BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2588/BXD-VLXD | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2018 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan
Bộ Xây dựng nhận được công văn số 5306/TCHQ-GSQL ngày 12/9/2018 của Tổng cục Hải quan về một số vướng mắc thực hiện Thông tư số 05/2018/TT-BXD ngày 29/6/2018 của Bộ Xây dựng (Thông tư 05) về xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Về vấn đề này, Bộ xây dựng có ý kiến như sau:
1. Về chứng từ chứng minh nguồn gốc khoáng sản
Trước đây trong dự thảo Thông tư để lấy ý kiến các Bộ ngành cũng đã quy định cụ thể về nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản xuất khẩu là khoáng sản được khai thác từ các mỏ có Giấy phép khai thác hoặc Văn bản cho phép khai thác thu hồi khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình còn hiệu lực do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp: "Các nội dung quy định về thủ tục hành chính là không phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2014 vì theo quy định tại khoản 4, Điều 14 Luật này thì cấm quy định thủ tục hành chính tại Thông tư của Bộ trưởng. Đồng thời, các quy định về điều kiện đối với việc xuất khẩu, kinh doanh khoáng sản là chưa phù hợp với quy định tại Điều 7 của Luật đầu tư 2014".
Để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, Bộ Tư pháp đã đề nghị bỏ toàn bộ các nội dung liên quan đến các quy định cụ thể về nguồn gốc khoáng sản và hồ sơ xuất khẩu khoáng sản trong Thông tư để tránh việc phát sinh thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Do đó, tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư 05 hướng dẫn: "Khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp theo quy định pháp luật về khoáng sản"; doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng sẽ tự khai báo và chịu trách nhiệm về nguồn gốc khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
2. Về hồ sơ xuất khẩu
Trước đây trong dự thảo Thông tư để lấy ý kiến các Bộ ngành có quy định rõ về hồ sơ xuất khẩu khoáng sản bao gồm: Phiếu phân tích các chỉ tiêu kỹ thuật (cơ, lý, hóa) của khoáng sản tại các phòng thí nghiệm LAS - XD hoặc VILAS, hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc của khoáng sản xuất khẩu đối với từng trường hợp: doanh nghiệp tự khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản; doanh nghiệp mua khoáng sản để chế biến và xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và một số bộ ngành liên quan, để tránh phát sinh thủ tục hành chính theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nên toàn nội dung liên quan đến hồ sơ xuất khẩu khoáng sản trong Thông tư không quy định cụ thể mà được thực hiện theo quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về quản lý ngoại thương (hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu căn cứ theo khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu). Đồng thời, theo quy định Điều 6 của Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì hàng hóa xuất khẩu không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Các loại khoáng sản làm vệt liệu xây dựng theo danh mục ban hành kèm theo Thông tư được mô tả cụ thể theo mã HS và đưa ra các tiêu chí về quy cách và chỉ tiêu kỹ thuật nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm đảm bảo đã qua chế biến để phù hợp với chính sách xuất - nhập khẩu khoáng sản theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính Trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: "Ưu tiên khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phục vụ sản xuất trong nước; việc xuất, nhập khẩu khoáng sản theo nguyên tắc cân đối, đảm bảo nhu cầu sản xuất trong nước; chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản có quy mô lớn".
Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật về hải quan và quản lý ngoại thương, doanh nghiệp xuất khẩu không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
3. Về mã số HS
Tại Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam, mã số HS hàng hóa có quy định chi tiết đến 8 chữ số.
Tuy nhiên, tại Phụ lục I của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất nhập khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, thì một số loại hàng hóa có quy định chi tiết đến 10 chữ số để áp mức thuế suất khác nhau đối với cùng một mã hàng hóa có 8 chữ số. Ví dụ, theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC đối với khoáng sản cát oxit silic và cát thạch anh có mã HS 8 chữ số là 2505.10.00 nhưng tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP thì mã HS 8 chữ số 2505.10.00 của khoáng sản nêu trên lại được quy định chi tiết hơn đến 10 chữ số và phân thành 2 loại được mô tả chi tiết: Bột oxit silic mịn và siêu mịn kích thước hạt ≤ 96μm có mã số HS 2505.10.00.90 (10 chữ số) với thuế xuất khẩu là 5% và loại khác có thuế xuất khẩu 30%.
Do vậy, để khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sâu khoáng sản và đảm bảo việc áp mã số đúng chủng loại hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và tránh thất thu thuế cho nhà nước, một số chủng loại hàng hóa là khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại Thông tư 05 được áp mã HS chi tiết đến 10 số theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 nêu trên.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang giao cho Viện Vật liệu xây dựng thực hiện Đề án: “Rà soát, xây dựng danh mục và ghi mã số HS đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu vật liệu xây dựng" trong đó có khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong quá trình xây dựng Thông tư, Vụ Vật liệu xây dựng là đơn vị đầu mối được giao đã nhiều lần liên hệ đề nghị làm việc với cán bộ của Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan để thống nhất trước về mã HS theo Thông tư nhưng phía Tổng cục Hải quan đều không bố trí được thời gian và cán bộ để làm việc. Tiếp theo đó, tại văn bản 4494/TCHQ-GSQL ngày 30/7/2018 của Tổng cục Hải quan có thông báo sẽ gửi giấy mời cho Bộ Xây dựng tham gia hội thảo tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhưng thời điểm đó Thông tư 05/2018/TT-BXD đã được ký ban hành (ngày 24/7/2018)
4. Mặt hàng đôlômít xuất khẩu và các mặt hàng tại Phụ lục I của Thông tư 05
- Theo Thông tư 05, mã số HS 2518.10.00 là khoáng sản đá đôlômít chưa thiêu kết (chưa nung) theo đúng danh mục hàng hóa tại Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 09/2017/TT-BXD ngày 05/6/2017 về xuất khẩu vôi và dolomit nung (sản phẩm dolomit nung có mã số HS là 2518.20.00).
- Theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư 05:
+ Tại mục V-a: Đá xây dựng sử dụng làm cấp phối bê tông, rải đường giao thông được phân loại theo nguồn gốc đá tương ứng với mã số HS hàng hóa là: 2517.10.00; 2517.49.00.30 được gia công, đập nghiền sàng có kích thước cỡ hạt ≤ 60mm (riêng đối với đá vôi quy định hàm lượng CaCO3 < 85%).
+ Tại mục V-b: Đá xây dựng sử dụng để kè bờ, xây móng, xây tường, lát vỉa hè, lòng đường được phân loại theo nguồn gốc đá tương ứng với mã số HS hàng hóa là: 2515.11.00, 2516.11.00; 2516.20.10 được gia công, đẽo, cắt gọt thành các sản phẩm phi tiêu chuẩn nên không quy định cụ thể về kích thước.
Như vậy, nếu khoáng sản làm vệt liệu xây dựng của doanh nghiệp có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật về khoáng sản thì được phép xuất khẩu theo hướng dẫn về danh mục, quy cách và chỉ tiêu kỹ thuật tại Thông tư 05.
5. Về việc tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý Thông tư của Bộ Tài chính và Tổng cục hải quan.
Các ý kiến tham gia góp ý của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về cơ bản đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu và tiếp thu vào trong dự thảo Thông tư. Một số nội dung liên quan đến hồ sơ xuất khẩu khoáng sản làm phát sinh thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp và không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành nên đã không được tiếp thu và thể hiện ở nội dung Thông tư 05.
Bộ Xây dựng rất mong nhận được sự phối hợp của Tổng cục Hải quan trong quá trình thực hiện Thông tư 05./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.