UBND TỈNH BẠC LIÊU | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 263/SYT-NVY | Bạc Liêu, ngày 24 tháng 06 năm 2008 |
Kính gửi: | - Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, BVĐK các huyện; |
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13/2007/TT-BYT Hướng dẫn khám sức khỏe cho người lao động, Sở Y tế đã sao lục gửi đến các đơn vị có liên quan để thực hiện. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều cơ sở chưa thực hiện tốt các quy định tại Thông tư số 13/2007/TT-BYT. Cụ thể như trong quá trình khám, quản lý sức khỏe cho người lao động, các đơn vị tham gia khám chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị cơ bản…, chưa thực hiện mẫu giấy chứng nhận sức khỏe và sổ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định...
Để làm tốt hơn công tác khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân và người lao động trên địa bàn theo tinh thần Thông tư 13/2007/TT-BYT ngày 21/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Sở Y tế hướng dẫn, phân cấp khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân và người lao động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cụ thể như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH:
1. Đối tượng khám sức khỏe:
a) Làm hồ sơ dự tuyển: Những người làm hồ sơ để dự thi lấy bằng lái xe; người lao động làm hồ sơ xin được tuyển dụng vào các cơ quan, ngành, nghề; Học sinh khi làm hồ sơ dự tuyển vào học tại các cơ sở giáo dục quốc dân, dạy nghề;
b) Làm hồ sơ khi được tuyển dụng: Học sinh, sinh viên khi trúng tuyển vào học tại các cơ sở giáo dục quốc dân, dạy nghề; người lao động khi được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở có sử dụng lao động.
c) Khám sức khỏe định kỳ: Học sinh, sinh viên, học viên và người lao động khám sức khỏe định kỳ theo quy định mỗi năm 01 lần hoặc 06 tháng 01 lần đối với các ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
d) Khám sức khỏe theo yêu cầu: Người dân có yêu cầu kiểm tra sức khỏe cho bản thân mình, thì tự nguyện xin khám, kiểm tra sức khỏe.
2. Các cá nhân và tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh:
a) Những cơ sở có sử dụng lao động, cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề;
b) Học sinh, sinh viên, học viên làm hồ sơ dự tuyển hoặc đang học tại các cơ sở giáo dục quốc dân, dạy nghề;
c) Người lao động làm hồ sơ xin việc (xin tuyển dụng) hoặc khi được tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe theo yêu cầu của người dân.
3. Các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 13/2007/TT-BYT ngày 21/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế:
a) Khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự, tuyển sinh công an, khám tuyển công an
b) Khám sức khỏe đi lao động nước ngoài, khám sức khỏe người nước ngoài lao động ở Việt Nam.
c) Khám giám định Y khoa, giám định Pháp y tâm thần.
II. ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ THAM GIA KHÁM SỨC KHỎE
Các cơ sở tham gia khám sức khỏe cho người lao động phải đảm bảo đủ các điều kiện:
1. Về con người:
- Có đủ nhân lực để đảm bảo khám các chuyên khoa cơ bản: Nội, Ngoại, Sản – Phụ khoa, Mắt, Tai – Mũi – Họng, Răng – Hàm – Mặt
- Có Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên để thực hiện các xét nghiệm: Huyết học, nước tiểu, Chụp X – Quang thường quy
2. Về điều kiện xét nghiệm cận lâm sàng:
Có đủ cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị để thực hiện các xét nghiệm cơ bản sau đây:
- Công thức máu (NGFL), đường huyết (Glycemie);
- Đường niệu, Proteine niệu
- X – Quang tim – phổi thường quy
3. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám sức khỏe:
- Các cơ sở y tế Công lập, ngoài công lập (kể cả các phòng khám đa khoa) khi hội đủ các điều kiện quy định tại Thông tư 13/2007/TT-BYT ngày 21/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế và sau khi báo cáo bằng văn bản (thông qua phòng nghiệp vụ Y), được Sở Y tế thống nhất (bằng văn bản), thì được tổ chức khám sức khỏe cho người lao động quy định tại khoản 1, điều I công văn này.
- Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ cho công tác khám sức khỏe, được quy định tại phụ lục 1, ban hành kèm Thông tư số 13/2007/TT-BYT ngày 21/11/2007 của Bộ trưởng BYT (đính kèm)
Đối với những cơ sở Y tế chưa đủ điều kiện trang thiết bị theo quy định, có thể kết hợp với các cơ sở Y tế có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị (hợp đồng liên kết) để tổ chức khám sức khỏe cho người lao động theo quy định
III. THỦ TỤC, QUY TRÌNH KHÁM SỨC KHỎE:
1. Thủ tục:
Khi đi khám sức khỏe, người lao động mang theo 4 ảnh màu 4x6cm (ảnh chụp trong thời gian 6 tháng trở lại) để dán vào giấy chứng nhận sức khỏe (theo mẫu Phụ lục 2 ban hành kèm Thông tư 13/2007/TT-BYT ngày 21/11/2007 của Bộ trưởng BYT), đồng thời mang theo các giấy tờ khám, chữa bệnh cũ (sổ khám bệnh, giấy xuất viện, sổ khám bảo hiểm Y tế…) để nhân viên Y tế ghi nhận bệnh sử, giúp cho việc kết luận, phân loại sức khỏe được nhanh chóng và chính xác.
Nếu khám sức khỏe định kỳ tập trung cho cơ quan, trường học thì mỗi CB-CNV và học sinh, sinh viên phải mang theo hồ sơ sức khỏe (giấy chứng nhận sức khỏe khi tuyển dụng, sổ khám sức khỏe định kỳ và các giấy tờ có liên quan đến sức khỏe) để cơ sở khám sức khỏe ghi nhận kết quả và kết luận tình trạng sức khỏe vào sổ khám sức khỏe (Sổ khám sức khoẻ định kỳ được lập thống nhất theo phụ lục số 3, ban hành kèm Thông tư 13/2007/TT-BYT ngày 21/11/2007 của Bộ trưởng BYT và lưu tại Y tế cơ quan, trường học…). Nếu khám định kỳ nhưng không tập trung cũng phải mang theo hồ sơ sức khỏe, các giấy tờ liên quan đến sức khỏe, kèm theo giấy giới thiệu của đơn vị
Người khám sức khỏe theo yêu cầu cá nhân cần xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh (Hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ hội viên…), ảnh 4x6 để dán vào giấy chứng nhận sức khỏe và các giấy tờ có liên quan đến sức khỏe cá nhân
2. Quy trình khám sức khỏe:
a) Tiếp nhận hồ sơ:
- Lập thủ tục hành chính, ghi nhận tiền sử, bệnh sử vào giấy chứng nhận sức khỏe
- Cân, đo, khám thể lực, ghi nhận dấu hiệu sinh tồn
b) Khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa:
Người khám sức khỏe được hướng dẫn khám lần lượt đầy đủ các chuyên khoa Tim mạch, Hô hấp, Tiêu hóa, Thận – Tiết niệu – Sinh dục, Nội thần kinh, Tâm thần, Hệ vận động, Nội tiết, Da liễu, Sản – Phụ - Khoa, Tai – Mũi – Họng, Răng – Hàm – Mặt
c) Khảo sát cận lâm sàng:
- Các xét nghiệm cận lâm sàng bắt buộc:
+ NGFL
+ Glycemie, các xét nghiệm huyết học khác (nếu có yêu cầu của BS khám lâm sàng)
+ Tổng phân tích nước tiểu (đường, đạm, cặn lắng…) và xét nghiệm khác về nước tiểu (nếu có yêu cầu của BS khám lâm sàng)
+ Chụp X – Quang tim – Phổi thẳng, nghiêng (Riêng khám sức khỏe định kỳ, việc chụp X – Quang được thực hiện theo chỉ định của Bác sĩ khám lâm sàng)
- Các xét nghiệm khác:
Thực hiện các xét nghiệm khác khi có chỉ định cần thiết của các Bác sĩ khám lâm sàng để chẩn đoán, theo dõi bệnh, theo yêu cầu của đơn vị quản lý lao động hoặc theo đề nghị của người lao động
d) Kết luận tình trạng sức khỏe:
- Căn cứ vào tiền sử, bệnh sử, kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và các bảng tiêu chuẩn sức khỏe:
+ “Tiêu chuẩn sức khỏe phân loại để khám tuyển, khám định kỳ học sinh, sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề và lao động ở các nghề, công việc” ban hành kèm theo Quyết định số 1613/BYT/QĐ ngày 15/08/1997 của Bộ Y tế;
+ “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển các phương tiện giao thông cơ giới” ban hành kèm theo Quyết định số 4132/QĐ-BYT ngày 04/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế
+ Các văn bản quy phạm pháp luật khác hiện hành có liên quan đến phân loại sức khỏe
Thủ trưởng cơ sở khám sức khỏe (hoặc người được thủ trưởng cơ quan khám sức khỏe ủy quyền), tiến hành xếp loại, đánh giá, đề xuất hướng giải quyết chế độ, chính sách sức khỏe cho người lao động, lưu trữ, trả kết quả khám sức khỏe cho tổ chức hoặc người lao động và chịu trách nhiệm trước những nội dung do mình kết luận
- Đối với các ngành, nghề có tiêu chuẩn sức khỏe riêng thì phải căn cứ vào các tiêu chuẩn đặc thù theo ngành, nghề do cấp có thẩm quyền quy định để đánh giá, xếp loại sức khỏe.
e) Thời gian trả kết quả và hiệu lực của giấy chứng nhận sức khỏe:
- Khám sức khỏe cho cá nhân: Trả kết quả trong ngày
- Khám sức khỏe định kỳ cho tập thể: Trả kết quả trong vòng 10 ngày hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng.
