BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 274/HTQTCT-QT | Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2017 |
Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
Thời gian qua, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhận được từ các địa phương và phản ánh của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về yêu cầu của những người hiện đang có Quốc tịch Đức, Quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) muốn được cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cũng như hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với trẻ em đang có quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan). Theo quy định, đối với hồ sơ yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cơ quan tiếp nhận phải có văn bản đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tra cứu xem người đó đã được thôi/mất quốc tịch Việt Nam hay chưa. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu về những người được thôi quốc tịch Việt Nam hiện đang được quản lý tại Bộ Tư pháp cũng chỉ là một trong những căn cứ/cơ sở để xác định tình trạng quốc tịch của một người và hoàn toàn không phải là cơ sở pháp lý cần và đủ để căn cứ vào đó cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam đối với những người yêu cầu mà không có tên trong cơ sở dữ liệu. Đề nghị các Sở Tư pháp đặc biệt lưu ý điểm này trong quá trình thực hiện. Đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ khi giải quyết yêu cầu này, Cục Hộ tịch, quốc tịch chứng thực đã có văn bản trao đổi và nhận được Công hàm trả lời của Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội (số VN0029 ngày 10/02/2017) và của Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội (số 096/2017 ngày 01/3/2017). Trên cơ sở nội dung trả lời từ 02 Công hàm này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực xin chính thức thông báo để các Sở Tư pháp quán triệt thực hiện một số điểm như sau:
1. Đối với yêu cầu tra cứu quốc tịch Việt Nam để cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam của người đang có quốc tịch Đức, quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan)
Công hàm của Đại sứ quán CHLB Đức đã nêu rõ: trường hợp công dân Việt Nam là người thành niên xin nhập quốc tịch Đức thì trước khi được nhập quốc tịch Đức phải nộp văn bản chứng minh về việc đã thôi quốc tịch Việt Nam, không có trường hợp ngoại lệ. Công hàm của Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc cũng nêu rõ: đối với công dân Việt Nam muốn nhập quốc tịch Trung quốc (Đài Loan) thì bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam, không có trường hợp ngoại lệ.
Như vậy, đối với trường hợp người đang có quốc tịch Đức, quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) mà yêu cầu tra cứu quốc tịch Việt Nam để cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam thì đề nghị Sở Tư pháp không tiếp nhận hồ sơ. Riêng đối với trường hợp người có quốc tịch Đức chứng minh được có quốc tịch Đức từ thời điểm chưa thành niên thì đề nghị Sở Tư pháp chụp toàn bộ hồ sơ của người đó gửi Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực để trao đổi với Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức.
2. Đối với việc trẻ em là công dân Trung Quốc (Đài Loan) xin nhập quốc tịch Việt Nam
Công hàm của Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đã nêu rõ, trẻ vị thành niên (dưới 20 tuổi) sẽ không được thôi quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan), trừ trường hợp được Bộ Nội chính phê chuẩn cho thôi quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) cùng cha, mẹ. Do đó, đề nghị các Sở Tư pháp không thụ lý hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của trẻ vị thành niên có quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan), trừ trường hợp trong hồ sơ có sự phê chuẩn của Bộ Nội chính Đài Loan về việc cho phép trẻ được thôi quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) cùng cha/mẹ, như đã nêu trên.
Trên đây là thông báo của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực liên quan đến đề nghị tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với người đang có quốc tịch Đức, quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) và việc xin nhập quốc tịch Việt Nam của trẻ em là công dân Trung quốc (Đài Loan), đề nghị các Sở Tư pháp quán triệt, thực hiện./.
| CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.