BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3116/TCT-DNL | Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2010 |
Kính gửi: Công ty Liên doanh Bảo hiểm Quốc tế Việt Nam
(Địa chỉ: Tầng 6, Toà nhà mặt trời Sông Hồng, 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Trả lời câu hỏi của Công ty Liên doanh Bảo hiểm Quốc tế Việt Nam theo Phiếu đăng ký vướng mắc về thuế tại Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm ngày 7/6/2010, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
I. Những vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế:
1. Câu hỏi: Thông tư số 111/2005/TT-BTC ngày 13/12/2005 có còn hiệu lực không? Thông tư này được xây dựng dựa trên các quy định đã không còn hiệu lực như thông tư về thuế GTGT... Tuy nhiên, một số các công văn trả lời từ Cục thuế và Tổng cục Thuế vẫn căn cứ trên Thông tư này.
Trả lời:
Thông tư số 111/2005/TT-BTC ngày 13/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNDN đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có một số nội dung không phù hợp với hướng dẫn về thuế GTGT được quy định tại Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thuế GTGT.
Căn cứ tại Điểm 3 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 3, số 17/2008/QH12 ngày 3/6/2008: "Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau". Do vậy, cơ quan Thuế áp dụng các văn bản theo nguyên tắc trên.
2. Về chính sách thuế GTGT:
2.1. Câu hỏi: Hiện nay quy định về cấp hóa đơn phí bảo hiểm của Công ty Follower không rõ ràng. Theo Thông tư 111/2005/TT-BTC (Điểm 7.2.3 phần II) thì Công ty Follower cấp hóa đơn lại cho công ty Leader là hóa đơn không có thuế nhưng theo Công văn số 362/TCT-KK thì hóa đơn này lại có thuế.
Công ty Leader khi nhận hoá đơn của Công ty Follower sẽ kê khai vào đâu?
(Dịch vụ đồng bảo hiểm là dịch vụ có từ 2 công ty bảo hiểm gốc trở lên cùng cung cấp dịch vụ bảo hiểm theo tỉ lệ thỏa thuận, trong đó có 1 công ty bảo hiểm gốc đứng đầu (thuật ngữ bảo hiểm gọi là Leader) và 1 hay nhiều Công ty bảo hiểm khác tham gia theo (thuật ngữ bảo hiểm gọi là Follower).
Trả lời:
Tại Điểm 1, Mục IV, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thuế GTGT quy định:
"Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ phải sử dụng hoá đơn GTGT. Khi lập hoá đơn, cơ sở kinh doanh phải ghi đầy đủ, đúng các yếu tố quy định trên hoá đơn. Đối với hoá đơn GTGT phải ghi rõ giá bán chưa có thuế GTGT, phụ thu và phí tính ngoài giá bán (nếu có), thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế; nếu không ghi tách riêng giá bán chưa có thuế và thuế GTGT, chỉ ghi chung giá thanh toán thì thuế GTGT đầu ra phải tính trên giá thanh toán, trừ trường hợp sử dụng chứng từ đặc thù".
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, khi công ty Follower nhận được tiền phí bảo hiểm từ Công ty Leader thì Công ty Follower phải lập và giao hoá đơn GTGT ghi đầy đủ, đúng các yếu tố quy định trên hoá đơn (có tính thuế GTGT).
Hoá đơn GTGT này là căn cứ để Công ty Leader và các Công ty Follower hạch toán doanh thu, chi phí và kê khai thuế GTGT đầu vào, đầu ra theo quy định
2.2. Câu hỏi: Hiện nay Cục thuế TP.HCM yêu cầu Công ty chúng tôi áp dụng thuế suất 10% đối với Khoản phí quản lý đơn bảo hiểm (các công ty follower phải trả cho công ty leader một Khoản chi phí hành chính cho việc cấp đơn bảo hiểm). Tuy nhiên, theo Công ty thì đây cũng là Khoản doanh thu liên quan đến doanh thu bảo hiểm gốc đã tính thuế VAT nên không thể tính thêm 10% thuế GTGT một lần nữa.
