BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3633/BGDĐT-GDTrH | Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2016 |
Kính gửi: | - Các Sở Giáo dục và Đào tạo; |
Thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Tiểu học (GDTH), Giáo dục Trung học (GDTrH) và Giáo dục Thường xuyên (GDTX) năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các cơ sở GDTH, GDTrH, GDTX tổ chức một số hoạt động đầu năm học 2016-2017 như sau:
I. Các hoạt động
1. Đón học sinh đầu cấp học
- Tổ chức các hoạt động để học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) được tiếp nhận vào lớp, vào trường, trung tâm (sau đây gọi chung là trường) làm quen với thầy cô giáo, bạn bè như: họp lớp giới thiệu làm quen, tổ chức đón học sinh mới;
- Tạo điều kiện cho học sinh mới vào trường hòa nhập nhanh chóng vào môi trường học tập và rèn luyện mới qua hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ thân thiện của bạn bè và thầy cô giáo bằng các hình thức trò chơi, sinh hoạt tập thể, giao lưu kết nghĩa giữa học sinh các lớp đầu cấp với học sinh các lớp trên.
2. Tổ chức hoạt động tìm hiểu về nhà trường
- Tìm hiểu về truyền thống, tầm nhìn và sứ mạng của nhà trường; cơ cấu tổ chức, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Tìm hiểu và nắm được điều lệ, quy chế nhà trường, quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh về học tập và rèn luyện, nội quy và các quy định của nhà trường.
- Tìm hiểu về các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị học tập, vị trí phòng học, phòng bộ môn; thư viện, hệ thống công nghệ thông tin - truyền thông, phòng truyền thống, sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu thể dục thể thao, nhà ăn, khu nội trú (nếu có), công trình nước và vệ sinh, bảo vệ môi trường, trang phục, đồ dùng học tập và rèn luyện của học sinh khi đến trường.
- Hướng dẫn học sinh trang trí lớp học, chăm sóc, sử dụng, giữ gìn, bảo vệ các công trình, phục vụ cho các hoạt động trong nhà trường; sử dụng, giữ gìn, bảo quản sách, vở, đồ dùng học tập.
3. Tìm hiểu về chương trình giáo dục
- Tổ chức tìm hiểu các hoạt động học tập, giới thiệu để giúp học sinh làm quen với mục đích, yêu cầu, chương trình học tập và giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp; làm quen và từng bước tiếp cận với nội dung, phương pháp, hình thức dạy học môn học/hoạt động giáo dục một cách tích cực, chủ động, tự tin.
- Giới thiệu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo nhằm khơi dậy trong các em sự yêu thích và hứng thú đối với môn học.
4. Hướng dẫn tham gia một số hoạt động trong và ngoài nhà trường
- Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày khai giảng, Lễ chào cờ Tổ quốc; hướng dẫn học sinh tập hát Quốc ca, Đoàn ca, Đội ca đúng nhạc và lời để hát tại các buổi lễ theo đúng nghi thức, thể hiện nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam.
- Hướng dẫn học sinh ôn luyện bài thể dục buổi sáng, bài thể dục giữa giờ và bài thể dục chống mệt mỏi theo quy định. Duy trì nền nếp thực hiện các bài thể dục nói trên vận dụng vào tập luyện thường xuyên trong suốt năm học.
- Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về cảnh quan sư phạm và môi trường thân thiện trong nhà trường (xây dựng, giữ gìn trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; học tập và rèn luyện có hiệu quả; rèn luyện kỹ năng sống; các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và vui chơi lành mạnh...).
- Tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.
II. Yêu cầu tổ chức các hoạt động
1. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với điều kiện nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý học sinh, gắn với thực tế của địa phương; thực sự có tác dụng, hiệu quả đối với học sinh, đặc biệt là học sinh đầu cấp học, phải tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh và không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường; tránh việc tổ chức máy móc, hời hợt, qua loa hoặc nặng nề, hình thức gây quá tải cho học sinh. Khuyến khích các cơ sở GDTH, GDTrH, GDTX xây dựng quy định về văn hóa nhà trường.
2. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, gắn với các hoạt động xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường học thân thiện, học sinh tích cực.
3. Thực hiện xã hội hóa giáo dục, tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ và phối hợp của đại diện Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương, đại diện các thế hệ học sinh của trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh.
III. Tổ chức thực hiện
1. Các sở/phòng GDĐT chỉ đạo việc triển khai tổ chức các hoạt động đầu năm học ở tất cả các cơ sở GDTH, GDTrH, GDTX trên địa bàn. Tùy theo kế hoạch của mỗi trường, các hoạt động này có thể tổ chức ngay sau khi học sinh tựu trường hoặc trong thời gian chuẩn bị khai giảng năm học mới.
2. Thủ trưởng các cơ sở GDTH, GDTrH, GDTX xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trên phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đặc điểm của địa phương và đối tượng học sinh; quán triệt, phân công cụ thể cho các cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, giáo viên làm công tác tư vấn phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong, Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Các cơ sở GDTH, GDTrH, GDTX có thể biên soạn các nội dung cần phổ biến, tìm hiểu, hoạt động thành tài liệu, tờ rơi để tuyên truyền, phổ biến đến học sinh và cha mẹ học sinh; đồng thời làm tài liệu để giáo viên hướng dẫn học sinh trong học tập và sinh hoạt.
Nhận được công văn này, đề nghị các sở GDĐT triển khai đến các phòng GDĐT, các cơ sở GDTH, GDTrH, GDTX và cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện. Báo cáo kết quả gửi về Bộ GDĐT (Vụ GDTH hoặc Vụ GDTrH hoặc Vụ GDTX - số 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội) theo định kỳ đầu năm học (cùng với việc gửi văn bản, cần gửi qua e-mail theo địa chỉ: vugdth@moet.gov.vn; vugdtrh@moet.gov.vn; vugdtx@moet.gov.vn).
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.