BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3449/BNN-BVTV | Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2013 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trước tình hình bệnh chổi rồng hại nhãn phát sinh thành dịch và gây thiệt hại nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 13 tháng 4 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 498/TTg-KTN về việc hỗ trợ phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn. Bộ Tài chính ban hành văn bản số 7372/BTC-NSNN ngày 01 tháng 6 năm 2012 về chính sách hỗ trợ phòng chống, dập dịch chổi rồng hại nhãn. Chủ tịch UBND các tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho nông dân trồng nhãn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đầu năm 2013, dịch bệnh chổi rồng hại nhãn đã cơ bản được khống chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với các địa phương kết thúc chiến dịch phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn có sự hỗ trợ 01 lần theo văn bản số 498/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long thời gian qua (báo cáo kèm theo).
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
(Kèm theo công văn số: 3449/BNN-BVTV ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp & PTNT)
A. DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CHỐNG DỊCH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN TẠI CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
I. DIỄN BIẾN DỊCH BỆNH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN
Bệnh chổi rồng hại nhãn do một loại vi sinh vật gây ra. Hiện nay, trên thế giới vẫn còn những ý kiến khác nhau về tác nhân gây bệnh. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ký sinh gây bệnh là Phytoplasma, trong đó nhện lông nhung (Eriophyes dimocarpi) được xác định là môi giới chính truyền bệnh chổi rồng hại nhãn. Bệnh gây hại chủ yếu trên đọt non, nụ hoa. Khi đọt non phát triển dài khoảng 2-3 cm, lá bị biến dạng, co lại và mọc thành từng chùm như bó chổi. Chùm hoa bị bệnh co cụm, không đậu quả hoặc đậu rất ít quả. Các chùm hoa, quả bị bệnh nặng bị khô dần và chết.
Bắt đầu từ năm 2009 bệnh chổi rồng hại nhãn đã liên tục phát triển với diện tích nhiễm bệnh và tác hại ngày càng gia tăng và đến năm 2012 đã phát sinh thành dịch trên diện rộng và gây thiệt hại nặng cho nhiều vườn trồng hại nhãn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông nam bộ. Có 14 tỉnh, thành phố có diện tích nhiễm bệnh lớn và nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, sản lượng; trong đó 7 tỉnh có nhiều diện tích nhãn nhiễm bệnh nặng đã công bố dịch vào cuối năm 2011 - đầu năm 2012 là Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang.
Đến đầu tháng 01 năm 2012 tổng diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 24.452 ha, trong đó, diện tích nhiễm nặng là 12.907 ha.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng trên diện rộng, vượt quá khả năng khống chế của địa phương và nông dân, theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh có dịch, cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật, và căn cứ tình hình thực tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có văn bản số 483/BNN-BVTV ngày 01/03/2012 trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ kinh phí chống dịch cho các địa phương nói trên. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 498/TTg-KTN ngày 13/04/2012 về việc hỗ trợ phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn.
II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO CHỐNG DỊCH VÀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 498/TTg-KTN CỦA CHÍNH PHỦ
1. Công tác chỉ đạo ở trung ương
- Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tổ chức Hội thảo về bệnh chổi rồng hại nhãn và biện pháp quản lý vào ngày 17/08/2011 tại tỉnh Tiền Giang. Từ kết quả của hội thảo này, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình tạm thời và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn để các địa phương tổ chức thực hiện thống nhất và đồng loạt.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công điện số 18/CĐ-BNN-VP, ngày 29/08/2011 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông nam bộ tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả để khống chế bệnh hại.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành công văn số 498/TTg-KTN ngày 13/04/2012 về việc hỗ trợ phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn.
- Bộ Tài chính ban hành công văn số 7372/BTC-NSNN ngày 01/6/2012 về Chính sách hỗ trợ phòng chống, dập dịch chổi rồng hại nhãn.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện công văn 498/TTg-KTN cho 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã công bố dịch tại Tiền Giang vào ngày 27/04/2012.
