ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2883/UBND-TC | Lâm Đồng, ngày 28 tháng 05 năm 2013 |
Kính gửi: | - UBND các huyện, thành phố; |
Đến ngày 20/5/2013 thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh đạt 1.301 tỷ đồng, bằng 24% dự toán giao; trong đó thu từ thuế, phí thực hiện 899 tỷ đồng, bằng 30% dự toán; thu từ nhà, đất thực hiện 104 tỷ đồng, bằng 15% dự toán; thu quản lý qua quỹ ngân sách thực hiện 298 tỷ đồng, bằng 17% dự toán. Như vậy, với số thu thực hiện nêu trên là quá thấp so với tốc độ thu bình quân trong năm và thấp hơn bình quân chung của cả nước, đã làm ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách, đặc biệt là các khoản chi cho con người, chi đảm bảo an sinh xã hội… Bên cạnh đó khoản chi đầu tư phát triển từ nguồn sử dụng đất mới giải ngân đạt tỷ lệ 20% dự toán, nhưng so với tiến độ thu từ lĩnh vực này thì số đã giải ngân đã vượt nguồn cân đối 80 tỷ đồng.
Xuất phát từ tình hình thu - chi ngân sách nêu trên UBND tỉnh yêu cầu:
1. Đối với thu ngân sách: đến 30/6/2013 tổng thu ngân sách trên địa bàn phải đạt tối thiểu 50% dự toán giao. Để đạt chi tiêu nêu trên cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp như sau:
1.1. Thu từ lĩnh vực thuế, phí:
a) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo về thu ngân sách theo Kết luận số 264-KL/TU ngày 30/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ và giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015; Kết luận số 306-KL/TU ngày 23/4/2013 của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương, giải pháp đối với việc gian lận, trốn thuế của các tổ chức, cá nhân và tình hình hoàn thuế giá trị gia tăng;
- Chỉ đạo Chi cục thuế tổ chức rà soát lại toàn bộ số hộ kinh doanh cà phê từ thôn, xã trở lên; điều tra sản lượng cà phê năm nay so với năm trước; sản lượng đã thu hoạch, sản lượng đã thu thuế và sản lượng cà phê còn lại trong dân.
- Sơ kết mô hình tổ chức của tổ, đội chống thất thu để rút nghiệm trên tinh thần bố trí thời gian và sắp xếp công việc cho các thành viên một cách khoa học và hợp lý.
- Chủ trì phối hợp với Chi cục thuế tổ chức cuộc họp với hệ thống các ngân hàng trên địa bàn để thống nhất hướng xử lý tài sản đối với các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng thuế mà tài sản đang thế chấp ở ngân hàng theo hướng thỏa thuận phân chia số tiền trả nợ cho ngân hàng và số tiền nộp thuế vào ngân sách nhà nước sau khi thi hành án.
- Yêu cầu cá nhân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch được duyệt làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng và quyền sở hữu tài sản trên đất; đối với diện tích đất chưa xây dựng trong hạn điền thì khuyến khích, động viên người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất
- Chỉ đạo cơ quan Công an phối hợp cơ quan thuế tiến hành kiểm tra đối chiếu xác minh đối với các hóa đơn ngoài tỉnh; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, gian lận, trốn thuế thì tiến hành khởi tố vụ án; bên cạnh đó tiến hành các biện pháp mạnh như cưỡng chế, kê biên tài sản tạo hiệu ứng lan truyền có tác dụng răn đe đối với các cá nhân, tổ chức dây dưa nợ đọng thuế kéo dài; đặc biệt lưu ý các khoản nợ từ hoạt động kinh doanh cà phê; tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông huyện, thành phố tham gia với đội chống thất thu thuế theo Kết luận số 306-KL/TU ngày 23/4/2013 của Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh.
