BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3276/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2011 |
Kính gửi: Bộ Công Thương
Thời gian qua, thực hiện Thông báo số 197/TB-BCT ngày 06/5/2011 về việc nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động (Thông báo 197), Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/05/2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống (Thông tư 20) và các công văn hướng dẫn của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh vướng mắc của một số đối tượng làm thủ tục nhập khẩu (bao gồm thương nhân, không phải thương nhân) và Cục Hải quan tỉnh, thành phố, cụ thể như sau:
I. NỘI DUNG VƯỚNG MẮC:
1. Vướng mắc về đối tượng không áp dụng (mục 1 công văn số 4640/BCT-XNK):
Tại mục 1 công văn số 4640/BCT-XNK ngày 27/05/2011 của Bộ Công Thương quy định đối tượng không áp dụng Thông báo 197 và Thông tư 20 nhưng không quy định rõ đối với các trường hợp sau:
- Hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu, chuyển cảng;
- Hàng hóa nhập khẩu kinh doanh bán hàng miễn thuế (theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế);
- Hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (hàng phi mậu dịch);
- Hành lý cá nhân, tài sản di chuyển của người nhập cảnh không mang theo người;
- Hàng hóa là mặt hàng điện thoại di động nhập khẩu để làm phương tiện, công cụ, mẫu nhằm phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm để sản xuất sản phẩm, sản xuất phần mềm ứng dụng xuất khẩu, phục vụ huấn luyện bảo hành, sửa chữa và không kinh doanh thương mại;
- Hàng hóa nhập khẩu vào khu kinh tế cửa khẩu, khu phi thuế quan;
- Hàng hóa nhập khẩu để phục vụ an ninh, quốc phòng.
2. Vướng mắc về thương nhân nhập khẩu (điểm b, mục 3 công văn số 4640/BCT-XNK):
Đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể nội dung điểm b, mục 3 công văn số 4640/BCT-XNK: đối với trường hợp thương nhân nhập khẩu hàng hóa do chính thương nhân đặt gia công, sản xuất ở nước ngoài thì thương nhân phải nộp cho cơ quan Hải quan 01 (một) hay đủ các giấy tờ sau: bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, văn bằng bảo hộ sáng chế, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, và các văn bằng, giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật để chứng minh thương nhân đó là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu hàng đó.
3. Vướng mắc khác:
a. Lô hàng là cụm linh kiện, phụ tùng, phụ kiện điện thoại di động như: mặt trước, mặt sau, thân máy, pin, cục sạc, tai nghe, bao đựng, hộp đựng… chia thành nhiều chuyến hàng, lô hàng để nhập khẩu có được nhập khẩu không?
b. Các mặt hàng rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động và xe ôtô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống theo quy định thương nhân đều phải gửi bộ chứng từ nhập khẩu để xin giấy phép nhập khẩu tự động theo quy định tại Thông tư số 24/2010/TT-BCT ngày 28/05/2010 của Bộ Công Thương. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà phân phối của chính hãng sản xuất được cơ quan Đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hợp pháp hóa Lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy phép nhập khẩu tự động.
c. Đối với lô hàng đến cửa khẩu nhập trước ngày Thông báo 197, Thông tư 20 có hiệu lực thi hành, nhưng thương nhân đăng ký tờ khai hải quan sau ngày có hiệu lực thi hành thì lô hàng có phải thực hiện theo các quy định Thông báo 197, Thông tư 20 không?
d. Đối với lô hàng đến cửa khẩu nhập sau ngày Thông báo 197, Thông tư 20 có hiệu lực thi hành, nhưng thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước ngày có hiệu lực thi hành (theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Luật Hải quan) thì lô hàng có phải thực hiện theo các quy định Thông báo 197, Thông tư 20 không?
II. KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN:
1. Để tránh hàng hóa bị ách tắc, tồn đọng tại cửa khẩu và kịp thời xử lý các vướng mắc, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương sớm hướng dẫn cụ thể các vướng mắc tại mục I nêu trên.
2. Riêng vướng mắc tại điểm 1, mục I nêu trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương bổ sung các đối tượng dưới đây là đối tượng không áp dụng tại điểm 1 công văn số 4640/BCT-XNK:
a. Hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu, chuyển cảng;
b. Hàng hóa nhập khẩu kinh doanh bán hàng miễn thuế theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
c. Hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (hàng phi mậu dịch) bao gồm:
c1. Quà biếu, tặng, hàng mẫu không thanh toán, hàng không có hợp đồng mua bán không quá 05 sản phẩm / mỗi loại sản phẩm và tổng trị giá các sản phẩm không vượt quá 5 triệu đồng Việt Nam / lô hàng;
c2. Hàng hóa của cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự, cơ quan Đại diện các Tổ chức quốc tế được hưởng ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam và các đối tượng được Nhà nước Việt Nam cho miễn thuế;
c3. Hành lý cá nhân của người nhập cảnh bao gồm hành lý xách tay, hành lý ký gửi cùng chuyến đi, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi theo định mức hành lý miễn thuế hoặc số lượng phù hợp phục vụ cho mục đích chuyến đi hoặc tổng trị giá không quá 5 triệu đồng Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/7/2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế;
c4. Tài sản di chuyển của cán bộ, chuyên gia, học sinh, lao động được cơ quan Nhà nước cử đi công tác, làm việc, làm chuyên gia, lao động ở nước ngoài hết thời hạn trở về nước, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương về Việt Nam sinh sống.
c5. Hàng hóa là mặt hàng điện thoại di động nhập khẩu để làm phương tiện, công cụ, mẫu nhằm phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm để sản xuất sản phẩm, sản xuất phần mềm ứng dụng xuất khẩu, phục vụ huấn luyện bảo hành, sửa chữa và không kinh doanh thương mại;
d. Hàng hóa nhập khẩu vào khu kinh tế cửa khẩu, khu phi thuế quan;
đ. Hàng hóa nhập khẩu để phục vụ an ninh, quốc phòng.
Tổng cục Hải quan trân trọng sự hợp tác của Quý Bộ./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.