BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3176/BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2012 |
Kính gửi: Bộ Công Thương.
Phúc đáp công văn số 7926/BCT-HTQT ngày 27 tháng 8 năm 2012 của Quý Bộ đề nghị thông báo kết quả triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nêu trong Biên bản cuộc họp hai đồng Chủ tịch Việt - Nga ký tại Hà Nội ngày 21 tháng 11 năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
I. KẾT QUẢ HỢP TÁC ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC
1. Theo thỏa thuận đã được ghi trong Nghị định thư bổ sung cho Nghị định thư giữa Việt Nam và Liên bang Nga về thể thức tái đầu tư một phần nợ thuộc khoản tín dụng Nhà nước trước đây do Liên xô cũ cung cấp để làm phần góp vốn của phía Nga trong xí nghiệp Liên doanh Việt - Nga “Visorutex” ngày 26/5/1995 (Nghị định thư bổ sung), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là đơn vị được ủy quyền thực hiện Nghị định thư bổ sung.
2. Tại Phiên họp lần thứ 6 Tiểu ban thương mại và đầu tư thuộc Ủy ban Liên chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật tại Hà Nội ngày 27 - 29/8/2012, Tiểu ban nhất trí đề nghị hai đối tác trong Liên doanh là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) và Cơ quan Quản lý Công sản Liên bang Nga sớm đàm phán để thống nhất về các vấn đề: Tiến hành kiểm kê, đánh giá, thanh lý tài sản và giải quyết các vấn đề tài chính của công ty liên doanh; Bàn giao mặt bằng của công ty liên doanh trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cho UBND Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết cho đối tác mới phía Việt Nam và xin cấp giấy phép hoạt động của công ty liên doanh theo pháp luật Việt Nam.
3. Thực hiện Nghị quyết Khóa họp lần thứ 4 của Ủy ban hỗn hợp nghề cá Việt - Nga, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổng cục Nghề cá Liên bang Nga tổ chức Hội thảo Việt - Nga về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản vào ngày 24 - 25/5/2012 tại Nha Trang. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học Thủy sản của Việt Nam và Nga. Hai bên thảo luận và nhất trí thúc đẩy các vấn đề về hợp tác khoa học - công nghệ, gồm i) Nuôi trồng thủy sản, ii) Nghiên cứu nguồn lợi thủy sản, iii) Công nghệ sau thu hoạch, iv) Nghiên cứu đa dạng sinh học các loài cá nước ngọt đồng bằng sông Mê Công và hệ thống các đảo, v) Công nghệ nuôi khép kín cá hồi, cá tầm, v.v...
4. Tháng 6 năm 2012, nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Kazan, Nga, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có buổi làm việc song phương với Bộ trưởng nông nghiệp Liên bang Nga Nikolai Fedorov. Hai Bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác về khoa học nông, lâm nghiệp, đào tạo cán bộ nông, lâm, thủy sản. Phía Nga sẵn sàng cung cấp học bổng cho các cán bộ kỹ thuật nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang học tập tại các Trường đại học, các Viện nghiên về nông lâm, thủy sản của Nga. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác về thương mại nông, lâm thủy sản và đầu tư. Phía Nga mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư nông, lâm, thủy sản tại Vùng viễn Đông của Nga. Tiếp theo kết quả làm việc của hai Bộ trưởng, Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga đã được ký nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức LB Nga trong tháng 7 năm 2012.
II. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT
1. Khó khăn, vướng mắc:
Việc chuyển giao phần vốn của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam trong Liên doanh Thủy sản Việt - Nga Seaprimfico cho đối tác mới phía Việt Nam vẫn chưa được giải quyết xong do các nguyên nhân sau:
- Đối tác Nga trong Liên doanh đề nghị đối tác Việt Nam làm thủ tục gia hạn hoạt động của Liên doanh. Tuy nhiên, theo Giấy phép đầu tư số 10/KTĐN-GPĐT ngày 03/6/1988 do Bộ Kinh tế đối ngoại (cũ) cấp, thời hạn của Liên doanh là 05 năm, đã được gia hạn 3 lần và lần cuối thời hạn đến ngày 31/5/2007, không gia hạn thêm vì trái với chủ trương chung của Thành phố về di dời, giải phóng mặt bằng khu quy hoạch xây dựng Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm. Việc xin giấy phép hoạt động của Liên doanh sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sau khi các Bên Liên doanh thỏa thuận, thống nhất bàn giao mặt bằng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và hoàn tất việc chuyển giao cổ phần của Seaprodex trong Liên doanh cho đối tác mới.
