BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3282/BGDĐT-TĐKT | Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2017 |
Kính gửi: | - Các sở giáo dục và đào tạo; |
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo; các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm; các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ (sau đây gọi chung là các cơ quan, đơn vị) nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020 trong ngành Giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động ngày 19/10/2016; khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp; phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới tiêu biểu trong dạy và học, từ đó nhân rộng, tạo bước chuyển biến mới, rõ rệt trong từng cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.
2. Yêu cầu
Thi đua đổi mới, sáng tạo phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác của ngành trong từng năm học; việc xét khen thưởng phải kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng thành tích, công khai, công bằng, dân chủ, đúng quy trình thủ tục; đảm bảo việc tôn vinh, khen thưởng có tác dụng nêu gương, giáo dục, có sức lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội; thành tích đến đâu khen đến đó; không chấp nhận việc khen thưởng nhiều nhưng kết quả công việc trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chuyển biến chậm, hiệu quả thấp.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG THI ĐUA VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ
1. Đối tượng
Các cơ quan, đơn vị, trường học, tập thể nhỏ, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong ngành Giáo dục.
2. Nội dung thi đua
a) Xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch đẹp, thân thiện, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Đảm bảo nhà trường, cơ sở giáo dục thân thiện; thực hiện tốt việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trường, lớp học sạch sẽ, có sân chơi, hệ thống cây xanh an toàn, thoáng mát; lớp học có đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp lứa tuổi người học; có nhà vệ sinh đạt chuẩn; tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tư vấn, trải nghiệm sáng tạo, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an ninh trật tự; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, cháy nổ, thảm họa, thiên tai...; chú trọng giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, các giá trị văn hóa, hướng học sinh, sinh viên đến Chân - Thiện - Mỹ; học sinh, sinh viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nhà trường, lớp học và cá nhân.
b) Đổi mới dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội về đổi mới giáo dục; có giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; vận dụng có hiệu quả những thành tố tích cực của các mô hình dạy học tiên tiến trên thế giới; học sinh, sinh viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện đạt hiệu quả cao; tổ chức giáo dục hướng nghiệp, phân luồng có hiệu quả; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc gia và quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo dựa trên kết quả đánh giá; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
c) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế
Tạo điều kiện và khuyến khích nhà giáo, học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học để có sáng kiến, công trình nghiên cứu khoa học thiết thực, có giá trị và hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng ở quốc gia, khu vực và quốc tế; mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học nước ngoài; tăng cường sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với các trường đại học được kiểm định của nước ngoài.
d) Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học
Ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm, hệ thống: cổng thông tin điện tử, văn phòng điện tử, sổ quản lý điện tử, họp trực tuyến, tập huấn qua mạng, các cơ sở dữ liệu thông tin quản lý, kho bài giảng điện tử, thư viện điện tử, dạy học qua mạng, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, phần mềm thi trực tuyến, diễn đàn khoa học trực tuyến, phòng thí nghiệm ảo, hội thảo khoa học trực tuyến...
đ) Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp
Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo hiệu quả, giúp học sinh, sinh viên thu nhận kiến thức tốt; phát hiện, bồi dưỡng kỹ năng sống, năng lực giải quyết vấn đề trong thực tế đời sống của học sinh, sinh viên; có các hoạt động thiết thực hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên mang lại hiệu quả thiết thực, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
g) Đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
Có nhiều giải pháp sáng tạo giúp người học thay đổi tư duy, nhận thức về việc học tập suốt đời nhằm thúc đẩy nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người học được tham gia học tập bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và của địa phương; số lượt người học được duy trì và tăng lên hàng năm; tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, sáng tạo trong việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập.
3. Tiêu chí đánh giá
a) Đối với tập thể
Tổ chức thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả cao, thiết thực; thực sự là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi phát huy tối đa phẩm chất, năng lực cá nhân; khuyến khích được nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.
b) Đối với cá nhân
- Cán bộ quản lý
Tập thể được giao phụ trách phải là tập thể có phong trào thi đua đạt hiệu quả cao, thiết thực; có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động giáo dục được tập thể ghi nhận; đoàn kết, dân chủ, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương đổi mới giáo dục tới đồng nghiệp và cộng đồng xã hội.
- Nhà giáo
Có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong việc chăm sóc, giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ được tập thể ghi nhận; có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tích cực giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương đổi mới giáo dục tới đồng nghiệp và cộng đồng xã hội.
