BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3309/LĐTBXH-BTXH | Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2009 |
Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phúc đáp công văn số 2183/BNN-KTTH ngày 24 tháng 7 năm 2009 về việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo các nội dung sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐANG TRIỂN KHAI TRÊN ĐỊA BÀN NÔNG THÔN
1. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo 2006 – 2010:
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 được ban hành theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cụ thể đến năm 2010: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22% (năm 2005) xuống còn 10 – 11% (năm 2010), trong 5 năm giảm 50% số hộ nghèo. Chương trình bao gồm 3 nhóm chính sách và dự án:
1. Nhóm chính sách và dự án để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập: tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, dự án khuyến nông – lâm – ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất; dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, dự án dạy nghề, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.
2. Nhóm chính sách tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội: chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, hỗ trợ giáo dục, chính sách hỗ trợ về nhà ở và nước sinh hoạt, chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
3. Nhóm nâng cao năng lực và nhận thức: dự án nâng cao năng lực giảm nghèo (bao gồm đào tạo cán bộ giảm nghèo và truyền thông), hoạt động giám sát đánh giá.
Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến 2009:
Chương trình giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp, nhất là các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt… tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ trên 20% (năm 2005) xuống còn 18,1% (năm 2006); 14,75% (năm 2007); 12,1% (năm 2008); ước 11% (năm 2009) và ước 9,45% (năm 2010), hoàn thành kế hoạch trước 01 năm so với mục tiêu Chương trình và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Ước tỷ lệ hộ nghèo các vùng trong cả nước đến cuối năm 2010 như sau: Đông Bắc: 14,39%; Tây Bắc: 51,52%; Đồng bằng sông Hồng: 5,43%; Bắc Trung Bộ: 16,04%; Duyên Hải miền Trung: 10,47%; Tây Nguyên: 11,51%; Đông Nam Bộ: 2,59%; Đồng Bằng sông Cửu Long: 7,32%.
- Hạn chế, tồn tại:
+ Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, mức độ cải thiện đời sống của các hộ nghèo chậm, số hộ nghèo nằm trong diện cận nghèo còn lớn, nguy cơ tái nghèo cao khi gặp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, ốm đau…
+ Tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực, các vùng còn chênh lệch lớn, miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc tỷ lệ nghèo còn cao, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số có xu hướng gia tăng; đến cuối năm 2006 vẫn còn tới 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% nhiều huyện tới 70%; đời sống nhân dân nhất là đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.
+ Ngân sách bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo còn thấp, chưa đạt kế hoạch, trong 4 năm (2006 - 2009) Ngân sách bố trí cho Chương trình chỉ đạt 55,58% kế hoạch 5 năm (1.050,5 tỷ đồng/1.890 tỷ đồng).
+ Chuẩn nghèo chưa được điều chỉnh kịp thời nên kết quả giảm nghèo chưa phản ảnh đúng thực chất. Kết quả khảo sát của các địa phương cho thấy, đến cuối năm 2008, tổng số hộ cận nghèo cả nước khoảng 01 triệu hộ, với 3,8 triệu nhân khẩu, trong thực tế đây chính là những hộ nghèo, nhưng do chuẩn nghèo chưa được điều chỉnh kịp thời khi chỉ số giá (CPI) tăng, nên họ không được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Đánh giá chung
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện sát sao các Chương trình giảm nghèo, đồng thời ban hành kịp thời các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khắc phục hậu quả của lạm phát và suy giảm kinh tế, hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Các Bộ, ngành trung ương đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quy trình thực hiện, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện ở địa phương. Qua đó, phát hiện những vấn đề bất cập để đề xuất, bổ sung, sửa đổi kịp thời, trình Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn với nhiều giải pháp cụ thể, linh hoạt, vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, hoàn thành trước 01 năm kế hoạch đề ra, góp phần ổn định xã hội và tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, tính bền vững và chất lượng giảm nghèo chưa cao, chưa tạo ra được điều kiện bền vững cho các hộ mới thoát nghèo; hộ cận nghèo chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nhà nước, quản lý hộ nghèo chưa chặt chẽ, hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo còn hạn chế.
2. Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm
Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm 2006 – 2010 được phê duyệt bởi Quyết định số 101/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các nội dung sau:
Mục tiêu cụ thể: tạo việc làm cho 2-2,2 triệu lao động, trong đó tạo việc làm trong nước cho 1,7-1,8 triệu lao động, tạo việc làm ngoài nước 40-50 vạn lao động; nâng cao năng lực và hiện đại hóa 30-40 trung tâm giới thiệu việc làm và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động để 4 triệu người được tư vấn và giới thiệu việc làm, xây dựng và đưa vào sử dụng trang Web về thị trường lao động; tập huấn nghiệp vụ cho 75 nghìn cán bộ làm công tác lao động – việc làm.
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm từ 2006 đến nay đã tạo việc làm cho gần 5,6 triệu lao động, đạt 70% mục tiêu đề ra.
Dự án vay vốn giải quyết việc làm: doanh số cho vay đạt 4.708 tỷ đồng với 368 nghìn lượt người vay, chủ yếu hộ gia đình. Kết quả 950 nghìn lao động được tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm, đạt 56% mục tiêu đề ra.
Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: kết quả đưa được 283 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 70,8% kế hoạch, chủ yếu là lao động nông thôn.
Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động: (1) Đầu tư nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm: đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 3 triệu lượt người, đạt 75% kế hoạch. (2) Hỗ trợ các trung tâm giao dịch việc làm: có 30 trung tâm đã tổ chức sàn giao dịch việc làm; số lao động bình quân được tuyển thông qua sàn giao dịch từ 400-500 lao động/sàn, trong đó tuyển trực tiếp 70% và hẹn phỏng vấn sau phiên sàn giao dịch là 30%.
Ngoài ra Chương trình tổ chức điều tra thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động và việc làm; hoạt động giám sát đánh giá.
Đánh giá kết quả:
- Cơ chế chính sách về giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động được kịp thời ban hành và sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với thị trường và bối cảnh hội nhập.
- Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc làm, đặc biệt về phát triển thị trường lao động ngày được nâng cao; người lao động chủ động tự tạo việc làm.
- Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm góp phần giải quyết việc làm và tạo nhiều chỗ làm việc cho người lao động.
Hạn chế: hệ thống giao dịch việc làm còn thiếu, yếu, vai trò các trung tâm giới thiệu việc làm hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu nhập thông tin về cung - cầu của thị trường lao động; hoạt động của các trung tâm chưa đồng bộ, thống nhất, chưa gắn kết được với nhau. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu cả về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức chấp hành pháp luật cũng như các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.
Nguồn vốn bố trí cho Chương trình tính đến 2008 là 897 tỷ đồng, đạt 39% tổng nhu cầu vốn được phê duyệt.
3. Lĩnh vực dạy nghề
Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục – đào tạo.
* Kết quả thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục – đào tạo đến năm 2010 được phê duyệt tại Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
- Hàng năm Dự án giành kinh phí để hỗ trợ dạy nghề cho đối tượng chính sách trong đó chủ yếu lao động nông thôn với kết quả cụ thể như sau: năm 2006 là 110 tỷ đồng (dạy nghề cho 280.000 người) và năm 2007 là 156,2 tỷ đồng (dạy nghề cho 350.000 người), năm 2008 là 157 tỷ đồng (dạy nghề cho 360.000 người) và năm 2009 là 183 tỷ đồng (ước thực hiện dạy nghề cho 370.000 người).
- Đã hoàn thành việc thực hiện thí điểm 17 hợp đồng đặt hàng dạy 5 nghề (giai đoạn 2006 - 2008) cho 2.853 người, trong đó chủ yếu là đối tượng chính sách, con em nông dân.
- Năm 2008, tiếp tục triển khai đặt hàng dạy 21 nghề với 9 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty để thực hiện dạy nghề với yêu cầu tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp cho tổng số 6.400 người (độ tuổi 16-30 tuổi) là những đối tượng chính sách, nhóm yếu thế, nông dân mất đất, lao động vùng chuyên canh…
Dự án “Đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm giảm nghèo tại Đồng Bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2008 – 2011.
Quỹ giảm nghèo Nhật Bản tài trợ qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổng số 1,65 triệu USD, trong đó 1,3 triệu USD là vốn ODA không hoàn lại và 350.000 USD là vốn đối ứng của Chính phủ. Tăng cường cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, tìm việc làm và tự tạo việc làm nhằm giảm nghèo cho các đối tượng yếu thế tại Đồng Bằng sông Cửu Long (chủ yếu tại hai tỉnh: Trà Vinh và Sóc Trăng) với số lượng 4.000 người nghèo và người dân tộc thiểu số sẽ được đào tạo nghề.
Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao chủ trì và phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ xây dựng Đề án dạy nghề lao động nông thôn đến năm 2020 trong đó:
Mục tiêu cụ thể:
Giai đoạn 2009 – 2010
- Tiếp tục dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho khoảng 800.000 lao động nông thôn theo mục tiêu của Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục – đào tạo đến năm 2010 (Dự án 7) bằng các chính sách của Đề án này.
- Thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với khoảng 18.000 người, 50 nghề đào tạo và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 12.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình này tối thiểu đạt 80%.
4. Công tác phòng chống các tệ nạn xã hội
- Công tác phòng, chống mại dâm: cả nước hiện có 6.576 xã, phường không có tệ nạn mại dâm, chiếm gần 60% tổng số xã, phường trên cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đạt trên 70% số xã, phường duy trì không có tệ nạn mại dâm, đặc biệt trong đó có nhiều tỉnh thuộc địa bàn nông thôn, miền núi như: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Nam, Thái Nguyên, Hòa Bình…
Công tác lồng ghép phòng, chống mại dâm với thực hiện các Chương trình, chính sách an sinh xã hội, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp cho phụ nữ, trẻ em gái, các hộ gia đình nghèo ở khu vực nông thôn, nhằm phòng ngừa các nguy cơ liên quan đến tệ nạn đã được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện ở nhiều địa phương như: đề án thí điểm mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh tệ nạn mại dâm, ma túy tại 45 xã, phường thuộc 15 tỉnh (năm 2008); hướng dẫn thí điểm xây dựng mô hình phòng ngừa, hỗ trợ phụ nữ hoàn lương và nạn nhân bị buôn bán trở về tại Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định (năm 2009)….
- Công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục mở rộng việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh, thành phố, với mức hỗ trợ từ 90 triệu đến 120 triệu đồng (trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí ở mức cao đối với các tỉnh trọng điểm thuộc địa bàn nông thôn) để mở rộng triển khai Đề án, nhằm tạo điều kiện giúp cho nhiều trẻ em, cộng đồng được nâng cao nhận thức và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp giải quyết tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em. Năm 2008, đã tiến hành xây dựng mô hình thí điểm can thiệp và hỗ trợ phòng ngừa xâm phạm tình dục trẻ em tại cộng đồng cho 25 xã, phường, thị trấn của 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, trong đó tập trung cho nhiều địa bàn cấp xã thuộc khu vực nông thôn của các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau; hỗ trợ mỗi mô hình 20 triệu đồng. Năm 2009, tiếp tục mở rộng mô hình trên ở 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực nông thôn khác.
- Công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em: Năm 2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức Di cư quốc tế xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ nạn nhân trở về và tái hòa nhập cộng đồng được triển khai tại các xã khu vực biên giới và nông thôn thuộc 2 tỉnh: Lào Cai, Bắc Giang. Dự án nhằm thí điểm quá trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân tại các tỉnh biên giới và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân trở về (chủ yếu là các tỉnh thuộc địa bàn nông thôn).
- Công tác cai nghiện, phục hồi: Tại các tỉnh trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về ma túy, tỉnh miền núi gặp khó khăn như: Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu … là những địa bàn có nhiều người nghiện, nhất là ở nông thôn, nên vấn đề cai nghiện phục hồi luôn được quan tâm. Để nâng cao hiệu quả của công tác cai nghiện phục hồi, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân, nâng cao chất lượng chữa trị, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng cai nghiện, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trong công tác giúp đỡ người nghiện ma túy đi cai nghiện và chống tái nghiện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn một số điều luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy (Nghị định hướng dẫn về quản lý sau cai, Nghị định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, sửa đổi Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004,…). Các Nghị định ra đời sẽ là khung pháp lý để thúc đẩy vấn đề cai nghiện phục hồi ở 63 tỉnh, thành phố nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, NHU CẦU ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐẾN 2015 VÀ 2020
1. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo
1.1. Dự kiến chuẩn nghèo 2011 – 2015
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành chuẩn nghèo với các mức như sau:
- Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 350.000 đồng/người/tháng (dưới 4.200.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.
- Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 450.000 đồng/người/tháng (dưới 5.400.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.
Thep phương án này, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ vào khoảng 19-20%, tương ứng với khoảng 3,8-4 triệu hộ nghèo; từ 1,2-1,4 triệu hộ cận nghèo (hộ có thu nhập trên chuẩn nghèo và dưới 130% so với chuẩn nghèo, cụ thể dưới 455 ngàn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 585 ngàn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị).
1.2. Dự kiến mục tiêu giảm nghèo: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 20% (năm 2011) xuống còn dưới 10% (năm 2015).
1.3. Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách, dự án giảm nghèo: Chương trình giảm nghèo 2011-2015 được gắn với các chính sách an sinh xã hội và phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung vào các địa bàn khó khăn nhất (tỉnh, huyện). Trong khi Chương trình chưa hình thành, trong kế hoạch giảm nghèo 2011 – 2015 sẽ tạm tính theo các chính sách, dự án của giai đoạn 2006 – 2010 như sau:
Đơn vị: tỷ đồng
Các chính sách, dự án, hoạt động | Tổng nhu cầu Ngân sách Trung ương | |||||
Tổng số | Trong đó | |||||
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | ||
I. Nhóm chính sách hỗ trợ tăng thu nhập cho người nghèo | 1.610 | 425 | 325 | 320 | 320 | 220 |
1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng |
| |||||
2. Dự án khuyến khích nông lâm và hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề | 750 | 200 | 150 | 150 | 150 | 100 |
3. Dạy nghề cho người nghèo | 750 | 200 | 150 | 150 | 150 | 100 |
4. Nhân rộng mô hình giảm nghèo | 110 | 25 | 25 | 20 | 20 | 20 |
II. Nhóm chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản | 12.895 | 3.210 | 2.860 | 2.650 | 2.210 | 1.965 |
1. Chính sách y tế | 11.345 | 2.800 | 2.500 | 2.340 | 1.950 | 1.755 |
2. Chính sách miễn giảm học phí | 1.500 | 400 | 350 | 300 | 250 | 200 |
3. Hỗ trợ nhà ở | Theo đề án Bộ Xây dựng thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg | |||||
4. Trợ giúp pháp lý | 50 | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 |
III. Nhóm nâng cao năng lực và nhận thức | 280 | 80 | 65 | 60 | 60 | 55 |
1. Hoạt động đào tạo và truyền thông | 170 | 50 | 45 | 40 | 40 | 35 |
2. Giám sát đánh giá | 110 | 30 | 20 | 20 | 20 | 20 |
Tổng cộng | 14.785 | 3.715 | 3.250 | 3.030 | 2.590 | 2.240 |
2. Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm
2.1. Mục tiêu: Bảo đảm việc làm cho trên 50 triệu lao động, giảm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nông thôn xuống dưới 6%.
2.2. Nhiệm vụ: (1) Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lao động – việc làm. (2) Hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong nước. (3) Đối với các địa phương:
- Tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn của các Bộ, ngành chuyên môn về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động cho các tầng lớp nhân dân.
- Phân cấp cho cấp huyện trong việc tổ chức và thực hiện dự án cho vay giải quyết việc làm; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức đoàn thể trong việc giao vốn vay. Tập trung cho vay các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo nhiều việc làm, nâng cao chi phí cho một chỗ làm việc; đẩy mạnh tạo việc làm ở khu vục phi chính thức thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm; nhân rộng các mô hình tạo việc làm hiệu quả tại địa phương.
- Xây dựng các mô hình giải quyết việc làm thích hợp cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp lớn; đẩy mạnh tạo việc làm theo hướng phi nông nghiệp cho lao động nông nghiệp nông thôn.
- Hoàn thiện quy hoạch hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm và cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp giới thiệu việc làm; hỗ trợ cơ sở hạ tầng, biên chế cán bộ, kinh phí hoạt động thường xuyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm giới thiệu việc làm đang hoạt động, các dịch vụ việc làm công ở Việt Nam.
- Đa dạng hóa các kênh giao dịch trên thị trường lao động, đặc biệt là tổ chức các sàn giao dịch việc làm thường xuyên, định kỳ tại các Trung tâm giới thiệu việc làm.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động tại địa phương, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động.
