BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 292/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2017 |
Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Trong quá trình triển khai Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Tổng cục Hải quan nhận được vướng mắc của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố phản ánh liên quan đến theo dõi, quản lý hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Về quy định pháp lý:
Theo quy định tại điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì: “Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất” thuộc đối tượng miễn thuế.
Theo đó, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất để được thuộc đối tượng miễn thuế trong thời hạn nhất định phải đáp ứng điều kiện có đặt cọc hoặc bảo lãnh thuế khi làm thủ tục hải quan, đảm bảo tái xuất trong thời hạn tạm nhập.
2. Về khai báo trên Hệ thống VNACCS/VCIS, phương pháp hạch toán kế toán và công tác thống kê, báo cáo:
Hiện nay, đối với loại hình hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, người khai hải quan thực hiện khai mã miễn thuế trên Hệ thống VNACCS (mã XN019) và cơ quan hải quan kiểm tra thủ công về điều kiện đặt cọc hoặc bảo lãnh thuế. Tuy nhiên, việc khai báo như trên còn nhiều bất cập và khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc theo dõi, quản lý và hạch toán số tiền thuế sử dụng bảo lãnh hoặc ký quỹ, cũng như theo dõi thời gian tái xuất cho tờ khai thuộc đối tượng miễn.
Vì vậy, để đảm bảo công tác quản lý của cơ quan hải quan được thuận lợi, hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc nộp tiền ký quỹ, bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử nhưng không tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc khai báo trên Hệ thống VNACCS/VCIS, hạch toán kế toán và thống kê, báo cáo trên Hệ thống Kế toán thuế tập trung như sau:
2.1. Khai báo trên Hệ thống VNACCS/VCIS:
- Khi khai báo thủ tục hải quan, doanh nghiệp không khai mã miễn thuế tại chỉ tiêu “Mã miễn/giảm/không chịu thuế nhập khẩu” mà thực hiện khai báo thuộc đối tượng miễn thuế tại chỉ tiêu “Phần ghi chú”, trong đó nêu rõ thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định tại khoản nào, điều nào của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hình thức đặt cọc để được miễn thuế, tại chỉ tiêu “Mã xác định thời hạn nộp thuế”, doanh nghiệp chọn Mã D- Nộp thuế ngay.
- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hình thức bảo lãnh để được miễn thuế, tại chỉ tiêu “Mã xác định thời hạn nộp thuế”, doanh nghiệp chọn mã A hoặc B - Bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung và khai báo các chỉ tiêu “Mã ngân hàng bảo lãnh”, “Năm phát hành bảo lãnh”, “Ký hiệu chứng từ bảo lãnh” và “Số chứng từ bảo lãnh” tương ứng trên Hệ thống VNACCS.
- Hệ thống VNACCS sẽ gửi Chứng từ ghi số thuế phải thu cho người khai hải quan và chuyển sang Hệ thống Kế toán thuế tập trung, trong đó nêu rõ số tiền thuế phải đặt cọc / bảo lãnh để được miễn thuế. Người khai hải quan sẽ căn cứ số tiền thuế phải nộp trên Chứng từ ghi số thuế phải thu/ trên tờ khai hải quan để thực hiện đặt cọc hoặc bảo lãnh. Theo đó, cổng thông tin điện tử hải quan sẽ có thông tin về số tiền thuế phải nộp để theo dõi việc đặt cọc hoặc bảo lãnh thuế.
Ngân hàng/Kho bạc sẽ thực hiện trích tiền đặt cọc hoặc bảo lãnh điện tử trên cơ sở thông tin về số phải thu trên cổng thông tin điện tử hải quan và Hệ thống tự động kiểm tra điều kiện được miễn thuế (bằng đặt cọc/bảo lãnh) để thông quan hàng hóa.
2.2. Quản lý tờ khai TNTX và phương pháp hạch toán kế toán:
- Việc hạch toán khoản bảo lãnh và đặt cọc tờ khai tạm nhập tái xuất tương tự như đối với hàng phải nộp thuế ngay nhưng sử dụng bảo lãnh hoặc nộp tiền.
- Về thanh khoản tờ khai TNTX sau khi đã đáp ứng đủ điều kiện thuộc đối tượng miễn thuế (i) có bảo lãnh thuế và (ii) đã thực tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn tạm nhập-tái xuất theo quy định, thì thực hiện thanh khoản tờ khai tạm nhập;
(1) Căn cứ tờ khai tái xuất do doanh nghiệp cung cấp, công chức hải quan kiểm tra trên hệ thống thời gian tái xuất đúng quy định;
(2) Lập chứng từ ghi sổ miễn thuế và cập nhật vào hệ thống KTTT để thanh khoản tờ khai tạm nhập, sử dụng chứng từ ghi sổ liên quan đến tờ khai (chức năng 2.Nhập liệu/D.Chứng từ ghi sổ liên quan đến tờ khai/1.Nhập chứng từ ghi sổ) và chọn loại chứng từ ghi sổ là M1-Quyết định miễn thuế để nhập Chứng từ ghi sổ miễn thuế cho tờ khai.
Đối với trường hợp người khai hải quan đặt cọc tiền thuế để được miễn thuế hàng kinh doanh tạm nhập-tái xuất thì sau khi đã thực tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn tạm nhập-tái xuất theo quy định thì cơ quan hải quan thực hiện hoàn thuế theo quy định.
2.3. Công tác thống kê, báo cáo:
Để phục vụ công tác quản lý, báo cáo thống kê, Tổng cục Hải quan sẽ bổ sung chức năng thống kê theo dõi các tờ khai loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất (G21) trên Hệ thống Kế toán thuế tập trung và sẽ có hướng dẫn trong thời gian tới.
Việc khai báo trên Hệ thống VNACCS và hạch toán kế toán theo hướng dẫn tại điểm 2.1 và 2.2 nêu trên thực hiện từ ngày 16/01/2017.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thông báo và niêm yết công khai tại nơi làm thủ tục hải quan để doanh nghiệp biết và thực hiện.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.