- Người lao động (nhân viên trường học)
Có giải pháp đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt hiệu quả thiết thực, được tập thể ghi nhận; có phẩm chất đạo đức tốt, tích cực giúp đỡ đồng nghiệp.
- Học sinh, sinh viên
Đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp; đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; có sáng kiến, sáng chế trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; vượt khó, vươn lên học giỏi; có hành động mưu trí, dũng cảm, hành vi, nghĩa cử cao đẹp; tham gia có hiệu quả các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện vì cộng đồng được cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền ghi nhận.
III. PHÁT HIỆN, LỰA CHỌN GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Định kỳ hàng quý, kết thúc học kỳ, kết thúc năm học, các cơ quan, đơn vị lựa chọn tập thể, cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; tổ chức thẩm định minh chứng, sản phẩm; biểu dương, khen thưởng kịp thời; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các báo, tạp chí, đài địa phương.
Tháng cuối cùng của mỗi quý, các cơ quan, đơn vị gửi các điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc nhất, kèm theo tóm tắt thành tích nổi bật, sản phẩm, minh chứng cụ thể về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) và Email: doimoisangtao@moet.edu.vn để lựa chọn tuyên truyền, khen thưởng, nhân rộng tạo sự lan tỏa trong phạm vi toàn ngành và cả nước.
2. Chủ động phát hiện gương người tốt, việc tốt (chú trọng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất trong việc thực hiện nhiệm vụ nhất là các tập thể, cá nhân ở những nơi khó khăn, nguy hiểm, ở vùng sâu, vùng xa; những hành động dũng cảm, người lao động trực tiếp) để Bộ trưởng khen thưởng kịp thời, tạo hiệu ứng tốt, tạo sự lan tỏa trong phạm vi toàn ngành và cả nước.
IV. TỔ CHỨC BIỂU DƯƠNG, TÔN VINH CÁC ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN, MÔ HÌNH MỚI, NHÂN TỐ MỚI TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Đối với cấp cơ sở (các cơ quan, đơn vị, trường học): Định kỳ hằng năm, tổ chức Hội nghị sơ kết, lựa chọn những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua để tôn vinh, khen thưởng. Ngoài khen thưởng của cơ quan, đơn vị, cần lựa chọn và đề nghị một số tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất để Bộ trưởng khen thưởng tại Hội nghị sơ kết, tôn vinh. Thời gian tổ chức Hội nghị sơ kết, tôn vinh, khen thưởng vào dịp tổng kết năm học hoặc 20/11. Hình thức tổ chức tôn vinh, khen thưởng do các cơ quan, đơn vị quyết định. Tổng kết phong trào thi đua Bộ sẽ có hướng dẫn riêng.
2. Đối với cấp Bộ: Định kỳ 02 năm tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào thi đua và tôn vinh những điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn từ các cơ quan, đơn vị. Thời gian vào dịp 20/11, cụ thể: Hội nghị sơ kết vào dịp 20/11/2018, Hội nghị tổng kết vào dịp 20/11/2020. Hình thức tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào và tôn vinh các tập thể, cá nhân, dự kiến được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cơ quan, đơn vị cơ sở
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua; cụ thể hóa nội dung thi đua, tiêu chí đánh giá phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cấp học, trình độ đào tạo, đảm bảo hiệu quả thiết thực; định kỳ hằng quý, kết thúc học kỳ, kết thúc năm học lựa chọn những tập thể, cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; tổ chức thẩm định minh chứng, sản phẩm để biểu dương, khen thưởng kịp thời; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các báo, tạp chí, đài địa phương, cơ quan, đơn vị; tổ chức sơ kết, tổng kết theo yêu cầu và kế hoạch của Bộ.
2. Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị cơ sở trong việc triển khai thực hiện phong trào thi đua; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Vụ Thi đua - Khen thưởng đánh giá, thẩm định minh chứng, sản phẩm đổi mới, sáng tạo; phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; tổ chức thực hiện phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị.
3. Vụ Thi đua - Khen thưởng
Là đơn vị thường trực, chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện phong trào thi đua chung toàn ngành; xét, khen thưởng hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền khen thưởng các điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc nhất, có nhiều minh chứng, sản phẩm đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; tham mưu tổ chức việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị cần báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) để được hướng dẫn, giúp đỡ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.