BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3385/TCT-TNCN | Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2018 |
Kính gửi: Cục thuế TP. Hà Nội.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 10581/CT-TTHT ngày 20/3/2018 của Cục thuế TP Hà Nội hỏi về việc miễn thuế của chuyên gia nước ngoài có hai quốc tịch Ý và Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tư vấn quốc tế thực hiện chương trình, dự án ODA. Vấn đề này Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Quy định về ưu đãi thuế đối với chuyên gia ODA:
Tại khoản 5, Điều 3 Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA quy định:
“5. “Chuyên gia nước ngoài” (sau đây gọi tắt là chuyên gia) là người không có quốc tịch Việt Nam vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án ODA theo quy định hay thỏa thuận trong các Điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Bên Việt Nam và Bên nước ngoài.... ”.
2. Quy định về thuế đối với nhà thầu là cá nhân:
- Tại khoản 1, Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.”
- Tại Khoản 2, Điều 5 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“2. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN.”
3. Quy định về đối tượng chịu thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh:
- Tại điểm a, khoản 1, Điều 3, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“a) Cá nhân kinh doanh theo từng lần phát sinh gồm: cá nhân cư trú có phát sinh doanh thu kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định; cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức theo hình thức xác định được doanh thu kinh doanh của cá nhân.”
- Tại điểm a, khoản 1, Điều 7, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“1. Nguyên tắc khai thuế
a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế từng lần phát sinh khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh nếu có tổng doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.”
...
4. Quy định về đối tượng chịu thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công:
- Tại điểm a, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền”.
5. Quy định về khấu trừ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công:
- Tại Điểm b.3, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“b.3) Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế)”.
- Tại Điểm i, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác
Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
...”
6. Quy định về thương nhân:
Tại Khoản 1, Điều 1, Chương 1 Nghị định 90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 của Chính phủ quy định:
“1. Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận”.
Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp Bà Nguyễn Thị Phúc Lai (Bà Lai) là cá nhân có quốc tịch Việt Nam nên không đảm bảo điều kiện để được ưu đãi thuế đối với chuyên gia ODA theo quy định tại Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp Bà Lai ký hợp đồng tư vấn với Ban quản lý chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 thì kê khai nộp thuế như sau:
- Nếu Bà Lai là thương nhân thì xác định là cá nhân kinh doanh, thu nhập từ hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn độc lập thực hiện tư vấn quốc về STEM của Bà Lai chịu thuế theo quy định đối với nhà thầu gồm thuế GTGT và thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh. Ban quản lý chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 có trách nhiệm khai thay, nộp thay theo mẫu tờ khai số 01/CNKD ban hành tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.
- Nếu Bà Lai không phải là thương nhân thì không xác định là cá nhân kinh doanh, thu nhập từ hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn độc lập thực hiện tư vấn quốc về STEM của Bà Lai là hoạt động cung cấp dịch vụ chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Ban quản lý chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo thuế suất 10% nếu là cá nhân cư trú, hoặc 20% nếu là cá nhân không cư trú, hoặc theo biểu lũy tiến nếu là cá nhân cư trú và hợp đồng đáp ứng là hợp đồng lao động.
Cá nhân nước ngoài là thương nhân phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc các giấy tờ chứng minh là thương nhân được pháp luật nước ngoài công nhận. Các giấy tờ, tài liệu nước ngoài khi sử dụng ở Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TT-BNG ngày 20/3/2012 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục thuế TP.Hà Nội được biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.