Trả lời:
Căn cứ tại Điểm 3 Mục II, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC nêu trên hướng dẫn:
"Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Mục II, Phần A; Điểm 1,2 Mục II, Phần B Thông tư này" .
Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, khi Công ty nhận được Khoản phí quản lý đơn bảo hiểm từ các Công ty Follower thì Công ty phải xuất hoá đơn GTGT và tính thuế GTGT với thuế suất là 10% đối với Khoản phí này.
2.3. Câu hỏi: Theo quy định của Thông tư 111, Công ty Leader phải xuất hóa đơn cho các Công ty Follower Khoản Bồi thường thu lại nhưng không quy định việc kê khai hóa đơn này như thế nào?
Công ty kiến nghị: Bảo hiểm là ngành đặc thù, hồ sơ bồi thường thường không có hóa đơn đầu vào, đồng thời Khoản thu lại từ các Công ty Follower được hạch toán là Khoản thu giảm chi chứ không phải là doanh thu và Khoản bồi thường này không phải xuất hoá đơn.
Trả lời:
Căn cứ Điểm 1 Mục IV, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC đã trích dẫn tại Điểm 2.1 nêu trên khi Công ty Leader nhận được Khoản bồi thường thu lại từ Công ty Follower thì Công ty Leader phải lập và giao hoá đơn GTGT ghi đầy đủ đúng các yếu tố quy định trên hoá đơn (có tính thuế GTGT) cho Công ty Follower.
Hoá đơn GTGT này là căn cứ để Công ty Leader và các Công ty Follower hạch toán doanh thu, chi phí và kê khai thuế GTGT đầu vào, đầu ra theo quy định.
2.4. Câu hỏi: Theo Thông tư 111 thì hoa hồng tái bảo hiểm thuộc các Khoản thu đã tính thuế GTGT ở khâu bảo hiểm gốc. Hiện nay quy định việc kê khai phần doanh thu này không rõ ràng. Theo Điểm b, Mục 6. 1 phần II, Thông tư 111 đây là Khoản doanh thu không cấp hóa đơn. Khi kê khai doanh thu để tính tỉ lệ khấu trừ thuế đầu vào, phần doanh thu này của Công ty đã bị cơ quan thuế tính hoàn toàn là doanh thu không chịu thuế.
Công ty kiến nghị: Trong thực tế, hoa hồng tái bảo hiểm có liên quan không chỉ các dịch vụ chịu thuế mà cả các dịch vụ không chịu thuế nữa. Vì vậy, phần doanh thu này cần được tách biệt tương ứng với từng dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế để doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào tương ứng.
Trả lời:
Tại Điểm 7 Mục II, Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn đối tượng không chịu thuế gồm:
"...
Tái bảo hiểm".
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, tái bảo hiểm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, không phân biệt tái bảo hiểm của hoạt động bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hay tái bảo hiểm của hoạt động bảo hiểm không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
2.5. Câu hỏi: Khi hoàn phí bảo hiểm cho khách hàng thì cấp hoá đơn và kê khai như thế nào? Hiện nay quy định theo Thông tư 111 và Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 không thống nhất.
Công ty kiến nghị: Nên quy định thống nhất cho hai trường hợp:
- Nếu khách hàng là tổ chức không được cấp hóa đơn và cá nhân không có hóa đơn thì lập Biên bản Điều chỉnh, và kê khai âm trên bảng kê đầu ra.
- Nếu khách hàng là tổ chức thì phải cấp lại hóa đơn cho Công ty bảo hiểm và Công ty bảo hiểm cũng kê khai âm trên bảng kê đầu ra.
Vì trên thực tế thì phần hoàn phí được hạch toán giảm doanh thu. Vậy nên kê khai âm trên bảng kê đầu ra để Công ty bảo hiểm có thể Điều chỉnh được tỉ lệ phân bổ thuế đầu vào tương ứng.
