BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3367/BGTVT-KCHT | Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2014 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 244/CĐ-TTg ngày 25/02/2014 về việc “sập cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu”, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, rà soát các công trình cầu dân sinh trên địa bàn cả nước như sau:
I. TỔNG HỢP KẾT QUẢ RÀ SOÁT CẦU TREO, CẦU TẠM
Theo báo cáo của 62/63 Sở GTVT (trừ Sở GTVT Hà Nội đến ngày 28/03/2014 chưa có báo cáo gửi Bộ GTVT), trên địa bàn cả nước có tổng số 2299 cầu treo nằm trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn, đường dân sinh. Cụ thể như sau (có Phụ lục chi tiết kèm theo):
1. Số lượng cầu: Tổng số có 2299 cầu; trong đó:
- Trên hệ thống đường xã, thôn xóm, làng bản: 2184 cầu (95%);
- Hệ thống đường huyện: 114 cầu (5%).
2. Thời gian xây dựng đưa vào khai thác các cầu
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong số 2123/2299 cầu:
- Xây dựng trước năm 2000: 418 cầu (20%);
- Xây dựng từ 2000 đến nay: 1301 cầu (61%);
- Các cầu còn lại chưa rõ năm xây dựng.
3. Về quy mô:
a) Chiều dài: trong số 2035/2299 cầu:
- Chiều dài < 100m có 1797 cầu (88 %).
- Chiều dài từ 100 - 200 m có 230 cầu (11,5 %);
- Chiều dài > 200 m có 8 cầu (0,5 %).
b) Khổ cầu: trong số 2211/2299 cầu:
- Có 1692 cầu (77%) bề rộng mặt cầu £ 2,0m; trong đó, 1142 cầu £ 1,4m.
- Có 488 cầu (22%) bề rộng £ 3,5m.
- Chỉ có 31 cầu (1,4%) bề mặt > 3,5 m.
c) Tải trọng: trong số 2046/2299:
- Có 1777 cầu (87%) tải trọng £ 2,5 tấn.
(Cá biệt một số cầu khổ hẹp, thiết kế với tải trọng £ 100 Kg/md, 100 Kg/m2).
- Có 239 cầu (12%) tải trọng 2,8 tấn.
- Có 30 cầu (1%) tải trọng ³ 8 tấn.
d) Mặt cầu: trong số 1460/2299:
- Mặt cầu bằng gỗ chiếm nhiều nhất với 806 cầu (55%).
- Các loại mặt cầu khác:
+ Mặt cầu bằng thép: 481 cầu (33%).
+ Mặt cầu bằng bê tông: 173 cầu (12%).
đ) Dầm cầu:
- Dầm bằng thép: 944 cầu.
- Dầm bằng bê tông cốt thép: 323 cầu.
- Còn lại là dầm gỗ và vật liệu khác.
4. Tiêu chuẩn thiết kế
Các tỉnh chưa báo cáo cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế. Tuy nhiên, qua xem xét tải trọng và khổ cầu các tỉnh báo cáo, có thể nhận xét như sau:
a) Chiếm đa số là các cầu được thiết kế tương đương với Tiêu chuẩn Đường GTNT loại A hoặc Đường GTNT loại B.
b) Ngoài ra, còn một số cầu được thiết kế với tải trọng thấp (cho người đi bộ 100 - 300 Kg/m2). Các loại tải trọng này chưa có trong tiêu chuẩn thiết kế.
Thực tế cho thấy, cần thiết phải ban hành bổ sung Tiêu chuẩn thiết kế cầu treo trên hệ thống đường giao thông nông thôn, đường dân sinh để thống nhất về các nội dung: Tiêu chuẩn thiết kế, tải trọng khai thác.
5. Nguồn vốn đầu tư
Các tỉnh chưa báo cáo cụ thể nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu. Nhưng về cơ bản, vốn đầu tư xây dựng cầu treo từ nhiều năm trước bằng các nguồn vốn sau:
- Ngân sách địa phương,
- Ngân sách trung ương hỗ trợ thông qua các chương trình: Chương trình 135 được Chính phủ ban hành từ năm 1999; Chương trình theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; và các chương trình mục tiêu khác của Nhà nước;
- Vốn ODA trực tiếp cho các địa phương hoặc qua các dự án của Trung ương;
- Do cộng đồng nhân dân đóng góp bằng vốn, nhân công, vật liệu xây dựng... qua hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc nhân dân tự làm...;
- Do tư nhân tài trợ hoặc các hình thức xã hội hóa khác;
- Sử dụng hỗn hợp các nguồn vốn trên.