- Đào tạo nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành pháp luật, tác phong công nghiệp… cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo điều kiện sắp xếp công việc thích hợp cho người lao động sau khi về nước.
- Lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm với các Chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giáo dục – đào tạo nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực cho các dự án, hoạt động trong Chương trình tại địa phương.
- Tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, chuẩn bị triển khai các công việc để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở địa phương, chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích về chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến 2020
Giai đoạn 2011 – 2015: Đào tạo nghề cho khoảng 4.700.000 lao động nông thôn được học nghề (1.600.000 người học nghề nông nghiệp; 3.100.000 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 120.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%.
Giai đoạn 2016 – 2020: Đào tạo nghề khoảng 5.500.000 lao động nông thôn được học nghề (1.400.000 người học nghề nông nghiệp; 4.100.000 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 380.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.
Chính sách đầu tư cho các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn:
+ Năm 2009, 74 huyện miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số mới thành lập trung tâm dạy nghề, được hỗ trợ đầu tư xưởng thực hành, ký túc xá, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, ôtô bán tải hoặc thuyền máy để chuyên chở thiết bị, cán bộ, giáo viên đi dạy nghề lưu động và thiết bị dạy nghề cho 3 nghề phổ biến, 3-4 nghề đặc thù của địa phương. Mức đầu tư tối đa 9 tỷ đồng/trung tâm.
+ Năm 2009, 116 huyện đồng bằng mới thành lập trung tâm dạy nghề, được hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề với mức 5 tỷ đồng/trung tâm.
+ 09 trường trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ ở 09 tỉnh tập trung nhiều làng nghề truyền thống được hỗ trợ đầu tư xây dựng và thiết bị dạy nghề với mức đầu tư 25 tỷ đồng/trường.
+ Tiếp tục hỗ trợ thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề công lập huyện được đầu tư trong giai đoạn 2006-2009, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy nghề, mức hỗ trợ 3 tỷ đồng/trung tâm.
+ Hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị dạy nghề cho 100 trung tâm giáo dục thường xuyên ở những huyện chưa có trung tâm dạy nghề để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, mức hỗ trợ 1 tỷ đồng/trung tâm.
Ngoài ra, nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn và phát triển Chương trình học liên thông cho các cơ sở dạy nghề. Cụ thể dự kiến ngân sách của đề án Dạy nghề nông thôn như sau:
Đơn vị tính: Tỷ đồng
TT | Nội dung | 2009-2020 | 2009-2010 | 2011-2015 | 2016-2020 |
1 | Tuyên truyền | 125 | 25 | 50 | 50 |
2 | Điều tra/khảo sát dự báo nhu cầu dạy nghề lao động nông thôn | 15 | 15 |
|
|
3 | Thí điểm các mô hình dạy nghề nông thôn | 54.4 | 54.4 |
|
|
4 | Cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập | 3905 | 810 | 1763 | 1332 |
5 | Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục, thiết bị dạy nghề | 90 | 9.5 | 60.5 | 20 |
6 | Phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề | 76.5 | 17.7 | 31.15 | 27.65 |
7 | Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề | 20308 |
|
|
|
| Tổng | 24573.9 | 931.6 |
|
|
4. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
4.1. Công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm
- Chiến lược đến năm 2020: trên cơ sở kết quả phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2015-2020, tiếp tục tăng cường và mở rộng sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân, tư nhân trong các hoạt động phòng ngừa, can thiệp từ xa tại cộng đồng, nhằm giảm nguy cơ phụ nữ, trẻ em vì nghèo đói, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết phải đi bán dâm hoặc di cư lao động, trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích bóc lột tình dục.
4.2. Công tác cai nghiện, phục hồi
- Chỉ tiêu chủ yếu năm 2011-2015: mỗi năm có 40-50% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được cai nghiện và quản lý sau cai.
- Giảm tỷ lệ tái nghiện từ 5-10%/năm.
- 40% số người nghiện có nhu cầu học nghề.
- 40% số người sau cai nghiện được tạo việc làm.
4.3. Chỉ tiêu về xây dựng xã, phường lành mạnh
- Đến cuối năm 2015 có 75% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
- Có 60% số xã, phường, thị trấn có đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã.
Trên đây là nội dung các Chương trình mục tiêu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tổng hợp.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.