BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 262/TCT-PC | Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2015 |
Kính gửi: Cục thuế tỉnh Thái Bình.
Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 2553/CT-TTra1 ngày 5/11/2014 của Cục thuế tỉnh Thái Bình về miễn, giảm thuế đối với người nộp thuế bị thiệt hại do cơn bão số 8 năm 2012 (của Công ty cổ phần tập đoàn Hương Sen). Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Nguyên tắc xác định số thuế TTĐB được giảm đối với tài sản bị thiệt hại do bão gây ra.
- Xác định số thuế TTĐB phải nộp của năm xảy ra thiệt hại về tài sản do bão gây ra làm căn cứ để tính mức được giảm tối đa 30% số thuế TTĐB phải nộp trong năm xảy ra thiệt hại do bão gây ra:
Căn cứ quy định tại Điều 9 Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12; Điều 9 Thông tư số 05/2012/TT-BTC ngày 5/1/2012 của Bộ Tài chính: “Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có)”.
Căn cứ quy định tại khoản 9b, Điều 4 Nghị định số 26/2009/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và khoản 12, Điều 5 Thông tư số 05/2012/TT-BTC: “Thời điểm phát sinh doanh thu đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”. Như vậy, doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế TTĐB khi chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
Số thuế TTĐB phải nộp của năm xảy ra thiệt hại về tài sản do bão gây ra là số thuế TTĐB mà doanh nghiệp đã kê khai phải nộp trong cả năm 2012.
- Xác định tổng giá trị tài sản bị thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm 2 Công văn này.
- Nếu giá trị tài sản thiệt hại nhỏ hơn 30% thuế TTĐB phải nộp trong năm thì số thuế TTĐB được giảm tương đương với giá trị tài sản bị thiệt hại.
Nếu giá trị tài sản thiệt hại lớn hơn 30% thuế TTĐB phải nộp trong năm thì số thuế TTĐB được miễn giảm tương đương với 30% thuế TTĐB phải nộp trong năm.
2. Nguyên tắc xác định giá trị tài sản thiệt hại làm căn cứ giảm thuế TTĐB.
- Không tính vào giá trị tài sản thiệt hại để làm căn cứ miễn giảm thuế TTĐB đối với:
+ Giá trị thiệt hại của tài sản dùng để sản xuất hàng hóa không chịu thuế TTĐB (doanh nghiệp tính vào chi phí tính thuế TNDN).
+ Chi phí để nâng cấp TSCĐ dùng để sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bị thiệt hại do bão gây ra (doanh nghiệp tính vào nguyên giá TSCĐ để trích khấu hao theo quy định tại chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ hiện hành).
+ Chi phí khắc phục hậu quả như tiền công, tiền lương (doanh nghiệp tính các khoản chi phí khắc phục này vào chi phí tính thuế TNDN).
- Đối với hàng hóa là nguyên vật liệu, vật tư, phụ tùng, nhiên liệu sử dụng để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB được tính giá trị thiệt hại làm căn cứ giảm thuế TTĐB thì tính theo: giá trị thực tế tồn kho (trước khi xảy ra thiệt hại) sau khi trừ giá trị cơ quan bảo hiểm bồi thường (nếu có), giá trị thu hồi (nếu có).
- Đối với tài sản cố định sử dụng để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB bị hư hỏng phải sửa chữa thì giá trị thiệt hại làm căn cứ giảm thuế TTĐB là chi phí thực tế có chứng từ hợp lệ sau khi trừ phần bồi thường của cơ quan bảo hiểm (nếu có). Đối với tài sản cố định bị hư hỏng không sử dụng được phải thanh lý là giá trị còn lại của tài sản cố định trừ đi giá trị thu hồi khi thanh lý và phần bồi thường của cơ quan bảo hiểm (nếu có).
Công văn này thay thế nội dung hướng dẫn xác định mức miễn giảm thuế TTĐB hướng dẫn tại Công văn số 3632/TCT-CS ngày 27/8/2014 của Tổng cục Thuế về việc chính sách thuế.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế tỉnh Thái Bình biết và thực hiện./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.