BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3197/BNN-TCLN | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2010 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được văn bản số 2568/UBND-CN ngày 27/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk về việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng - dự án thủy điện Krông Nô 2; hồ sơ kèm theo bao gồm:
- Quyết định số 2889/QĐ-BCT ngày 16/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch bậc thang thủy điện trên nhánh sông Krông Nô thuộc hệ thống sông Srêpôk;
- Văn bản số 5304/VPCP-KTN ngày 13/8/2008 của Văn phòng Chính phủ về việc cho phép Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Trung Nam là Chủ đầu tư các dự án thủy điện Krông Nô 2 và 3 được áp dụng quy chế đặc thù;
- Văn bản số 3929/UBND-CN ngày 02/10/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk về việc thỏa thuận địa điểm xây dựng dự án thủy điện Krông Nô 2; Văn bản số 8466/UBND ngày 20/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc thỏa thuận địa điểm cho công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư xây dựng dự án thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3;
- Thông báo kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk số 261/TB-UBND ngày 13/10/2009 về đầu tư xây dựng thủy điện Krông Nô 2 và một số hồ sơ tài liệu khác của tỉnh.
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường khu vực đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng và làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể như sau:
Việc xây dựng nhà máy thủy điện Krông Nô 2 là phù hợp với Quy hoạch bậc thang thủy điện trên nhánh sông Krông Nô thuộc hệ thống sông Srêpôk tại Quyết định số 2889/QĐ-BCT ngày 16/5/2008 của Bộ Công thương phê duyệt. Nhà máy có diện tích lưu vực tính đến tuyến đập Flv = 880 km2, mực nước dâng bình thường MNDBT = 600m, mực nước hạ lưu nhà máy MNHL = 550m, cột nước tính toán Htt = 54m và công suất lắp máy Nlm = 18MW. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk tại văn bản số 2568/UBND-CN ngày 27/5/2010 về việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng - dự án thủy điện Krông Nô 2 và các báo cáo hồ sơ liên quan, hiện trạng rừng khu vực dự kiến bị ngập sau khi điều chỉnh quy mô công suất dự án thủy điện Krông Nô 2 từ 18MW lên 30MW (tương ứng với cao trình 625m) là 37,1ha rừng (tại tiểu khu 1418 và tiểu khu 1419 thuộc phân khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Chư Yang Sin); phần diện tích này tiếp giáp với rừng phòng hộ Đa Nhim thuộc tỉnh Lâm Đồng. Trạng thái rừng bao gồm các loại kiểu thảm thực vật cụ thể như sau: rừng lồ ô tre nứa xen cây gỗ tái sinh rải rác có diện tích là 6,5ha; rừng nghèo kiệt lá rộng thường xanh có diện tích là 30,6ha. Về khu hệ động vật rừng có xuất hiện dấu vết của 15 loài thú; tuy nhiên, toàn bộ phần diện tích đất lâm nghiệp nêu trên không có loài quý hiếm (nhóm IA, IB) theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy việc xin chuyển mục đích sử dụng 37,1 ha rừng tại Tiểu khu 1418 và Tiểu khu 1419 thuộc phân khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Chư Yang Sin như đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk tại văn bản số 2568/UBND-CN ngày 27/5/2010 là hợp lý. Dự án đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho phép Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam Krông Nô là Chủ đầu tư và được áp dụng quy chế đặc thù tại văn bản số 5304/VPCP-KTN ngày 13/8/2008 của Văn phòng Chính phủ. Dự án đầu tư và phương án đền bù giải phóng mặt bằng trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Tuy nhiên dự án chưa hoàn thành việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định hiện hành của nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.