- Phía Nga chưa đồng ý di dời Nhà máy của Liên doanh nằm trong khu giải phóng mặt bằng Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 vì cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng. Do đó, mặc dù Hội đồng bồi thường Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã thông qua phương án bồi thường, hỗ trợ di dời Liên doanh Seaprimfico (Phương án số 138/PA-HĐBT ngày 06/6/2011), nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định đươc đối tượng sẽ nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ di dời. Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản tạm giữ tại ngân hàng do Ban bồi thường GPMB quận 2 đứng tên.
- Vấn đề tài sản và tài chính của Liên doanh vẫn chưa được thống nhất. Tại Khóa họp 30 Hội đồng quản trị Liên doanh Thủy sản Seaprimfico vào ngày 05/4/2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai Bên nhất trí thuê kiểm toán độc lập tiến hành đánh giá toàn bộ tài sản của Liên doanh, làm cơ sở để tổ chức bán đấu giá và thanh lý tài sản của Liên doanh. Phía Nga xác nhận đối tác Nga trước đây đã rút 01 con tàu có giá trị tương đương 1,128 triệu USD là phần vốn góp của phía Nga trong Liên doanh. Hội đồng quản trị phía Việt Nam nhiều lần đề nghị phía Nga thực hiện kết luận của Khóa họp 30. Tuy nhiên, phía Nga không có ý kiến trả lời về đề nghị này.
2. Hướng giải quyết:
Theo Biên bản Phiên họp lần thứ 6 Tiểu ban thương mại và đầu tư thuộc Ủy ban Liên chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật tại Hà Nội ngày 27 - 29/9/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng công ty Thủy sản Việt Nam tiến hành đàm phán với đối tác Nga theo hướng như sau:
- Kiểm kê, đánh giá, thanh lý tài sản và giải quyết các vấn đề tài chính;
- Bàn giao mặt bằng của Liên doanh tại Quận 2 theo chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh
- Chuyển Liên doanh Thủy sản Việt - Nga thành Công ty cổ phần Seaprimfico, có sự tham gia của 3 bên là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Cơ quan quản lý công sản Liên bang Nga và một đối tác khác của Việt Nam.
III. PHƯƠNG HƯỚNG HỢP TÁC TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Thúc đẩy thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp theo các hướng: Kiểm dịch và bảo vệ thực vật; Thú y và kiểm dịch động vật; Nghiên cứu khoa học; Đào tạo chuyên gia về các chuyên ngành nông nghiệp, hỗ trợ phát triển thương mại về sản phẩm nông nghiệp; Cải tạo đất, sử dụng phân bón, bảo vệ đất trồng; Trao đổi các nguồn giống các động vật thuần chủng, chọn lọc, chăn nuôi và phòng ngừa bệnh cho động vật; Chế tạo máy và thiết bị nông nghiệp.
2. Thúc đẩy thực hiện Nghị quyết Khóa họp lần thứ 4 của Ủy ban Hỗn hợp nghề cá Việt - Nga, cụ thể:
- Khôi phục cơ chế hợp tác nghề cá Việt - Nga: Ủy ban Hỗn hợp nghề cá Việt - Nga được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nghề cá ký ngày 16/6/1994, theo đó, Bộ Thủy sản (cũ) là cơ quan đại diện phía Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán với phía Nga về hình thức Tiểu ban về hợp tác nghề cá Việt - Nga trực thuộc Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật thay thế cho hình thức Ủy ban Hỗn hợp nghề cá trước đây.
- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản và công nghệ sau thu hoạch.
Trên đây là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Quý Bộ tổng hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.