UBND TỈNH PHÚ THỌ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 254/SXD-VLXD | Phú Thọ, ngày 15 tháng 4 năm 2014 |
Kính gửi: | - Các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; |
Vật liệu xây dựng là sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, vô cơ, kim loại được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, trừ các trang thiết bị điện. Chất lượng công trình xây dựng phụ thuộc căn bản vào chất lượng của vật liệu xây dựng được sử dụng để tạo nên công trình. Chính vì vậy, để có một công trình xây dựng đảm bảo chất lượng, tránh xảy ra các sự cố công trình trong quá trình thi công xây dựng cũng như mất an toàn trong quá trình sử dụng sau này, nhất thiết phải sử dụng vật liệu xây dựng (nguồn nguyên liệu đầu vào) có chất lượng tốt.
Vật liệu xây dựng được coi là có chất lượng tốt phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định hiện hành từ khâu sản xuất, lưu thông cho tới khi đưa vào sử dụng để tạo nên công trình xây dựng.
Quy định về sản xuất vật liệu xây dựng và lưu thông hàng hóa vật liệu xây dựng được thể hiện trong Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính Phủ về Quản lý vật liệu xây dựng và Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng. Hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất ra phải thực hiện công bố chất lượng tại các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Đối với hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải nộp hồ sơ công bố chất lượng (Hồ sơ công bố hợp Chuẩn, hợp Quy) tại Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ để được tiếp nhận theo quy định hiện hành. Sau khi hàng hóa vật liệu xây dựng đã được thực hiện công bố chất lượng mới đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường.
Về sử dụng vật liệu xây dựng trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ngoài việc phải tuân thủ theo Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, còn phải tuân thủ các quy định của Chính phủ, của Bộ Xây dựng và của UBND tỉnh Phú Thọ về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nói chung và công tác quản lý chất lượng vật liệu xây dựng trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ hướng dẫn việc sử dụng vật liệu hợp chuẩn trong các công trình xây dựng với các nội dung chính như sau:
A. Các căn cứ để thực hiện hướng dẫn
- Luật Xây dựng;
- Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng về việc Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình;
- Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng; Thông tư sô 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
- Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng Quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng; Chỉ thị số 29/CT-UBND ngày 10/10/2012 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
B. Nội dung hướng dẫn
Để đảm bảo cho việc sử dụng vật liệu xây dựng trong các công trình xây dựng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định hiện hành, đòi hỏi chủ đầu tư các công trình xây dựng phải tuân thủ thực hiện ngay trong từng giai đoạn đầu tư; Bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, sau đó phải thực hiện kiểm soát chất lượng trong quá trình thực hiện đầu tư cho tới khi công trình hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.
I. Ở Giai đoạn chuẩn bị đầu tư
Bao gồm các bước: Chọn địa điểm đầu tư; Khảo sát, Lập dự án đầu tư; Thẩm định dự án đầu tư; Phê duyệt dự án đầu tư; Trong đó, bước lập dự án đầu tư cần thiết phải định hướng sử dụng vật liệu hợp chuẩn để đưa vào xây dựng công trình.
- Dự án đầu tư xây dựng công trình được lập có các nội dung đáp ứng yêu cầu quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ "Về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình";
- Phần thuyết minh của Dự án, yêu cầu sau khi mô tả về quy mô và diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình thuộc dự án; phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật, cần phải đề cập đến giải pháp sử dụng vật liệu xây cho từng hạng mục công trình và cho toàn công trình theo tỷ lệ phù hợp với quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng "Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng"; Cụ thể, theo Thông tư này thì kể từ ngày 15/01/2013, việc sử dụng vật liệu xây không nung được quy định như sau:
+ Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung; Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%;
+ Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
+ Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực đô thị, không phân biệt số tầng.
II. Giai đoạn thực hiện đầu tư
Chủ đầu tư phải quan tâm tới việc sử dụng vật liệu để tạo nên công trình ngay từ bước thiết kế xây dựng công trình cho tới bước thi công xây dựng công trình.
1. Bước thiết kế xây dựng công trình (thiết kế bản vẽ thi công)
Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình được thực hiện trên cơ sở các nội dung của dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt; Ở bước này nhất thiết phải thống kê tất cả các chủng loại vật liệu được sử dụng trong công trình xây dựng và các yêu cầu kỹ thuật đối với từng chủng loại vật liệu dự kiến được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng và phù hợp với quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng "Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng" - Cụ thể như đã nêu ở trên.