b) Cục thuế tỉnh:
* Thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh cà phê:
- Trên cơ sở văn bản, hướng dẫn cũng như tham khảo ý kiến của Tổng cục thuế; khẩn trương chỉ đạo các Chi cục thuế cấp huyện thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo hướng:
+ Hóa đơn ngoài tỉnh, ngoài huyện chỉ được khấu trừ khi có đầy đủ bộ hồ sơ như: hợp đồng mua bán, biên bản bàn giao hàng hóa, chứng từ thanh toán và hóa đơn vận chuyển (trường hợp khi có đầy đủ bộ hồ sơ nhưng thực tế không có hàng hóa giao dịch thì không cho khấu trừ thuế đầu ra);
+ Chỉ thực hiện khấu trừ thuế đầu ra khi các cá nhân, tổ chức đã nộp thuế đầu vào đối với các hóa đơn khấu trừ.
- Chỉ đạo các Chi cục thuế phân loại quản lý các hộ, tổ chức kinh doanh cà phê; đối với các hộ, tổ chức kinh doanh cà phê nhỏ chi cục thuế các huyện, thành phố có thể bàn giao cho xã, phường trực tiếp theo dõi và quản lý dưới sự hướng dẫn của cơ quan thuế; đối với các hộ, tổ chức kinh doanh lớn thì chi cục thuế phân công cán bộ thuế có năng lực phối hợp với các tổ chống thất thu trên địa bàn để quản lý sản lượng cũng như doanh thu thường xuyên để chống gian lận thuế.
- Các Chi cục Thuế phải báo cáo hóa đơn ngoài tỉnh trước ngày 15 hàng tháng cho Cục Thuế tỉnh, chủ động tăng cường phối hợp với Công an tỉnh tham gia các đoàn đi xác minh hóa đơn ngoài tỉnh, ngoài huyện.
* Thu thuế trong các lĩnh vực khác:
- Triển khai thực hiện việc kiểm tra chéo trong công tác lập bộ, tổ chức thực hiện thu thuế giữa các đơn vị trong nội bộ ngành, xem đây là việc làm thường xuyên của ngành thuế; qua kiểm tra chéo để phát hiện và đề ra các biện pháp hữu hiệu để chống các hành vi gian lận, trốn thuế của các tổ chức cá nhân trên địa bàn;
- Tiến hành đánh giá việc thực hiện các Đề án thu thuế theo ngành và lĩnh vực đã được UBND tỉnh ban hành, đặc biệt là Đề án quản lý thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Đề án tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đánh giá cần xác định những mặt làm được, những tồn tại hạn chế cần khắc phục; qua đó phối hợp với các sở, ngành liên quan xử lý, giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp với thực tế;
- Đánh giá việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp Chi cục, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm để nhân rộng nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao trong công tác luân chuyển cán bộ; khẩn trương xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp xác định rõ trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn về thu ngân sách từ lĩnh vực thuế, phí theo văn bản số 2430/UBND-TC ngày 08/5/2013 của UBND tỉnh.
- Phân loại nợ đọng, đồng thời chỉ đạo quyết liệt công tác thu hồi nợ đọng, chống nợ đọng mới phát sinh; báo cáo cụ thể các trường hợp cưỡng chế thu hồi nợ đọng, hoặc lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra theo quy định pháp luật, cũng như kết quả xử lý trong các tháng đầu năm 2013.
