TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2762/GSQL-GQ1 | Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2018 |
Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh
Trả lời các công văn số 1872/HQHCM-GSQL ngày 13/7/2018 và 1923/HQHCM-GSQL ngày 18/7/2018 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh báo cáo vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC , Cục GSQL về Hải quan có ý kiến như sau:
I. Nghị định 59/2018/NĐ-CP (công văn 1872/HQHCM-GSQL)
1. Việc xác định tiêu chí rủi ro trong công tác giám sát lấy mẫu
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ chủng loại hàng hóa, cách thức lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành để bố trí công chức giám sát việc lấy mẫu.
2. Về việc giám sát hải quan
a) Tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP không có hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động sang Container đối với hàng hóa trung chuyển, đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động này?
Đề nghị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh thực hiện theo đúng quy định tại được tại điểm 2 khoản 20 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP nêu trên. Theo đó, hàng hóa trung chuyển không được thực hiện việc sang Container.
b) Khoản 7 Điều 44 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định về hồ sơ hải quan đối với hàng hóa trung chuyển, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể loại hàng hóa nào nhập khẩu phải có giấy phép.
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định thì hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển này hoặc đưa đến khu vực trung chuyển tại bến cảng, cảng biển khác để đưa ra nước ngoài, thủ tục trung chuyển thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, không phải có giấy phép của Bộ Công Thương.
c) Đề nghị hướng dẫn việc niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa hàng trong trường hợp hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các bến cảng trong cùng 1 cảng biển và trong trường hợp phương tiện chứa hàng không còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển theo quy định tại điểm 9.c khoản 20 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.
Tại điểm g khoản 4 Điều 50 Thông tư 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 28 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định cụ thể các trường hợp hàng hóa trung chuyển không phải niêm phong hải quan, do vậy đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ quy định này để xác định, hàng hóa trung chuyển trong trường hợp nào phải niêm phong hải quan.
II. Thông tư 39/2018/TT-BTC
1. Về quy định đưa hàng về bảo quản
a) Tài liệu chứng minh địa điểm đưa hàng về bảo quản phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (điểm 2 mục I công văn 1872/HQHCM-GSQL).
Đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC).
b) Về việc cập nhật danh sách doanh nghiệp vi phạm không được mang hàng về bảo quản (điểm 5 mục I công văn 1872/HQHCM-GSQL).
Vướng mắc liên quan đến việc hệ thống chưa có chức năng cập nhật danh sách doanh nghiệp vi phạm không được mang hàng về bảo quản đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn tại điểm 18 mục II Bảng tổng hợp giải đáp vướng mắc ban hành kèm công văn số 3899/TCHQ-GSQL ngày 05/7/2018, đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ hướng dẫn trên để thực hiện.
c) Việc xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về bảo quản hàng hóa đối với các trường hợp quy định tại điểm b.1 khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC (điểm 7 mục I công văn 1872/HQHCM-GSQL).
Việc xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về bảo quản hàng hóa, đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ quy định tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 để thực hiện. Trường hợp tại Nghị định chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, đề nghị Cục Hải quan TP.HCM không cho phép người khai hải quan được đưa hàng về bảo quản theo quy định tại khoản 6 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
d) Về việc kê khai trên mẫu số 18 và 19 Phụ lục II (điểm 6 công văn 1923/HQHCM-GSQL)
Vướng mắc liên quan đến việc hệ thống chưa có phần mềm khai báo mẫu số 18 và 19 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn tại điểm 16 mục II Bảng tổng hợp giải đáp vướng mắc ban hành kèm công văn số 3899/TCHQ-GSQL ngày 05/7/2018, đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ hướng dẫn trên để thực hiện.
2. Về việc hủy tờ khai:
a) Về các trường hợp hủy tờ khai (điểm 9 mục II công văn 1872/HQHCM-GSQL, điểm 1 công văn số 1923/HQHCM-GSQL):
Cục GSQL về Hải quan ghi nhận vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và hiện đã có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính và sẽ có hướng dẫn cụ thể.
b) Về hủy tờ khai luồng xanh không có giấy phép (điểm 9 mục II công văn 1872/HQHCM-GSQL):
Hiện Tổng cục Hải quan đang xây dựng quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó có hướng dẫn cụ thể cách thức quản lý, rà soát đối với các tờ khai hải quan được phân luồng xanh sau khi thông quan, trong đó sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách thức xử lý đối với trường hợp này.
Trường hợp kiểm tra thông tin tờ khai hủy, đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh truy cập vào Hệ thống E-Customs/Kết nối hệ thống để tra cứu.
c) Về việc xác minh thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để hủy tờ khai theo quy định tại điểm b.1 khoản 2 Điều 22 Thông tư 38/2015/TT-BTC (điểm 1 công văn số 1923/HQHCM-GSQL):
Hiện Tổng cục Hải quan đã triển khai và đưa vào vận hành Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không, khi thực hiện hủy tờ khai đối với các trường hợp tờ khai hải quan quá thời hạn 15 ngày hoặc hủy theo đề nghị của người khai hải quan theo quy định tại điểm b.1 khoản 2 Điều 22 Thông tư 38/2015/TT-BTC, đề nghị Cục Hải quan TP.HCM hướng dẫn các Chi cục Hải quan tra cứu thông tin hàng hóa đưa vào (get in), đưa ra (get out) khu vực kho bãi cảng trên Hệ thống này để xác định thực tế hàng hóa xuất khẩu đã vận chuyển đến cửa khẩu xuất và hàng hóa nhập khẩu đã đến cửa khẩu nhập hay chưa và các thông tin có liên quan khác trong từng trường hợp hủy tờ khai cụ thể để làm căn cứ thực hiện việc hủy tờ khai.
d) Xử lý tờ khai hải quan đã đăng ký, nhưng chưa thông quan, người khai hải quan từ chối nhận hàng do hàng hóa không phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại 59/2018/NĐ-CP (điểm 1 công văn số 1923/HQHCM-GSQL).
Nội dung vướng mắc nêu trên hiện đã được Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể, theo hướng cho phép hủy đối với trường hợp tờ khai hải quan nhập khẩu đã đăng ký nhưng người khai hải quan từ chối nhận hàng do gửi nhầm (trừ trường hợp hàng hóa không đáp ứng quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành).
3. Về kiểm hóa hộ (điểm 7 công văn 1923/HQHCM-GSQL):
Hiện Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể theo hướng cho phép Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa kiểm tra thực tế theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai (kiểm hóa hộ) đối với các lô hàng xuất khẩu.
4. Đối với các vướng mắc khác tại vượt thẩm quyền tại các công văn số 1872/HQHCM-GSQL ngày 13/7/2018 và 1923/HQHCM-GSQL ngày 18/7/2018 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục GSQL về Hải quan đã tổng hợp, báo cáo Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Cục GSQL về Hải quan trả lời để Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh biết, thực hiện./.
| Q. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.