6. Tình hình quản lý, khai thác và bảo trì cầu treo ở các địa phương
6.1. Thực trạng khai thác sử dụng hiện nay
a) Số cầu hư hỏng xuống cấp có 934/2299 cầu; mức độ hư hỏng phân loại như sau:
- 127 cầu cần dừng ngay việc khai thác do không đảm bảo an toàn.
- 807 cầu cần phải tổ chức sửa chữa ngay để tiếp tục khai thác; hoặc tổ chức kiểm định để đánh giá thực trạng của công trình.
b) 1365 cầu còn lại đang được khai thác nhưng cần phải khảo sát thực trạng và xác định khả năng chịu tải của công trình để khai thác cho phù hợp; đồng thời, cần tổ chức quản lý, bảo dưỡng theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ, Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
6.2. Biển báo hiệu: trong số 1710/2299 cầu:
- 576 cầu (34%) có biển báo;
- 1134 cầu (66%) chưa cắm biển báo.
Tồn tại: Ngay cả các cầu có biển báo, nhưng cũng không cắm đủ các loại biển chính (tải trọng, tốc độ, khổ giới hạn cho phép, tên cầu) gây nhiều khó khăn trong việc khai thác sử dụng và đảm bảo an toàn giao thông.
6.3. Các mặt khác về quản lý khai thác cầu
a) Hệ thống các quy định Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khai thác và bảo trì công trình đường bộ đã được quy định khá đầy đủ trong Luật Giao thông đường bộ; các Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và Nghị định số 100/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành Nghị định số 11/2010/NĐ-CP , Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ; Thông tư số 30/2010/TT-BGTVT về phòng, chống bão, lũ trong ngành đường bộ; Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT quy định về tuần đường. Tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, trong đó có bảo dưỡng thường xuyên cầu cũng đã được ban hành.
Như vậy, các quy định đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước chưa đảm bảo, đặc biệt là việc phân cấp quản lý đối với các chủ thể không rõ ràng; trình độ chuyên môn, sự am hiểu pháp luật còn hạn chế; vốn quản lý bảo trì rất khó khăn. Vì vậy, cần bổ sung quy định để phù hợp với đặc điểm, trình độ của chủ thể quản lý, khai thác sử dụng cầu treo dân sinh.
b) Về vốn trong quản lý, vận hành khai thác, bảo trì cầu: Toàn bộ các địa phương đều cho biết nguồn vốn cho việc quản lý, bảo trì cầu treo trên địa bàn rất khó khăn, đặc biệt các cầu trên đường dân sinh không được bố trí hoặc bố trí rất ít để thực hiện quản lý, bảo trì.
c) Về đơn vị (nhà thầu) thực hiện quản lý, bảo dưỡng:
Đường tỉnh và một số đường huyện hiện được giao cho Công ty hoặc Đoạn Quản lý đường bộ thực hiện quản lý, bảo dưỡng. Các tuyến đường còn lại không đủ kinh phí và điều kiện để giao cho đơn vị chuyên về công tác quản lý, bảo dưỡng.
Một số tỉnh (như Kon Tum...) tuy đã giao chính quyền huyện, xã quản lý cầu trên đường huyện và đường xã, nhưng hàng năm, Sở GTVT vẫn kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn cho huyện, xã bảo dưỡng cầu treo. Sở GTVT còn chỉ đạo đơn vị bảo dưỡng đường tỉnh phải kiểm tra cả cầu treo trên đường huyện, đường xã. Thực tế này cho thấy: Những nơi có sự quan tâm, hướng dẫn của Sở GTVT thì việc quản lý, bảo trì cầu treo tốt hơn, sớm phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ mất an toàn giao thông.
d) Trình độ năng lực của các chủ thể quản lý cầu treo: Các tuyến đường huyện do UBND cấp huyện quản lý. Đây là các nơi có cán bộ chuyên trách về giao thông. Còn lại, đường xã do UBND cấp xã quản lý, nhưng không có cán bộ chuyên trách về giao thông. Do đó, việc quản lý, bảo dưỡng rất khó khăn, nên cầu treo cũng như các công trình giao thông khác nhanh xuống cấp.