- Cục Bảo vệ thực vật thành lập Ban chỉ đạo chống dịch cấp Trung ương để chỉ đạo chiến dịch; tổ chức khảo nghiệm và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ sung 27 loại thuốc trừ nhện lông nhung vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
- Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Trung tâm khuyến nông Quốc gia biên soạn và phát hành Sổ tay hướng dẫn Phòng trừ nhện lông nhung truyền bệnh chổi rồng hại nhãn. Phối hợp Đài truyền hình Vĩnh Long xây dựng, phát hành đĩa VCD hướng dẫn phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn rộng rãi cho các địa phương; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ công tác phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn.
2. Công tác chỉ đạo ở địa phương
Đến tháng 9/2011, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, mức độ gây hại ngày càng lớn nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang quyết định công bố dịch bệnh chổi rồng hại nhãn trên phạm vi toàn tỉnh với tổng diện tích nhiễm bệnh là 27.151,5 ha (trong đó diện tích nhiễm nặng là 20.313,6 ha, nhiễm nhẹ - trung bình là 6.837,9 ha) trên tổng diện tích trồng hại nhãn là 32.657,9 ha (phụ lục 1).
Các cơ quan chuyên môn của các tỉnh công bố dịch đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn; tổ chức điều tra theo dõi diễn biến của bệnh chổi rồng hại nhãn; in tài liệu hướng dẫn cách nhận biết và phòng trừ bệnh; thực hiện chuyên mục khuyến nông trên đài phát thanh và truyền hình của tỉnh về trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ vườn nhãn trong điều kiện công bố dịch; tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ kỹ thuật về biện pháp quản lý bệnh và các lớp tập huấn quy trình phòng trừ bệnh cho nông dân. Một số tỉnh đã có chính sách hỗ trợ bằng tiền cho nông dân phòng chống bệnh và xây dựng một số mô hình Quản lý tổng hợp bệnh chổi rồng hại nhãn.
III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CHỐNG DỊCH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG
1. Kết quả công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền và khuyến nông
Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về bệnh chổi rồng hại nhãn đã được Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và các địa phương quan tâm để đưa được kỹ thuật đến với nông dân. Tính đến tháng 03/2013, các địa phương đã tổ chức được 1.181 lớp tập huấn với 51.412 nông dân tham dự; tổ chức 37 lớp tập huấn phát 224.303 tờ bướm tuyên truyền về bệnh chổi rồng; in và phát 45.057 cuốn Sổ tay hướng dẫn phòng trừ nhện lông nhung truyền bệnh chổi rồng hại nhãn. Nhờ công tác tập huấn và thông tin tuyên truyền, đến nay nông dân trồng hại nhãn ở các địa phương đã có những hiểu biết cơ bản về bệnh chổi rồng hại nhãn và các biện pháp phòng chống bệnh. Đây là tiền đề rất quan trọng để quản lý tốt bệnh chổi rồng hại nhãn trong sản xuất thời gian tới.
2. Kết quả triển khai công tác chống dịch
Tính đến tháng 03/2013, 7 tỉnh công bố dịch đã tổ chức, thực hiện cắt tỉa tiêu hủy nguồn bệnh được 24.216,3 ha (chiếm 88,5% tổng diện tích nhiễm); phun trừ nhện lông nhung là môi giới truyền bệnh trên 25.262,8 ha (chiếm 92,3% tổng diện tích nhiễm). Sau cắt tỉa và phun thuốc trừ môi giới có 19.130,5 ha nhãn phục hồi tốt (chiếm 92,3% tổng diện tích nhiễm), phải đốn bỏ 1.003,0 ha để chuyển trồng cây trồng khác (chiếm 4,1% diện tích cắt tỉa) (phụ lục 2).
Biểu đồ 1. Kết quả thực hiện các biện pháp chống dịch chổi rồng hại nhãn ở 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức cuộc họp với 7 tỉnh đã có công bố dịch nhằm triển khai thực hiện công văn số 498/TTg-KTN ngày 13/04/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn và đồng thời phát động chiến dịch phòng trừ tập trung, quyết liệt để giúp nông dân trồng hại nhãn phục hồi sản xuất. Cục Bảo vệ thực vật tổ chức 2 hội nghị đánh giá tiến độ, đã có những hướng dẫn cũng như đóng góp kịp thời cho các địa phương tháo gỡ những khó khăn trong chiến dịch thực hiện phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn. Sau khi thực hiện chiến dịch, hiệu quả của công tác phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn ở 7 tỉnh có kết quả cao, cơ bản khống chế được dịch bệnh (biểu đồ 2).
