BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3048/BYT-KH-TC | Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành một số Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, cụ thể:
- Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (sau đây gọi tắt là Thông tư 37). Trong năm 2016 đã thực hiện tại 37 tỉnh, thành phố; còn 27 tỉnh, thành phố mới được thực hiện trong tháng 3, tháng 4/2017;
- Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư 02). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017 nhưng thời điểm thực hiện và mức giá cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Như vậy, năm 2017 việc thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh bao gồm cả tiền lương ở các đơn vị, địa phương có khác nhau: có đơn vị, địa phương đã được thực hiện giá dịch vụ có tiền lương ngay từ 01/01/2017, nhưng cũng có đơn vị thuộc 27 tỉnh mới được thực hiện từ tháng 3, tháng 4/2017 trở đi; đối với giá dịch vụ không thanh toán từ quỹ BHYT khả năng đến cuối năm 2017 mới được thực hiện. Nhưng theo báo cáo của một số cơ sở y tế, nhiều tỉnh trong số 27 tỉnh (thực hiện giá dịch vụ theo Thông tư 37 từ tháng 3, tháng 4 năm 2017) đã không cấp tiền lương cho các đơn vị ngay từ đầu năm 2017, gây khó khăn cho các đơn vị trong việc chi trả tiền lương cho viên chức, người lao động vì chưa được thu giá dịch vụ có lương trong khi ngân sách lại cắt giảm tiền lương.
Về việc này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 326/2016/TT-BTC ngày 23/12/2016 Quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, tại mục a, Khoản 2, Điều 3 của Thông tư đã quy định:
“Đối với chi sự nghiệp y tế: Phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng ngân sách nhà nước giảm cấp đối với các khoản chi được kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp của từng đơn vị.
Đồng thời, các địa phương lập phương án xác định phần ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh để mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tham gia sử dụng dịch vụ y tế công lập; tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương khi nhà nước điều chỉnh mức tiền lương cơ sở; tăng chi cho y tế dự phòng; tăng chi cho một số nội dung cấp bách khác của ngành y tế”.
Để thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính khi tính tiền lương vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, phân bổ và giao dự toán năm 2017 cho các đơn vị sự nghiệp y tế do địa phương quản lý như sau:
a) Chỉ thực hiện giảm trừ ngân sách cấp chi lương, số kinh phí giảm trừ tương ứng với số tiền lương đã kết cấu trong giá dịch vụ thu được của các nhóm đối tượng: Đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tính từ thời điểm tỉnh được thực hiện mức giá khám, chữa bệnh BHYT bao gồm cả tiền lương quy định tại Thông tư số 37; đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tính từ thời điểm Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư 02. Trường hợp đến tháng 3/2017, tháng 4/2017 tỉnh mới thực hiện mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT có tiền lương nhưng đã giảm trừ ngân sách cấp chi lương cho bệnh viện từ 01/01/2017 thì đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và Sở Tài chính tính toán số liệu và cấp bù kinh phí chi tiền lương cho bệnh viện trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 3, tháng 4 năm 2017.
b) Sử dụng phần ngân sách nhà nước năm 2017 giảm cấp của các bệnh viện cho các hoạt động của y tế địa phương, không điều chuyển sang các lĩnh vực chi khác. Nội dung sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 326/2016/TT-BTC nêu trên như: để thực hiện mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tham gia sử dụng dịch vụ y tế công lập; tăng chi cho y tế dự phòng; tăng chi cho y tế cơ sở; chi mua trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng chi cho một số nội dung cấp bách khác của ngành y tế (như các dự án bệnh viện vệ tinh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện luân phiên người hành nghề từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã, bố trí cho các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương...).
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, thực hiện cơ chế tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, một số cơ sở khám, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý và một số tỉnh, thành phố vẫn còn để lại nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng của các cơ sở y tế công lập. Trong khi cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu tốn, người dân còn phải chờ đợi để khám, xét nghiệm, chiếu, chụp, còn có tình trạng nằm ghép do không có đủ giường bệnh, số lượng người khám trên 1 bàn khám còn quá cao, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn nên chất lượng khám, chữa bệnh còn thấp, người dân còn phàn nàn.
Thông tư số 103/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, trong đó đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung ương quản lý sau khi đảm bảo nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm mà nguồn thu dành để cải cách tiền lương vẫn còn và cam kết tự thu xếp trong nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện điều chỉnh tiền lương tăng thêm theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, thì được sử dụng nguồn còn dư để chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn, thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định hiện hành...
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh vận dụng hướng dẫn của Thông tư số 103/2016/TT-BTC nêu trên để chỉ đạo Sở Y tế và Sở Tài chính phối hợp rà soát, xác định và đề xuất phương án sử dụng nguồn thu dành để cải cách tiền lương còn dư của các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc địa phương quản lý, báo cáo Bộ Tài chính hoặc trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép sử dụng để chi cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phòng khám, buồng bệnh, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật mới theo các dự án bệnh viện vệ tinh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm số người bệnh phải chuyển tuyến hoặc chuyển các địa phương khác, góp phần sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT...
Rất mong được sự quan tâm chỉ đạo, giải quyết của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.