Đối với các cầu dân sinh do nhân dân đóng góp xây dựng trong thôn, xóm, làng bản và các điểm dân cư tương tự, thì việc quản lý còn khó khăn hơn so với đường được xã quản lý. Nguyên nhân là do nhân dân tự quản, nhưng thiếu sự hướng dẫn của chính quyền và ngành GTVT địa phương.
Tóm lại, những vấn đề tồn tại về triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, phân cấp quản lý, thiếu vốn, thiếu kiến thức chuyên môn (của cơ quan quản lý, của người thực hiện bảo trì) và hạn chế về kiến thức pháp luật là những tồn tại chính trong quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì các cầu treo trên hệ thống đường giao thông nông thôn, đường dân sinh hiện nay.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CẦU TREO; XÂY DỰNG CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ KHAI THÁC CẦU DÂN SINH
1. Thực hiện các Đề án
Bộ GTVT đã có văn bản số 2110/BGTVT-KHĐT ngày 03/03/2014 báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước Đề án Xây dựng 186 cầu dân sinh đảm bảo ATGT” trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi thuộc 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đề án này là một phần của nội dung Đề án “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số” trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi thuộc 50 tỉnh thành phố, hiện đang được Bộ GTVT tiếp tục triển khai xây dựng theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Tại văn bản số 2110/BGTVT-KHĐT ngày 03/03/2014, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các nội dung cụ thể để triển khai ngay Đề án xây dựng cầu ở 28 tỉnh như sau:
+ Giao Bộ GTVT phê duyệt trước Đề án XD 186 cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
+ Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ghi vốn xây dựng 186 cầu trong giai đoạn 2015-2020 mỗi năm 350 tỷ đồng; trước mắt đề nghị ứng trước kế hoạch 2015 là 200 tỷ để xây dựng ngay trong năm 2014 một số cầu có nhu cầu cấp bách.
+ Bộ GTVT cũng đề nghị cho phép đơn vị thực hiện ứng trước vốn thi công, không tính lãi. Sau khi hoàn thành các Bộ cân đối vốn trả dần.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục giải trình, làm rõ với các Bộ, ngành để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý, vận hành khai thác các cầu trên hệ thống đường dân sinh, đường giao thông nông thôn, từ cuối năm 2013, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng và hiện đang khẩn trương hoàn thành Thông tư hướng dẫn chung về quy trình quản lý, vận hành khai thác (bao gồm cả quy định về hệ thống báo hiệu) cầu treo và cầu dân sinh trên các tuyến đường dân sinh, đường giao thông nông thôn (kế hoạch ban hành trong tháng 4/2014);
III. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát và đánh giá các công trình cầu treo, cầu tạm trên địa bàn cả nước, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố:
a) Khảo sát thực trạng của công trình và đánh giá khả năng khai thác của tải trọng các cầu, đặc biệt các cầu đã xuống cấp, để sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông bằng vốn từ Quỹ bảo trì địa phương và các nguồn vốn của địa phương.
b) Đối với các cầu treo đã hết tuổi thọ khai thác hoặc các cầu hư hỏng xuống cấp nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, phải tạm dừng ngay việc khai thác và tổ chức điều chỉnh lại giao thông; tổ chức cảnh giới, hướng dẫn và ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm; tổ chức kiểm định, xác định khả năng chịu tải của công trình để sửa chữa, nếu không có khả năng khắc phục sửa chữa thì tháo bỏ làm mới.
c) Rà soát cắm lại biển báo hiệu tải trọng cho phù hợp với thực tế và hướng dẫn cho người tham gia giao thông chấp hành để bảo đảm giao thông an toàn.
Trường hợp tiếp tục khai thác an toàn với tải trọng thấp hơn, thì cắm lại biển báo, đồng thời lập kế hoạch và tiến hành sửa chữa; Bổ sung các biện pháp phòng hộ đối với các vị trí cáp, ắc neo tăng đơ nếu thấy cần thiết.
d) Giao Sở GTVT chịu trách nhiệm xây dựng quy định quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đối với dân sinh hiện có trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời hướng dẫn và giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu treo bằng nguồn vốn quỹ bảo trì địa phương; định kỳ hoặc đột xuất, Sở GTVT phải tổ chức kiểm tra kỹ thuật các cầu treo trên địa bàn tỉnh.
Bộ Giao thông vận tải kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.