Biểu đồ 2. Hiệu quả của công tác phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn ở 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Kết quả sau chiến dịch phòng chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn (đến tháng 03/2013): Tổng diện tích nhiễm bệnh chổi rồng còn 15.369,1 ha (giảm trên 43% so với thời điểm công bố dịch) trong đó nhiễm nặng chỉ còn 1.091,7 ha (giảm 95% so với thời điểm công bố dịch); nhiễm nhẹ và trung bình là 12.277,4 ha, tăng lên do một phần diện tích nhiễm nặng sau khi được xử lý cắt tỉa vẫn còn biểu hiện bệnh nhưng mức độ bệnh nhẹ hơn (phụ lục 7).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với các địa phương và quyết định kết thúc chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn có sự hỗ trợ 01 lần theo Quyết định 498/TTg-KTN của Chính phủ kể từ ngày 01/3/2013. Các địa phương vẫn tiếp tục chủ động hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý bệnh theo hướng bền vững.
3. Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân 7 tỉnh công bố dịch, tổng kinh phí chi cho hoạt động phòng chống dịch (tính đến tháng 03/2013) là: 173.889.787.000 đồng (phụ lục 4), nguồn ngân sách đã được sử dụng để hỗ trợ chống dịch như sau:
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân 7 tỉnh công bố dịch, tổng kinh phí chi cho hoạt động phòng chống dịch (tính đến tháng 03/2013) là: 173.889.787.000 đồng (phụ lục 4), nguồn ngân sách đã được sử dụng để hỗ trợ chống dịch như sau:
- Ngân sách địa phương: 51.747.950.000 đồng (chiếm 30% tổng kinh phí);
- Ngân sách trung ương: 122.141.837.000 đồng (chiếm 70% tổng kinh phí).
Hỗ trợ 93.724 hộ nông dân ở mức 7 triệu đồng/ha và 5 triệu đồng/ha với tổng số kinh phí là:
+ Hỗ trợ cắt tỉa cành và phun thuốc: 114.248.315.000 đồng (phụ lục 5), trong đó sử dụng 204.334,2 kg, lít thuốc bảo vệ thực vật các loại để chống dịch; tổng số tiền mua thuốc bảo vệ thực vật là 52.813.439.000 đồng (phụ lục 3).
+ Hỗ trợ nông dân đốn bỏ và chuyển sang cây trồng khác: 1.877.896.000 đồng (phụ lục 5).
Các địa phương đã nghiêm túc thực hiện chính sách hỗ trợ theo hướng dẫn tại văn bản số 7372/BTC-NSNN của Bộ Tài chính.
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG KẾT QUẢ CHIẾN DỊCH PHÒNG CHỐNG BỆNH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1. Ưu điểm
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã có sự phối hợp hiệu quả, chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác phòng chống dịch. Quy trình phòng chống dịch đã được ban hành, hướng dẫn kịp thời và thống nhất thực hiện ở tất cả các địa phương.
- Dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, đẩy lùi, tạo điều kiện cho việc duy trì, phát triển sản xuất nhãn và chuyển sang giai đoạn quản lý bệnh tổng hợp theo hướng bền vững. Đặc biệt đã trang bị được cho các chủ vườn những kiến thức, kỹ năng cơ bản để chủ động quản lý bền vững bệnh chổi rồng và các dịch hại khác trên nhãn trong thời gian tới.
- Chính sách hỗ trợ của Chính phủ là kịp thời, hợp lý và hiệu quả, đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy định.
- Năng lực tổ chức chống dịch của hệ thống chuyên ngành bảo vệ thực vật và chính quyền địa phương được tăng cường củng cố và nâng cao. Công tác giám sát, thông tin dịch bệnh, dự báo, xét nghiệm và sự phối hợp đã đạt nhiều tiến bộ qua thực tiễn phòng trừ dịch.