Trả lời:
Tại Điểm 2.8, Mục IV phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC nêu trên quy định:
"Cơ sở kinh doanh mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT. Hoá đơn này là căn cứ để bên bán Điều chỉnh doanh số bán, số thuế GTGT đầu ra; bên mua Điều chỉnh doanh số mua, số thuế GTGT đầu vào.
Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản hoặc thoả thuận bằng văn bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng kèm theo hoá đơn gửi cho bên bán. Biên bản này được lưu giữ cùng với hoá đơn bán hàng để làm căn cứ Điều chỉnh kê khai doanh số bán, thuế GTGT của bên bán
Trường hợp người bán đã xuất hàng và lập hoá đơn, người mua chưa nhận hàng nhưng phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải hoàn trả lại toàn bộ hàng hoá, hoặc một phần hàng hóa, khi trả lại hàng bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị chưa có thuế GTGT, tiền thuế GTGT lý do trả hàng theo hoá đơn bán hàng (số, ký hiệu, ngày tháng của hoá đơn) đồng thời kèm theo hoá đơn để gửi trả bên bán để bên bán lập lại hóa đơn GTGT cho số lượng hàng hóa đã nhận và làm căn cứ bên bán Điều chỉnh doanh số bán và thuế GTGT đầu ra".
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, khi hoàn trả phí bảo hiểm Công ty yêu cầu bên được bảo hiểm lập hoá đơn GTGT, trên hoá đơn ghi rõ số tiền phí bảo hiểm mà Công ty đã hoàn trả, tiền thuế GTGT, lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Hoá đơn này là căn cứ để Công ty Điều chỉnh doanh số bán, số thuế GTGT đầu ra.
Đối với trường hợp bên được bảo hiểm là đối tượng không có hoá đơn thì Công ty và bên được bảo hiểm lập biên bản hoặc thoả thuận bằng văn bản ghi rõ số tiền phí bảo hiểm đã hoàn trả theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn thu phí bảo hiểm mà công ty đã cấp khi thu phí bảo hiểm số, ký hiệu, ngày tháng của hoá đơn lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Công ty lưu giữ Biên bản này cùng với hoá đơn thu phí để làm căn cứ Điều chỉnh kê khai doanh số bán, thuế GTGT.
2.6. Câu hỏi: Thuế GTGT đầu vào của Khoản thuê nhà cho quản lý và chuyên gia nước ngoài: Theo Luật thuế GTGT thì doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào của hàng hóa dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh. Theo hướng dẫn của Công văn số 1592/TCT ngày 25/4/2007 thì doanh nghiệp được khấu trừ, Nhưng theo công văn 3086/TCT ngày 3/8/2007 thì không được khấu trừ.
Công ty kiến nghị:
Khoản chi phí thuê nhà cho cán bộ quản lý và chuyên gia nước ngoài không thể được coi là tiêu dùng cá nhân vì đây là Điều kiện lao động tối thiểu cho họ làm việc tại Việt Nam, vì vậy Khoản thuế đầu vào của phần chi phí này phải được khấu trừ tương ứng.
Trả lời:
Về vấn đề này, đề nghị Công ty thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2696/TCT-CS ngày 22/7/2010 của Tổng cục Thuế hướng dẫn khấu trừ thuế GTGT đối với tiền thuê nhà cho chuyên gia nước ngoài (Bản photocopy đính kèm).
3. Về chính sách thuế TNDN:
Câu hỏi: Các Khoản chi có giá trị dưới 200,000đ mà không có Hoá đơn GTGT hoặc Hoá đơn bán hàng thông thường thì có được coi là chi phí hợp lý hay không?
Công ty kiến nghị:
Theo quy định các Khoản doanh thu dưới 200.000 đ thì không phải cấp hóa đơn, vì vậy khi đi mua hàng hóa có giá trị dưới 200.000 đ không thể yêu cầu nhà cung cấp cấp hóa đơn.
