ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3109/UBND-GT | Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2010 |
Kính gửi: | - Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an Thành phố, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; |
Để chủ động trong công tác tiêu thoát nước đô thị trong mùa mưa năm 2010, UBND Thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, thị xã Sơn Tây và các đơn vị liên quan như sau:
1. Sở Xây dựng:
- Triển khai Kế hoạch thoát nước mùa mưa năm 2010 trên địa bàn Thành phố với các giải pháp thiết thực, cụ thể và phân công trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và tổ chức thực hiện cụ thể đến các cá nhân, đơn vị có liên quan.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan xây dựng phương án thoát nước tổng thể, các phương án thoát nước cục bộ khi có xảy ra mưa lớn với cường độ tương tự như đợt tháng 11/2008; kết hợp giữa tiêu thoát nước đô thị và tiêu thoát nước nông nghiệp, đảm bảo tiêu thoát nhanh khu vực đô thị.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, nạo vét toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước, các cống, mương, sông thoát nước, hoàn thành trước ngày 20/5/2010. Kiểm tra công tác vận hành và đảm bảo an toàn cho cụm trạm bơm Yên Sở, các trạm bơm cục bộ khác; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị, sẵn sàng hoạt động với 100% công suất toàn bộ các tổ máy. Chuẩn bị các dàn xe bơm hút cơ động và cơ số máy bơm di động để giải quyết khi xảy ra úng ngập cục bộ. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo dưỡng các trạm bơm nông nghiệp để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các trạm bơm và hệ thống kênh mương nông nghiệp khi sử dụng vào tiêu thoát nước đô thị.
- Chủ trì làm việc với Công ty Điện lực Hà Nội để có phương án đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm và phục vụ cho việc đóng, mở các van cửa đập điều tiết mức nước v.v…. và có giải pháp dự phòng cấp điện khi xảy ra sự cố.
- Tổ chức kiểm tra các công trình thi công có ảnh hưởng tới hệ thống tiêu thoát nước đô thị, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công thu dọn vật tư, thiết bị làm ảnh hưởng tới dòng chảy, khơi thông dòng chảy trước ngày 20/5/2010 và chuẩn bị các phương án, nhân lực, vật tư, thiết bị để sẵn sàng phá dỡ các đập quây, đập chặn bảo đảm dòng chảy khi mưa lớn xảy ra.
- Tổ chức họp giao ban hàng tuần với các đơn vị quản lý chuyên ngành để kiểm điểm tình hình thực hiện Kế hoạch thoát nước, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.
2. Sở Giao thông vận tải:
- Phối hợp với Công an Thành phố, các quận, huyện, thị xã Sơn Tây xây dựng phương án phân luồng, tổ chức hướng dẫn giao thông và thông tin cảnh báo, hướng dẫn giao thông trong trường hợp mưa gây úng ngập và các điểm, các khu vực, tuyến đường giao thông có nguy cơ bị úng ngập khi mưa, bão, lũ xảy ra.
- Có phương án bố trí, huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị để hỗ trợ, phục vụ giao thông, đi lại của nhân dân tại các khu vực, các tuyến đường giao thông quan trọng khi bị úng ngập.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông tăng cường kiểm tra, có kế hoạch kịp thời khắc phục mặt đường bị hư hỏng sau úng ngập.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các đơn vị để cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ phòng chống úng ngập và thực hiện các phương án tiêu thoát nước, chống úng ngập đô thị bảo đảm hiệu quả, kịp thời.
4. UBND các quận và thị xã Sơn Tây:
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng và phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an Thành phố và các đơn vị chuyên ngành thoát nước kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm sông mương, làm cản trở dòng chảy và phối hợp thực hiện các giải pháp giải quyết úng ngập trên địa bàn.
- Có phương án cụ thể đảm bảo trật tự trị an, trật tự giao thông và ứng cứu trên địa bàn khi có úng ngập xẩy ra.
5. Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội, các đơn vị quản lý vệ sinh môi trường đô thị:
- Chủ động kiểm tra hệ thống thiết bị, điện lực, hệ thống mương vào, ra, cống qua đê, vật tư, vật liệu… để đảm bảo hoạt động an toàn tuyệt đối cho Trạm bơm đầu mối Yên Sở, máy móc, thiết bị, vật tư… của đập Thanh Liệt và các trạm bơm tiêu thoát nước khác, bảo đảm vận hành, hoạt động bình thường trong mọi tình huống.
- Xây dựng phương án tiêu thoát nước kịp thời, chủ động, hiệu quả trong trường hợp xảy ra mưa úng, lũ lụt quy mô lớn, trên diện rộng.
- Triển khai kế hoạch nạo vét hệ thống cống, mương, sông thoát nước, giải tỏa, thu dọn rác thải, chất thải trên các sông, mương tiêu thoát nước, chống đổ đất, rác, phế thải vào hệ thống thoát nước, đảm bảo dòng chảy thông thoáng.
- Tổ chức kiểm tra, duy trì mực nước các hồ điều hòa theo quy định. Phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông để thống nhất mực nước hồ, kênh tiêu trong điều kiện mưa lũ.
- Thường xuyên kiểm tra, không để thiếu các nắp ga, đan rãnh thoát và đặt các biển cảnh báo, lan can chắn tại các điểm, khu vực thường xuyên bị úng ngập gần mương, sông, cửa cống thoát nước, cửa xả… để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện đi lại.
- Bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị thường trực kiểm tra, theo dõi tình hình mưa bão, lũ lụt để kịp thời đề xuất, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý tiêu thoát phù hợp.
- Đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án liên quan đến xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc có phương án đảm bảo tiêu thoát nước, không làm ảnh hưởng đến dòng chảy, bảo đảm tiêu thoát nhanh nhất. Kiểm tra, giải tỏa các điểm lấn chiếm sông, mương thoát nước, cản trở dòng chảy, tháo dỡ các đăng, đó tại các cửa, miệng xả. Kịp thời, chủ động điều chỉnh mực nước các hồ điều hòa theo quy định.
- Các đơn vị chuyên ngành vệ sinh môi trường thường xuyên thu dọn kịp thời trong ngày lượng đất, rác, phế thải trên các tuyến đường, phố, khu dân cư, đặc biệt là đối với các khu vực bị ngập úng; tổ chức thu dọn bùn, đất, rác đọng, tưới nước rửa, quét hút trên đường, phố sau khi bị ngập úng, hạn chế bụi bẩn, ô nhiễm.
6. Công ty Điện lực Hà Nội:
- Kiểm tra, bảo dưỡng các trạm biến áp, thiết bị, đường dây, cáp cấp điện tới các trạm bơm, cống tiêu thoát nước, bảo đảm cung cấp điện an toàn tuyệt đối, thường xuyên, ổn định, kịp thời.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, các đơn vị thoát nước đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện cho trạm bơm Yên Sở, đập Thanh Liệt và các trạm bơm tiêu thoát nước cục bộ, phục vụ cho việc đóng, mở các van, cửa đập điều tiết mực nước .v.v.. và có phương án cung cấp tạm thời, dự phòng khi xảy ra sự cố.
- Kiểm tra độ an toàn của các đường dây, cáp, các cột điện, trạm biến áp, hố ga, cống bể… và có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện khi có mưa bão, ngập úng xảy ra.
7. Các đơn vị chuyên ngành khác:
- Viễn thông Hà Nội, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị, Công ty Nước sạch Hà Nội và các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, nước sạch khác tăng cường kiểm tra, thay thế, bổ sung các nắp ga, nắp bể, cống của hệ thống công trình ngầm do đơn vị quản lý bị hư hỏng, bị mất; có giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với người, phương tiện và đường dây, cáp khi có mưa, bão xảy ra. Các đơn vị cung cấp nước sạch có phương án dự phòng, bảo đảm cung cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cần thiết cho nhân dân tại các khu vực bị úng ngập.
- Các đơn vị chuyên ngành công viên, cây xanh thực hiện việc cắt tỉa cành cây, chặt hạ những cây sâu mục, không để xảy ra sự cố khi mưa bão; Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện và phối hợp với các đơn vị liên quan để thu dọn kịp thời những cây đổ, cành gãy trong mưa bão./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.