- Công tác chỉ đạo, tổ chức phòng chống dịch hại theo hướng tập trung, đồng bộ, huy động lực lượng tổng hợp tiếp tục được phát huy và trở thành kinh nghiệm quí cho việc chỉ đạo phòng chống các dịch hại khác trong nông nghiệp.
2. Một số khó khăn, tồn tại, hạn chế
- Một số địa phương vào thời gian đầu tổ chức chống dịch còn lúng túng, chưa phối hợp tốt giữa các ban ngành để chủ động trong công tác dập dịch trên địa bàn. Thời gian thực hiện các biện pháp chống dịch ở nhiều địa phương còn kéo dài, chưa đồng loạt.
- Một số địa phương thực hiện tiến độ còn chậm so với kế hoạch vì lo ngại lũ về sau khi cắt tỉa sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây nhãn.
- Chi phí cắt tỉa cao, đặc biệt là đối với những vườn cây đã lớn; nhiều trường hợp vượt quá khả năng của chủ vườn và tình trạng thiếu công lao động nên thời gian cắt tỉa phải kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch.
- Nhiều hộ nông dân thiếu sự đầu tư tốt về phân bón, chăm sóc dẫn đến việc cây nhãn sau đốn tỉa và phun thuốc ra lộc không đồng loạt, kéo theo việc xử lý thuốc trừ nhện không tập trung, hiệu quả chưa cao.
- Ở một số địa phương công tác dập dịch khó thực hiện theo qui trình các vườn nhãn ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau như có vườn đang giai đoạn chuẩn bị xử lý ra hoa, có vườn lại đang ra hoa trái hoặc đang ra lộc non nên nông dân phòng trừ không đồng loạt, hạn chế kết quả chống dịch.
- Số cây nhãn bị nhiễm bệnh rải rác, lẻ tẻ ở hộ gia đình, nơi công cộng... kể cả các tỉnh nằm ngoài vùng dịch ở nhiều nơi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh, tăng nguy cơ tái nhiễm cho những vườn lân cận.
B. GIẢI PHÁP CHÍNH TRONG QUẢN LÝ BỆNH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới, để giảm thiểu tác hại do bệnh chổi rồng hại nhãn gây ra, cần tập trung vào các giải pháp chính sau đây:
1. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến nông bằng nhiều hình thức khác nhau để hướng dẫn nông dân cách nhận biết, phát hiện bệnh sớm và áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả theo hướng bền vững.
2. Biện pháp kỹ thuật chính để phòng chống bệnh vẫn là phát hiện, tiêu hủy cành bệnh và quản lý tốt môi giới truyền bệnh (nhện lông nhung), bón phân cân đối, chăm sóc vườn cây khỏe, tăng khả năng chống chịu. Tại một số vùng bị bệnh nặng nên chuyển sang trồng giống nhãn có khả năng chống bệnh tốt hơn (Xuồng cơm vàng).
3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu trong nước về bệnh chổi rồng và các dịch hại trên nhãn, tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện quy trình phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật quản lý bệnh cho các địa phương và nông dân.
