BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2511/TCT-CS | Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2018 |
Kính gửi: Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 219/HQHCM-TXNK ngày 23/01/2018 của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh (do Tổng cục Hải quan chuyển sang theo văn bản số 49/CST ngày 12/2/2018) về chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng máy kéo dùng trong nông nghiệp. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 quy định như sau:
“1. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 5 như sau:
“3a. Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác;”.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ như sau:
“2. Bổ sung khoản 3a vào Điều 4 như sau:
…
Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gồm: máy cày; máy bừa; máy phay; máy rạch hàng; máy bạt gốc; thiết bị san phẳng đồng ruộng; máy gieo hạt; máy cấy; máy trồng mía; hệ thống máy sản xuất mạ thảm; máy xới, máy vun luống, máy vãi, rắc phân, bón phân; máy, bình phun thuốc bảo vệ thực vật; máy thu hoạch lúa, ngô, mía, cà phê, bông; máy thu hoạch củ, quả, rễ; máy đốn chè, máy hái chè; máy tuốt đập lúa; máy bóc bẹ tẽ hạt ngô; máy tẽ ngô; máy đập đậu tương; máy bóc vỏ lạc; xát vỏ cà phê; máy, thiết bị sơ chế cà phê, thóc ướt; máy sấy nông sản (lúa, ngô, cà phê, tiêu, điều...), thủy sản; máy thu gom, bốc mía, lúa, rơm rạ trên đồng; máy ấp, nở trứng gia cầm; máy thu hoạch cỏ, máy đóng kiện rơm, cỏ; máy vắt sữa và các loại máy chuyên dùng khác.”
Tại điểm 1 công văn số 1677/BTC-TCT ngày 29/01/2016 của Bộ Tài chính gửi Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn như sau:
“1. Các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm:
…
n) Máy kéo sử dụng trong nông nghiệp: Máy kéo liên hợp với cày, bừa, phay, rạch hàng, gieo, phun thuốc bảo vệ thực vật, san phẳng đồng ruộng.”
Ngày 12/02/2018, tại văn bản số 49/CST gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan có ý kiến về trường hợp của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh tại công văn số 219/HQHCM-TXNK ngày 23/01/2018 như sau:
“Máy kéo làm động lực để thực hiện các chức năng dùng trong nông nghiệp (trường hợp lắp thêm cày, bừa....) thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, máy kéo động lực có thể thực hiện các chức năng khác ngoài nông nghiệp như: sử dụng tại nhà kho, bến cảng, công trường, do đó không thỏa mãn mục đích chỉ sử dụng trong nông nghiệp”.
Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên và ý kiến của Tổng cục Hải quan để xử lý.
Tổng cục Thuế có ý kiến để Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh được biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.