BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3284/BNN-TCLN | Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2010 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được văn bản số 817/UBND-NLN ngày 03 tháng 6 năm 2010 kèm theo hồ sơ đề nghị thẩm định Báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2010 - 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; Văn bản số 1440/SNN-LN ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất về cơ bản với nội dung báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2020. Quá trình thẩm định cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Lâm nghiệp của tỉnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh Thái Nguyên hoàn chỉnh quy hoạch theo hướng sau đây:
1. Tên báo cáo: Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011 - 2020;
2. Thời gian thực hiện: Giai đoạn (2011 - 2020);
3. Hiện trạng rừng và quy hoạch đất lâm nghiệp theo 3 loại rừng
Theo số liệu báo cáo của tỉnh hiện trạng rừng và quy hoạch 3 loại rừng có diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp là: 179.883,7 ha, trong đó Rừng đặc dụng 36.344,5 ha; Rừng phòng hộ 47.232,6 ha; Rừng sản xuất 96.306,6 ha.
4. Thống nhất với mục tiêu quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo báo cáo của tỉnh.
5. Nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020
5.1. Quy hoạch bảo vệ rừng:
Theo báo cáo của tỉnh quy hoạch bảo vệ rừng giai đoạn 2011 - 2020: Hiện trạng đất có rừng là 155.063,8 ha (rừng tự nhiên là 93.002,0 ha, rừng trồng là 62.061,8 ha), nhưng sau khi quy hoạch lại đã trừ đi diện tích rừng chuyển sang mục đích khác (khai thác khoáng sản) diện tích có rừng hiện có là 154.914 ha. Đối tượng rừng được bảo vệ là diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng đã hết thời kỳ chăm sóc (cho cả 3 loại rừng: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Diện tích rừng đưa vào cải tạo tại thời kỳ kế hoạch 2011 - 2015 sẽ được đưa vào bảo vệ trong kỳ kế hoạch sau 2016 - 2020 của quy hoạch.
Diện tích rừng bảo vệ giai đoạn 2011 -2015 là 109.109,0 ha; trong đó: Rừng tự nhiên hiện còn 87.650 ha (phòng hộ 33.297,0 ha; đặc dụng 27.555,0 ha và sản xuất 26.798,0 ha) và rừng trồng hết giai đoạn chăm sóc là 21.459 ha.
Diện tích rừng bảo vệ giai đoạn 2016 - 2020 là 113.700,0 ha; trong đó: Rừng tự nhiên hiện còn 91.750, 0 ha (phòng hộ 36.169,0 ha; đặc dụng 28.783,0 ha và rừng sản xuất 26.798 ha). Rừng trồng 21.950,0 ha (phòng hộ 10.555,0 ha, đặc dụng 4.791,0 ha, sản xuất 6.604,0 ha).
5.2. Quy hoạch phát triển rừng
a) Trồng rừng mới tập trung: 14.552 ha trên diện tích đất trống chưa có rừng (là 20.168,3 ha) ở trạng thái Ia, Ib và Ic và đất có khả năng trồng rừng, trong đó:
+ Rừng phòng hộ: 2.845 ha
+ Rừng đặc dụng: 370 ha
+ Rừng sản xuất: 11.337 ha
Tiến độ thực hiện từ năm 2011 - 2015.
b) Trồng lại rừng sau khai thác:
+ Giai đoạn 2011 - 2015: 41.218 ha, bình quân trồng 8.243 ha/năm. Thực hiện trồng lại trên diện tích rừng đã khai thác trắng.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Trồng 53.640 ha, trên diện tích rừng sản xuất đã khai thác trắng, bình quân trồng 10.728 ha.
c) Trồng rừng trong cải tạo rừng là rừng sản xuất: 5.330 ha trong đó:
Có 638 ha rừng nứa tép (D<3 cm); 2.440 ha rừng gỗ nghèo (IIIA1) và 2.252 ha rừng phục hồi, để trồng cây phù hợp với mục đích kinh tế của từng vùng.
d) Khoanh nuôi tái sinh rừng: 5.450 ha, trong đó:
- Rừng đặc dụng: 2.578 ha (trạng thái IC: 2.511 ha; IB: 67 ha)
- Rừng phòng hộ: 2.872 ha (trạng thái IC: 2.862 ha; IB: 10 ha)
Tiến độ thực hiện từ năm 2011 - 2015.
đ) Trồng cây lâm sản ngoài gỗ: Trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng mây, tre dưới chân đồi.
e) Trồng cây phân tán: Bình quân trồng 1,6 triệu cây/năm, trồng cây ven đường giao thông, khu vui chơi giải trí, các điểm di tích lịch sử văn hóa, công sở, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện … v.v tạo cảnh quan môi trường xanh đẹp.
f) Xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh.
+ Xây dựng vườn ươm, rừng giống: Có 01 Trung tâm giống có diện tích 1,5 ha sản xuất cây giống từ công nghệ mô, hom. Xây dựng 20 vườn ươm cấp II tại 20 nhu cầu trồng rừng của tỉnh. Trồng mới rừng giống: 32,5 ha.