Trả lời:
Tại Điểm 1.4 Mục VI, Phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính quy định:
"Trường hợp bán lẻ hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng có giá trị dưới 100.000 đồng mỗi lần thu tiền nếu người mua không yêu cầu lập và giao hoá đơn. Nếu người mua hàng yêu cầu giao hoá đơn thì người bán hàng vẫn phải lập và giao hoá đơn theo đúng quy định. Hàng hoá bán lẻ cho người tiêu dùng có giá trị dưới mức quy định tuy không phải lập hoá đơn nhưng phải lập bảng kê bán lẻ hàng hoá, dịch vụ theo quy định:
Tại Điểm 1 Mục IV, Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định:
"Trừ các Khoản chi nêu tại Khoản 2 Mục này, doanh nghiệp được trừ mọi Khoản chi nếu đáp ứng đủ các Điều kiện sau:
1.1. Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
1.2. Khoản chi có đủ hoá đơn chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật".
Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, khi Công ty mua hàng có giá trị dưới 200.000 đồng vẫn phải yêu cầu người bán lập và giao hoá đơn theo đúng quy định để làm cơ sở hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán và kê khai các loại thuế. Đồng thời, các Khoản chi phải đáp ứng đủ các Điều kiện tại Điểm 1 Mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính nêu trên thì mới được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
4. Thuế nhà thầu của dịch vụ tái bảo hiểm:
Câu hỏi: Về thủ tục nộp hồ sơ miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần: Tháng 9 năm 2009, Công ty chuyển trụ sở từ Thành phố HCM ra Hà Nội. Tuy nhiên trong năm 2009, các Công ty nhận tái bảo hiểm chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ miễn giảm thuế nhà thầu. Vậy, nay nếu các Công ty nhận tái bảo hiểm hoàn tất được các hồ sơ này thì Công ty sẽ nộp tại Cục Thuế Hà Nội hay Cục Thuế Hồ Chí Minh?
Trả lời:
Tại Điểm 2.2 Khoản 2, Mục II, Phần II, Thông tư 85/2007/TT-BTC ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế quy định:
"Trường hợp chuyển địa Điểm kinh doanh giữa các tỉnh:
Tại nơi người nộp thuế chuyển đi:
...
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kê khai chuyển địa Điểm của người nộp thuế, cơ quan Thuế nơi người nộp thuế chuyển đi thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký thuế và phải lập thông báo tình hình nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu 09-MST để gửi 01 bản cho người nộp thuế và 01 bản cho cơ quan Thuế nơi người nộp thuế chuyển đến.
Tại nơi người nộp thuế chuyển đến: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được cấp đổi Giấy phép kinh doanh theo địa chỉ mới, người nộp thuế phải đăng ký thuế tại cơ quan Thuế nơi chuyển đến...
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký thuế đầy đủ, chính xác, cơ quan Thuế phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho người nộp thuế và giữ nguyên mã số thuế mà người nộp thuế đã được cấp trước đó"
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty chuyển địa Điểm kinh doanh từ TP.HCM ra Hà Nội, Công ty đã thực hiện kê khai việc chuyển địa Điểm với Cục Thuế TP.HCM và đã nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế theo quy định Đồng thời, Công ty đã thực hiện đăng ký thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội và được Cục Thuế TP Hà Nội cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế thì Công ty thuộc diện quản lý của Cục Thuế TP Hà Nội. Do đó, Công ty thực hiện nghĩa vụ thuế và các thủ tục liên quan đến quản lý thuế tại Cục Thuế TP.Hà Nội.
II. Về kiến nghị của Công ty:
Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến của Công ty và sẽ nghiên cứu đề xuất khi xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 111/2005/TT-BTC ngày 13/12/2005 của Bộ Tài chính.
Về thủ tục miễn giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với thu nhập từ tái bảo hiểm: Hiện nay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu và sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực này.
Tổng cục Thuế trả lời để Công ty Liên doanh Bảo hiểm Quốc tế Việt Nam được biết./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.