2. Bước thi công xây dựng công trình
2.1. Trách nhiệm của chủ đầu tư
a) Tổ chức kiểm tra và chấp thuận nguồn của sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trước khi sử dụng để tạo nên công trình; Các sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng phải có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng; Đủ điều kiện về chất lượng để đưa ra thị trường; Cụ thể như sau:
- Đối với nguồn sản xuất trong nước:
+ Nguồn phải được cung cấp từ các nhà sản xuất đã thực hiện công bố chất lượng sản phẩm theo quy định và hồ sơ công bố chất lượng phải được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra văn bản tiếp nhận;
+ Mỗi lô sản phẩm sản xuất ra đều phải thực hiện kiểm tra chất lượng đảm bảo đạt tiêu chuẩn đã công bố; Đối với sản phẩm thuộc danh mục phải tuân theo quy chuẩn kỹ thuật thì phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật;
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu: Nguồn hàng hóa phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và đáp ứng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
b) Tổ chức kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trước khi sử dụng; Hình thức kiểm soát được thực hiện như sau:
b.1) Đối với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp và đã là hàng hóa trên thị trường, chủ đầu tư phối hợp với bên mua sản phẩm kiểm tra các nội dung:
+ Những sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng yêu cầu có nhãn thì nhãn phải bảo đảm ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 của Chính phủ (Điều 11và khoản 45 Điều 12) ; Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa VLXD được quy định đó là: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Định lượng; Thông số kỹ thuật; Tháng sản xuất; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;
+ Những sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng không có bao bì, nhãn, mác, cần xác định rõ nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các loại VLXD này (chứng chỉ xuất xưởng, chất lượng kèm theo). Đặc biệt đối với các loại VLXD là khoáng sản, cần có giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Công bố sự phù hợp về chất lượng của nhà sản xuất, chứng nhận hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Thương mại và các quy định pháp luật khác liên quan;
+ Chủ đầu tư phối hợp với bên mua có thể yêu cầu cơ sở sản xuất thí nghiệm kiểm chứng, kiểm định chất lượng hàng hóa khi cần thiết theo thỏa thuận trong hợp đồng; Đồng thời yêu cầu cơ sở sản xuất, cung ứng hàng hóa, sản phẩm phải có trách nhiệm cung cấp các chứng chỉ, chứng nhận và các giấy tờ khác có liên quan (Bản thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) theo quy định cho bên mua nhằm chứng minh xuất xứ hàng hóa và chất lượng hàng hóa;
b.2) Đối với các sản phẩm được sản xuất, chế tạo riêng cho công trình xây dựng theo yêu cầu của thiết kế:
- Trường hợp sản phẩm được sản xuất, chế tạo tại các cơ sở sản xuất công nghiệp thì chủ đầu tư phối hợp bên mua kiểm tra chất lượng như trường hợp nêu tại (b.1) kết hợp với việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình sản xuất.
- Trường hợp sản phẩm được sản xuất, chế tạo trực tiếp tại công trường, chủ đầu tư phối hợp với tổng thầu tổ chức kiểm tra giám sát công tác sản xuất, chế tạo như các công việc xây dựng khác theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
b.3) Đối với các VLXD được khai thác tại mỏ:
- Chủ đầu tư phối hợp với nhà cung ứng vật liệu tổ chức điều tra khảo sát chất lượng và trữ lượng của mỏ theo yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn và các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; kiểm tra định kỳ, đột xuất trong quá trình khai thác;
c. Tổ chức kiểm tra năng lực các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng dự kiến thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng đưa vào công trình;
2.2. Nhà thầu thi công xây dựng công trình
- Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô công trình, trong đó quy định trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận với việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trước khi đưa vào xây dựng công trình;
- Thực hiện các công tác kiểm tra, thí nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trước khi đưa vào xây dựng công trình theo yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình và yêu cầu của hợp đồng xây dựng;
- Báo cáo chủ đầu tư để được nghiệm thu vật tư, vật liệu trước khi đưa sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng sử dụng vào công trình;
- Thực hiện thử nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật của vật liệu khi có nghi ngờ về chất lượng không đảm bảo theo yêu cầu của chủ đầu tư tại các phòng thí nghiệm đủ năng lực theo quy định.
c. Hoàn thành xây dựng công trình
- Kiểm tra, tập hợp toàn bộ hồ sơ pháp lý và tài liệu có liên quan đến việc quản lý chất lượng vật liệu xây dựng công trình theo các mẫu biểu được quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng để hoàn tất hồ sơ quản lý chất lượng trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Sở Xây dựng phổ biến, hướng dẫn một số nội dung cơ bản nêu trên để các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và VLXD tổ chức quản lý chất lượng, sử dụng VLXD trong công trình thật sự hiệu quả và phù hợp với quy định hiện hành./.
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.