- Chỉ đạo các Chi cục thuế tổ chức rà soát lại các hộ kinh doanh trực tiếp 1 và trực tiếp 2; có biện pháp hữu hiệu điều tra doanh số kinh doanh, nếu thấy kê khai nộp thuế không hợp lý so với hộ khoán hoặc không thể nắm được doanh số bán hàng thì chuyển các hộ kinh doanh này qua hình thức khoán theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
- Rà soát lại địa bàn các xã có nhu cầu cần thiết thực hiện ủy nhiệm thu, tổng hợp đề xuất báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
1.2. Thu từ lĩnh vực nhà, đất:
- UBND huyện chỉ đạo Phòng TCKH, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Chi cục Thuế:
+ Tập trung rà soát đôn đốc thu nộp ngân sách đối với các trường hợp đã có quyết định phê duyệt nghĩa vụ tài chính khi được nhà nước cho chuyển mục đích sử dụng đất; chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất; rà soát lập danh sách các trường hợp được nợ tiền sử dụng đất đã đến hạn nộp tiền sử dụng đất theo quy định (nợ tiền sử dụng đất trong đền bù, thu hồi đất; nợ tiền sử dụng đất qua hợp thức hóa quyền sử dụng đất) để đôn đốc thu nộp ngay vào ngân sách
+ Thông báo và tổ chức đấu giá đối với các địa chỉ đã được phê duyệt giá theo quy định; lập hồ sơ trình phê duyệt đối với các địa chỉ đã có quy hoạch phân lô đấu giá giao quyền sử dụng đất để tổ chức bán đấu giá; đối với các trường hợp thông báo 3 lần nhưng đấu giá không thành, xây dựng lại giá đấu giá sát thị trường gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt (không để tồn đọng vào những tháng cuối năm).
+ Tiếp tục chỉ đạo khảo sát mặt bằng giá cả trên thị trường để kịp thời đề xuất, kiến nghị điều chỉnh giá giao quyền sử dụng đất, hệ số điều chỉnh giá đất ở những khu vực, đoạn đường không phù hợp; tham mưu UBND huyện, thành phố đề xuất Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để điều chỉnh giá khởi điểm, hoặc hệ số điều chỉnh giá đất đã được ban hành, nhằm thu hút được các đối tượng có nhu cầu tham gia đấu giá giao quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, hoặc nộp tiền giao đất, thuê đất theo Công điện số 1184/CĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2013 của UBND tỉnh.
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường;
+ Rà soát lại các tổ chức hiện đang thuê đất nhưng có nhu cầu chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, sang giao đất có thu tiền sử dụng đất và thực sự có năng lực về tài chính trình UBND tỉnh xem xét (trước mắt tập trung đề xuất các vị trí có khả năng thu tiền để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng theo phương án đã được phê duyệt.
- Động viên doanh nghiệp trong nước chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất; đối với doanh nghiệp nước ngoài thì khuyến khích chuyển từ hình thức trả tiền thuê đất hàng năm sang hình thức trả tiền thuê đất một lần.
- Hướng dẫn tổ chức thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc gia hạn quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp hàng năm sắp hết hạn.
- Tổ chức đoàn kiểm tra tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp. Nếu phát hiện trong thời gian dài không sử dụng đất, làm văn bản đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi để UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án quản lý khai thác quỹ đất này cho phù hợp.
- Sở Tài chính:
+ Khẩn trương thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt giá đấu giá các cơ sở nhà, đất tại số 44 đường Sương Nguyệt Ánh, số 4 đường Phan Chu Trinh và số 12 đường Phan Như Thạch để có nguồn thanh toán khối lượng hoàn thành dự án Trung tâm Hành chính tỉnh.
+ Bố trí lịch kiểm tra, rà soát các đơn vị hết thời gian nộp tiền thuê đất để yêu cầu nộp tiền thuê đất theo quy định; phối với UBND các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế để xác định lại giá thuê đất cho các doanh nghiệp (ưu tiên bố trí lịch kiểm tra, rà soát trước cho 03 huyện đang có tình hình thu thuế và phí hết sức khó khăn là Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm).
- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt thực hiện rà soát các cơ sở nhà, đất thuộc diện đấu giá (đấu giá tạo nguồn thu ngân sách cũng như đấu giá tạo vốn xây dựng hạ tầng), khẩn trương đề xuất các chỉ tiêu kiến trúc xây dựng trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, làm cơ sở xác định giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách từ lĩnh vực nhà, đất.