+ Xây dựng đường ranh cản lửa giai đoạn 2011-2015: 206 km
+ Xây dựng trạm bảo vệ rừng: 02 trạm
+ Xây dựng chòi canh lửa rừng: 15 đến 20 chòi
+ Nâng cấp hệ thống đường ôtô lâm nghiệp hiện có
Hạ tầng cơ sở lâm sinh có thể đáp ứng đủ nhu cầu giống cây lâm nghiệp phục vụ cho công tác phát triển rừng của tỉnh theo kỳ kế hoạch.
5.3. Khai thác gỗ
a) Khai thác chính rừng trồng sản xuất giai đoạn 2011 - 2015: 1.676.437 m3; bình quân khai thác 41.263 ha, sản lượng khai thác bình quân 335.287 m3/năm. Diện tích khai thác bình quân là 8.253 ha/năm. Khai thác nhựa Thông: 306 ha.
b) Giai đoạn 2016 - 2020: 2.476.123 m3 trên diện tích 53.640 ha, diện tích khai thác bình quân: 10.728 ha; sản lượng khai thác bình quân 495.225 m3/năm. Khai thác nhựa Thông: 306 ha. Đối tượng rừng khai thác chính và rừng trồng sản xuất đã đến tuổi thành thục công nghệ.
c) Khai thác chọn rừng trồng phòng hộ:
- Giai đoạn 2011 - 2015: 79.122 m3 trên diện tích 1.827 ha, diện tích khai thác bình quân 365 ha/năm, sản lượng khai thác bình quân 15.824 m3/năm.
- Giai đoạn 2016 - 2020: 88.770 ha, trên diện tích 1.916 ha, diện tích khai thác bình quân 383 ha/năm; sản lượng khai thác bình quân 17.754 m3/năm.
Sản lượng gỗ khai thác đáp ứng nhu cầu chủ yếu sau:
+ Gỗ phục vụ xây dựng: 37.131 m3/năm
+ Gỗ nguyên liệu giấy và ván nhân tạo: 209.504 m3/năm
+ Gỗ trụ mỏ: 29.265 m3/năm
+ Loại khác 16.693 m3/năm
d) Khai thác tận dụng: Đối tượng là rừng cải tạo, khối lượng 107.060 m3; bình quân khai thác 20 m3/ha.
đ) Khai thác chọn từng tự nhiên: Chủ yếu là vườn rừng được Nhà nước giao cho hộ gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 02/CP. Khai thác chọn đối với những cây đạt đường kính cho phép khai thác theo quy định hiện hành.
e) Khai thác lâm sản ngoài gỗ: Chủ yếu là rừng tre, nứa và các loại thảo mộc khác. Bình quân khai thác tre, nứa: 10.241 tấn/năm.
Nhất trí với quy hoạch khai thác rừng của tỉnh.
5.4. Quy hoạch chế biến gỗ:
Duy trì số nhà máy chế biến gỗ hiện có, đặc biệt là các nhà máy có công suất lớn như: Công ty ván dăm Thái Nguyên, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, nhà máy giấy xuất khẩu Thái Nguyên. Tiếp tục duy trì các cơ sở chế biến gỗ hiện có tại các huyện thị, thành phố và xây dựng mới cơ sở chế biến gỗ ở phía Bắc huyện Võ Nhai với công suất 10.000 m3/năm.
Dự tính khối lượng nguyên liệu chế biến trong tỉnh như sau:
- Gỗ nguyên liệu: 80.000 - 100.000 m3/năm
- Tre Nứa nguyên liệu: 65.000 - 70.000 tấn/năm.
Với nguồn nguyên liệu tre, nứa hiện có của tỉnh và sản lượng khai thác tre, nứa bình quân 10.240 tấn/năm chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguyên liệu này do vậy phải mở thêm thị trường thu mua nguyên liệu ở tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và vườn rừng của hộ gia đình trên địa bàn. Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng không tiêu thụ hết trong nội tỉnh sẽ được tiêu thụ bởi nhà máy ngoài tỉnh.
Nhất trí với quy hoạch chế biến gỗ của tỉnh.
5.5. Nhu cầu vốn đầu tư:
Tổng kinh phí dự kiến là 552.152,9 triệu đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách: 277.654,4 triệu đồng, chiếm 50,28%
- Vốn vay: 193.005,9 triệu đồng, chiếm 34,96%
- Vốn tự có: 27.436,5 triệu đồng, chiếm 4,97%
- Vốn liên doanh liên kết: 31.006,9 triệu đồng, chiếm 5,62%
- Vốn doanh nghiệp: 23.049,2 triệu đồng, chiếm 4,17%.
Nhất trí với cơ cấu, phân bổ nguồn vốn thực hiện kế hoạch, khi có thay đổi về diện tích lâm nghiệp quy hoạch, đề nghị tỉnh tính toán lại dự toán cho phù hợp với các hạng mục đầu tư.
Căn cứ vào nhận xét, đánh giá trên đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên xem xét, chỉ đạo bổ sung những nội dung cần thiết để hoàn chỉnh báo cáo Quy hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.