương trình Hỗ trợ Ngành Lâm nghiệp và Đối tác đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay mặt cho Chính phủ Việt Nam và đại diện 25 đối tác quốc tế ký kết vào ngày 12/11/2001. Văn bản Thỏa thuận, có hiệu lực ban đầu đến hết năm 2010 và sẽ được tiếp tục gia hạn nếu các bên tham gia cùng nhất trí.
Năm 2006, Chương trình hỗ trợ ngành Lâm nghiệp và Đối tác đã đổi tên là Đối tác hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP) với mục đích hỗ trợ ngành lâm nghiệp thực hiện Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam 2006 - 2010. Trong suốt chín năm hoạt động, Đối tác FSSP đã luôn đồng hành cùng ngành lâm nghiệp Việt Nam, thể hiện là một đối tác năng động, hiệu quả góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của “Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng”, nâng cao năng lực cho cán bộ ở tất cả các cấp, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Nhiều chính sách mang tính đột phá như chính sách khuyến khích rừng sản xuất, Nghị định của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian qua đã được xây dựng với sự hỗ trợ của Đối tác FSSP. Với vai trò là huy động và điều phối nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho ngành lâm nghiệp nhằm thực hiện Chiến lược, Đối tác FSSP đã sáng tạo đề xuất thực hiện nhiều hình thức viện trợ mới như Quỹ ủy thác cho ngành lâm nghiệp, Quĩ bảo tồn Việt Nam. Ước tính khoảng 270 triệu USD vốn ODA đã được các nhà tài trợ cam kết và hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2010.
Trong thời gian vừa qua, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản về tổ chức với sự ra đời của Tổng cục Lâm nghiệp. Những vấn đề mới nổi mang tính toàn cầu như giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD), quản lý rừng bền vững, chống khai thác gỗ bất hợp pháp, tăng cường thực thi lâm luật quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra những thách thức mới đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành lâm nghiệp Việt Nam. Chính vì những thay đổi đó, vào tháng 3 vừa qua Đối tác FSSP đã tiến hành đợt đánh giá chung lần thứ 3 về tính hiệu quả, tính phù hợp và đề xuất những thay đổi FSSP trong thời gian tới.
Đoàn đánh giá đã đưa ra khuyến nghị quan trọng là Đối tác FSSP đã hoạt động rất năng động và hiệu quả, góp phần đáng kể vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam, do vậy đề nghị Chính phủ Việt Nam và các bên Đối tác nên tiếp tục hoạt động của Đối tác FSSP đến hết năm 2015. Các đối tác quốc tế thấy rằng khuyến nghị này là hợp lý và phù hợp với quy định về tính hiệu lực của Văn bản thỏa thuận hiện nay là “Văn bản Thỏa thuận có hiệu lực ban đầu đến hết năm 2010 và sẽ được tiếp tục gia hạn nếu các bên tham gia cùng nhất trí”. Do vậy, các Đối tác quốc tế đã ủng hộ việc gia hạn hiệu lực của Văn bản thỏa thuận Đối tác FSSP đến năm 2015 và tiếp tục cam kết hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Đối tác FSSP.
Trên tinh thần đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Đối tác FSSP theo 3 hướng. Một là, nâng tầm đối thoại chính sách của Đối tác FSSP lên tầm cao mới, tập trung vào các vấn đề mang tính chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Hai là, mở rộng sự tham gia của các hiệp hội, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ vào Đối tác FSSP để lắng nghe và tiếp thu các kinh nghiệm, thu hút sự đóng góp của các tổ chức này trong quá trình thực hiện Chiến lược. Ba là, FSSP sẽ củng cố hệ thống giám sát và đánh giá việc thực hiện Chiến lược và giám sát các hoạt động của FSSP nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ và hiệu quả phát triển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung sau:
1. Cho phép tiếp tục kéo dài hiệu lực Văn bản Thỏa thuận Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp đến năm 2015;
2. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các công việc: Phê duyệt đề cương nhiệm vụ của Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015; làm việc với các nhà tài trợ để huy động nguồn vốn ODA cho hoạt động của Đối tác để hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp, bố trí vốn đối ứng cho hoạt động của Văn phòng Điều phối Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp từ nguồn vốn hàng năm của Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.