TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2000/KHXX | Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2000 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KHOA HỌC XÉT XỬ SỐ 30/2000/KHXX NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 2000 VỀ VIỆC THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN KHI NGUYÊN ĐƠN CÓ UỶ QUYỀN, NHƯNG BỊ CHẾT
Kính gửi: Toà án nhân dân tỉnh Kom Tum
Sau khi nghiên cứu Công văn số 248/CV ngày 17-12-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum, Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 pháp luật thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, thì đương sự là công dân có thể làm giấy uỷ quyền cho luật sư hoặc người khác thay mặt mình trong tố tụng, trừ việc ly hôn và huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Đồng thời theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh này thì "Người đại diện được uỷ quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong phạm vi được uỷ quyền". Như vậy, nếu trong vụ án "đòi lại nhà cho thuê" được nêu trong Công văn số 248/CV ngày 17-12-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum, việc uỷ quyền của nguyên đơn cho người khác tham gia tố tụng tại Toà án cấp phúc thẩm thì sau khi Toà án cấp phúc thẩm xét xử xong là việc uỷ quyền đương nhiên chấm dứt.
Giả thiết cho rằng nếu trong vụ án này nguyên đơn uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng tại Toà án cấp phúc thẩm và thay mặt mình tham gia tố tụng khi vụ án phải giải quyết lại, và khi vụ án đang được giải quyết lại thì nguyên đơn chết, trong trường hợp này theo quy định chung của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Toà án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, nếu chưa có người thừa kế tham gia tố tụng (Điểm a khoản 1 Điều 45); ra quyết định đình chỉ việc giải quyết án, nếu quyền, nghĩa vụ của đương sự không được thừa kế (điểm 1, Điều 46). Việc giải quyết như thế này cũng là theo đúng tinh thần hướng dẫn tại điểm 3 Mục VI Nghị quyết số 3/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự: "mặc dù đương sự đã uỷ quyền cho người đại diện, nhưng đương sự vẫn có quyền tự mình tham gia tố tụng. Toà án cũng có quyền triệu tập đương sự đích thân tham gia tố tụng khi xét thấy cần thiết" (xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; tập 2, trang 297; xuất bản năm 1992).
Trong trường hợp đã xác định được có người thừa kế, thì Toà án phải hỏi ý kiến của người thừa kế có tiếp tục uỷ quyền cho người mà trước đây nguyên đơn đã uỷ quyền hoặc tự mình tham gia tố tụng hoặc uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng để trên cơ sở đó Toà án chấp nhận hay không chấp nhận việc tham gia tố tụng khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.
Nếu trong vụ án "đòi nhà cho thuê" trên đây, Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum đã có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng nguyên đơn chết không có người thừa kế quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật, thì áp dụng điểm 1 Điều 46 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Trên đây là ý kiến của Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao để quý Toà tham khảo giải quyết tốt vụ án.
| Đặng Quang Phương (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.