BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3219/TCT-CS | Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2015 |
Kính gửi: | - Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam; |
Ngày 29/5/2015 Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1352/CT-KTT ngày 27/5/2015 của Cục Thuế tỉnh Yên Bái phản ánh về vướng mắc trong quản lý thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với đất, đá khai thác để xây dựng công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về thuế tài nguyên
- Tại điểm 1.6, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên và hướng dẫn thi hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thuế tài nguyên quy định về miễn, giảm thuế tài nguyên:
“1.6. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác đất và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều. Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất khai thác không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình; kể cả trường hợp đất đào lên từ khuôn viên đất được giao, được thuê bắt buộc phải xúc bỏ đi; nếu đưa đi trao đổi, bán thu tiền thì tổ chức, cá nhân khai thác phải kê khai nộp thuế tài nguyên theo quy định.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp tổ chức, cá nhân xây dựng công trình có khai thác đất trong công trình để san lấp xây dựng công trình thì đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tài nguyên trường hợp trong đất có lẫn cát, đá, sỏi và không xác định được cụ thể từng chất thì cát, đá, sỏi lẫn trong đất này được miễn thuế tài nguyên. Trường hợp nếu các đơn vị khai thác đất và thu được đá, sỏi và lượng đá, sỏi này có thể tách riêng được từng chất thì khối lượng đá, sỏi thu được này phải nộp thuế tài nguyên.
2. Về phí bảo vệ môi trường
- Căn cứ Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản:
+ Tại Điều 2 quy định đối tượng chịu phí:
“Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là: đá, Fenspat, sỏi, cát, đất, than, nước khoáng thiên nhiên, sa khoáng titan (ilmenit), các loại khoáng sản kim loại, quặng apatít, dầu thô và khí thiên nhiên”.
+ Tại Điều 3 quy định đối tượng nộp phí:
“Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các tổ chức, cá nhân khai thác các loại khoáng sản quy định tại Điều 2 Nghị định này”.
- Căn cứ Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định:
+ Tại Điều quy định đối tượng chịu phí:
“Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại.”
+ Tại Điều 3 quy định người nộp phí:
“Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các tổ chức, cá nhân khai thác các loại khoáng sản quy định tại Điều 2 Nghị định này.”
+ Tại Khoản 3, Điều 4 quy định mức phí:
“3. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này.”
- Tại Điều 3, Thông tư số 158/2011/TT-BTC ngày 16/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định:
“Điều 3. Khai thác khoáng sản tận thu
1. Cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản tận thu phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu. Mức thu phí đối với khai thác khoáng sản tận thu theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 74/2011/NĐ-CP .
2. Những trường hợp sau đây được áp dụng mức thu phí đối với khai thác khoáng sản tận thu:
a) Hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ;
b) Hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản (ví dụ thu được cát trong quá trình nạo vét lòng sông, thu được đá trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện hoặc xây dựng các trường bắn);
Các trường hợp khác không thuộc quy định tại điểm a) và b) khoản 2 Điều này thì không được áp dụng theo mức phí đối với khai thác khoáng sản tận thu.
3. Cách tính phí đối với khai thác khoáng sản tận thu được thực hiện theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.
Căn cứ các quy định nêu, trường hợp các đơn vị nhận thầu thi công xây dựng công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khai thác đất trên diện tích đất được giao để sử dụng san lấp cho công trình thì các đơn vị này phải kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản như sau:
- Trước ngày 1/1/2012 thực hiện kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 63/2008/NĐ-CP và Thông tư số 67/2008/TT-BTC ;
- Kể từ ngày 1/1/2012 thực hiện kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 158/2011/TT-BTC nêu trên.
3. Về tình hình triển khai thực hiện thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường tại các địa phương
Theo phản ánh của các Cục Thuế tỉnh Lào Cai, Cục Thuế tỉnh Yên Bái, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ thì hiện nay các đơn vị nhận thầu thi công công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như Công ty Keangnam Enterprise; Công ty TNHH xây dựng và Công nghiệp nặng Doosan; Công ty POSCO E&C.,Ltd Hàn Quốc ... vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với nhà nước vì theo công văn số 73/EPMUNBLC-KT ngày 30/1/2015 và công văn số 206/EPMUNBLC-KT ngày 19/3/2015 của Ban quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai trả lời các nhà thầu “Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nằm trong danh sách các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng và cần thiết đến năm 2020. Tất cả phạm vi sử dụng để xây dựng dự án đã được đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định, được Chính phủ phê duyệt, chính quyền tỉnh và thành phố bàn giao cho chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng để thi công dự án. Trong quá trình thực hiện, việc san lấp mặt bằng sử dụng đất và thu hồi đất, đá trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án (thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư) không phải là khai thác khoáng sản.
Đối với khối lượng đất đá khai thác ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án, Ban quản lý dự án Nội Bài Lào Cai yêu cầu các nhà thầu kê khai đầy đủ để thực hiện các nghĩa vụ theo các quy định hiện hành”
Để thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Tổng cục Thuế đề nghị:
- Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có văn bản yêu cầu các nhà thầu thuộc dự án khẩn trương thực hiện kê khai và nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường còn nợ tại các Cục Thuế địa phương, đồng thời bãi bỏ các văn bản đã trả lời nhà thầu về thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trong phạm vi dự án trái với quy định của pháp luật.
- Cục Thuế: tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái, tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm tra, thanh tra đối với các nhà thầu về sản lượng tài nguyên khai thác, sản lượng nào thuộc đối tượng được miễn thuế tài nguyên, sản lượng nào không được miễn thuế tài nguyên và số phí bảo vệ môi trường phải nộp. Trường hợp sản lượng tài nguyên mà các nhà thầu khai thác trong công trình nhưng không được thụ hưởng mà Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thụ hưởng thì có văn bản báo cáo Tổng cục Thuế.
Tổng cục Thuế thông báo để các đơn vị được biết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.