- Giấy chứng nhận sức khỏe và sổ khám sức khỏe định kỳ phải được đóng giáp lai dấu của cơ sở khám sức khỏe và có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký trả kết quả.
- Mẫu giấy chứng nhận sức khỏe và sổ khám sức khỏe định kỳ được áp dụng thống nhất theo Phụ lục đính kèm công văn này
3. Thu phí khám sức khỏe:
a) Khám sức khỏe làm hồ sơ xin dự tuyển, khám sức khỏe khi được tuyển dụng, khám sức khỏe theo yêu cầu: Người khám sức khỏe tự nộp phí theo mức giá thu viện phí hiện hành
b) Khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, sinh viên, học viên và người lao động (khám tập trung): Cơ sở sử dụng lao động nộp phí cho người lao động theo mức viện phí hiện hành
c) Người khám sức khỏe định kỳ nhưng đi đơn lẻ phải trực tiếp nộp phí cho cơ sở khám, sau đó mang chứng từ về thanh toán với đơn vị đang quản lý lao động, học tập
4. Lưu trữ, thống kê, báo cáo công tác khám sức khỏe:
Khám sức khỏe cho người lao động là một hoạt động chuyên môn, có ảnh hưởng và quan hệ nhiều mặt đối với chính sách, quyền lợi của người lao động và cơ sở sử dụng lao động. Do vậy, các đơn vị được phân cấp khám sức khỏe cần phải thực hiện các phần việc:
- Lưu trữ và hướng dẫn giữ gìn lâu dài kết quả khám sức khỏe cho từng đối tượng
- Thống kê, báo cáo kết quả khám sức khỏe cùng với báo cáo hoạt động chung của đơn vị, theo hướng dẫn của phòng Nghiệp vụ Y/ Sở Y tế. Riêng các Phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn nào thì báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng của huyện, thị địa bàn đó để tổng hợp báo Sở Y tế
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
- Các đơn vị nếu xét thấy có đủ điều kiện khám sức khỏe theo quy định, tiến hành báo cáo về Sở Y tế, sau khi có ý kiến phân cấp bằng văn bản của Sở Y tế, tổ chức khám sức khỏe cho người lao động theo quy định
- Để được công nhận cơ sở Y tế có đủ điều kiện khám sức khỏe theo tinh thần Công văn này, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị đã tham gia khám sức khỏe, phải báo cáo bằng văn bản về Sở Y tế trước ngày 10/07/2008 về tình hình nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, biên bản hợp đồng liên kết (đối với cơ sở chưa đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị) để được xem xét phân cấp theo tinh thần công văn này.
- Ngoài những quy định tại Công văn này, những yêu cầu khác về khám sức khỏe được thực hiện theo Thông tư 13/2007/TT-BYT ngày 21/11/2007 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn khám sức khỏe”
- Trung tâm YTDP tỉnh, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc khám, quản lý sức khỏe cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn; đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định của Pháp luật, tổ chức giám định môi trường, phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở có sử dụng người lao động.
- Các bệnh viện tiến hành xem xét, chấn chỉnh các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị… nhằm thực hiện tốt công tác khám sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
- Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh, kết hợp với các Trung tâm Y tế dự phòng trong khám phát hiện, chịu trách nhiệm tổ chức giám định bệnh nghề nghiệp, đề xuất giải quyết các chế độ, chính sách bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên toàn địa bàn
- Phòng Y tế có trách nhiệm phổ biến nội dung Công văn này đến các bệnh viện, Phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn để thực hiện.
Công văn này thay thế tất cả các văn bản trước đây về phân cấp khám, quản lý sức khỏe do Sở Y tế Bạc Liêu ban hành. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện. Những đơn vị chưa đủ điều kiện (không được Sở Y tế chấp thuận bằng văn bản) không được tổ chức khám, cấp chứng nhận sức khỏe cho người lao động. Phòng Thanh tra, Phòng nghiệp vụ Y Sở Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác khám, cấp chứng nhận sức khỏe cho nhân dân và người lao động trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Sở Y tế để được hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.