PHỤ LỤC 1
DIỆN TÍCH NHIỄM BỆNH CHỔI RỒNG HẠI CÂY NHÃN CỦA 7 TỈNH KHI CÔNG BỐ DỊCH
Tỉnh | Diện tích trồng (ha) | Diện tích nhiễm bệnh (ha) | Quyết định Công bố dịch | ||
Tổng số | Nặng | Trung bình + nhẹ | |||
Sóc Trăng | 3.217,7 | 2.910,3 | 1.978,3 | 932,0 | 841/QĐHC-CTUBND, 13/09/11 |
Tiền Giang | 8.580,4 | 7.095,0 | 5.254,0 | 1.841,0 | 2692/QĐ-UBND, 14/09/11 |
Trà Vinh | 2.855,0 | 1.918,0 | 1.242,9 | 675,2 | 2265/QĐ-UBND, 30/12/11 |
Vĩnh Long | 10.472,0 | 8.829,2 | 6.466,6 | 2.362,6 | 173/QĐ-UBND, 08/02/12 |
Đồng Tháp | 4.770,6 | 4.224,8 | 4.170,9 | 53,9 | 1015/QĐ-UBND.HC, 14/11/11 |
Cần Thơ | 1.829,2 | 1.596,2 | 755,9 | 840,3 | 847/QĐ-UBND, 12/04/12 |
Hậu Giang | 933,0 | 578,0 | 445,0 | 133,0 | 1259/QĐ-UBND, 29/05/12 |
Tổng | 32.657,9 | 27.151,5 | 20.313,6 | 6.383,0 |
|
PHỤ LỤC 2
DIỆN TÍCH CẮT TỈA, PHỤC HỒI, ĐỐN BỎ ĐỐI VỚI BỆNH CHỔI RỒNG TRÊN NHÃN
(theo báo cáo của các địa phương đến tháng 03/2013)
Tỉnh | Diện tích đã cắt tỉa (ha) | Diện tích phun thuốc (ha) | Diện tích phục hồi sau cắt tỉa (ha) | Phần trăm DT phục hồi sau cắt tỉa (%) | Diện tích đốn bỏ (ha) |
Tiền Giang | 6.624,0 | 5.824,0 | 5.140,0 | 88,3 | 471,0 |
Đồng Tháp | 3.761,7 | 3.879,6 | 2.018,6 | 53,7 | 237,4 |
Vĩnh Long | 6.673,6 | 7.826,9 | 5.454,6 | 81,7 | 167,8 |
Trà Vinh | 2.023,2 | 2.043,7 | 2.023,2 | 100,0 | 10,8 |
Cần Thơ | 1.447,5 | 1.585,3 | 1.194,4 | 82,5 | 17,8 |
Hậu Giang | 561,0 | 978,0 | 395,0 | 70,4 | 97,0 |
Sóc Trăng | 3.125,3 | 3.125,3 | 2.904,7 | 92,9 | 1,2 |
Tổng | 24.216,3 | 25.262,8 | 19.130,5 | 79,0 | 1.003,0 |
PHỤ LỤC 3
TÌNH HÌNH SỬ DỤNG THUỐC BVTV VÀ KINH PHÍ MUA THUỐC HỖ TRỢ NÔNG DÂN
(theo báo cáo của các địa phương đến tháng 03/2013)
Tỉnh | Chủng loại | Số lượng (kg, lít) | Số tiền | |
Tên hoạt chất | Tên thương mại | |||
Tiền Giang | Abamectin 55g/l + Petroleum oil 5g/l, Propargite, Abamectin 40g/l + Emamectin benzoate 20g/l | Sword 60 EC, Saromite 57 EC, Voi tuyệt vời 60 EC | 76.727,0 | 18.674.804 |
Đồng Tháp | Propargite | Superrex 73EC | 6.207,4 | 1.779.237 |
Vĩnh Long | Abamectin 55g/l + Petroleum oil 5g/l, Emamectin benzoate 60 g/l + Matrine 4g/l, Emamectin benzoate 50g/l | Sword 60 EC, Actimax 50 WG Bạch tượng 64 EC | 76.641,9 | 21.457.643 |
Trà Vinh | Abamectin, Abamectin 40g/l + Emamectin benzoate 20g/l, Emamectin benzoate | Acimetin 5.6 EC, Brightin 1.8 EC, Prodife’s 6 WG, Voi tuyệt vời 60 EC | 12.537,9 | 3.693.799 |
Cần Thơ | Emamectin benzoate 50 g/kg, Abamectin 18 g/l, Abamectin 0.3 % (55 g/l), Petroleum oil 9.7% (5g/l), Emamectin benzoate 10 g/l, Sulfur, Propargite (min 85%), Karanjin | Actimax 50 WG, Brightin 1.8 EC, Sword 60 EC Acprodi 28 EC Saromite 57 EC | 29.446 | 5.746.356 |
Hậu Giang | Abamectin, Emamectin benzoate, Pyridaben | Brightin 1.8 EC, Actimax 50 WG, Proclaim 1.9 EC, Alfamite 15 EC | 2.774 | 1.461.600 |
Sóc Trăng | Cấp tiền mua thuốc BVTV và cắt tỉa cành phụ lục 5 |
| ||
Tổng |
|
| 204.334,2 | 52.813.439 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.