1.3. Đối với các khoản thu biện pháp tài chính: Giao Sở Tài chính:
- Thường xuyên đôn đốc UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan hàng tháng tiến hành xử lý các loại tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước qua xử phạt vi phạm hành chính như xe ô tô, xe máy, lâm sản ... thực hiện thanh lý, đấu giá để nộp ngay vào ngân sách nhà nước theo quy định; xử lý theo quy định các tài khoản tạm thu tạm giữ, đảm bảo các khoản thu này đều được nộp kịp thời vào NSNN.
- Tập trung chỉ đạo thu biện pháp tài chính (thu sự nghiệp, thu phí, lệ phí, thu khác ngân sách) đảm bảo các nghiệp vụ phát sinh đã thực hiện trong tháng trước đều được ghi thu và ghi chi qua ngân sách trong tháng sau.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đôn đốc các đơn vị nộp ngay vào NSNN theo đúng thời gian quy định về giá trị bồi thường tài nguyên rừng được phê duyệt; đôn đốc các đơn vị được UBND tỉnh cho gia hạn nay đến hạn nộp giá trị bồi thường tài nguyên rừng; trường hợp quá thời gian quy định mà các đơn vị không nộp thực hiện xử phạt nộp chậm theo quy định, trường hợp cần thiết tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án.
2. Về chi ngân sách: Để khắc phục mất cân đối tạm thời trong chi ngân sách, do thu ngân sách đang đạt tiến độ thấp; UBND tỉnh thống nhất các giải pháp điều hành chi ngân sách do Sở Tài chính đề xuất tại văn bản số 1113/STC-NS ngày 14/4/2013; đồng thời UBND tỉnh giao:
a) Sở Tài chính thống nhất với Kho bạc Nhà nước:
- Căn cứ tiến độ thu ngân sách thực hiện cân đối các khoản chi cần thiết và cấp bách, tuyệt đối không để “nợ” lương, các khoản phụ cấp, các khoản chi cho con người, các khoản chi an sinh xã hội của các đơn vị.
- Đảm bảo tồn ngân để các huyện, thành phố thực hiện rút trợ cấp cân đối từ ngân sách tỉnh, nhằm đảm bảo thực hiện các khoản chi cho con người, chi an sinh xã hội và các khoản chi thật sự cần thiết, cấp bách khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện, thành phố.
- Tạm ngừng giải ngân vốn đầu tư XDCB từ nguồn sử dụng đất (cho đến khi thu ngân sách từ nguồn này được đảm bảo), ngoài trừ các dự án được bố trí trả nợ do hụt thu ngân sách năm 2011, chi cho xây dựng nông thôn mới, chi cho xã nghèo 30a, chi cho xây dựng dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Đà Lạt và các dự án khác theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Khi có số thu cấp quyền sử dụng đất, giao Giám đốc Sở Tài chính và Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh thống nhất tiếp tục giải ngân kịp thời cho các dự án.
b) UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo phòng tài chính cân đối đảm bảo nguồn chi lương và chi an sinh xã hội; trong trường hợp thiếu nguồn để cân đối chi đề nghị báo cáo Sở Tài chính xem xét, trình UBND tỉnh cân đối nhiệm vụ chi lương và chi an sinh xã hội cho kịp thời; tránh để xảy ra tình trạng không có nguồn để chi lương và chi an sinh xã hội.
c) Kho bạc Nhà nước tỉnh kiểm tra khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán vốn thuộc dự án Trung tâm hành chính tỉnh và Dự án đường nội khu du lịch hồ Tuyền Lâm với đường cao tốc, để thực hiện thanh toán vốn cho chủ đầu tư từ nguồn tạm ứng kho bạc nhà nước Trung ương, ưu tiên xử lý dứt điểm khối lượng hoàn thành đã phát sinh của giai đoạn 1.
d) Tất cả các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện cắt giảm 30% chi phí hội họp, đi nước ngoài và tạm dừng thực hiện chi mua sắm tài sản từ nay cho đến cuối năm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trên đây là một số biện pháp cấp bách trong điều hành quản lý thu - chi ngân sách; yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành khẩn trương triển khai thực hiện./
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.