BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2340/BYT-MT | Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2014 |
Kính gửi: | - Đ/C Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TƯ; |
Trong những năm vừa qua, cùng với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động của ngành để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho những người làm việc trong các cơ sở y tế cũng như sức khỏe của cộng đồng dân cư. Ngành Y tế cũng đã tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo lại những hệ thống xử lý chất thải y tế cho nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở y tế khác để đảm bảo xử lý chất thải theo quy định. Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả nhất định, công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế vẫn còn một số tồn tại. Vẫn còn một số cơ sở y tế không có hệ thống xử lý chất thải hoặc có hệ thống xử lý chất thải nhưng hỏng thường xuyên dẫn đến xử lý không hết các yếu tố nguy hại trong chất thải trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó công tác quản lý, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ sở y tế chưa thực sự sát sao, có chỗ, có nơi còn buông lỏng. Nhận thức của một bộ phận cán bộ trong ngành y tế về công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường chưa cao, năng lực chuyên môn trong quản lý chất thải chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế.
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương thực hiện một số nội dung như sau:
1. Chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác thông tin, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế. Nội dung phổ biến tập trung vào các quy định mới về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường đồng thời nhắc lại các quy định đã ban hành những năm trước nhưng vẫn còn hiệu lực. Hình thức thông tin, phổ biến phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cơ sở y tế. Nên tổ chức kết hợp, lồng ghép với các hoạt động thường kỳ khác của cơ sở.
2. Chỉ đạo các cơ sở y tế, đơn vị mình hoàn thiện các thủ tục về môi trường theo các quy định hiện hành như: đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, xin cấp phép xả nước thải ra môi trường …
3. Tổ chức tập huấn, truyền thông để nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong ngành Y tế và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người bệnh, người nhà người bệnh. Cụ thể:
- Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế cho những cán bộ nòng cốt của các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó, các cán bộ nòng cốt này sẽ đào tạo cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị.
- Việc đào tạo ở các cấp phải được thực hiện thường xuyên mỗi năm ít nhất một lần. Trong đào tạo phải có kiểm tra đánh giá để đảm bảo chất lượng. Danh sách người được đào tạo, các bài kiểm tra đánh giá và tài liệu đào tạo phải được lưu giữ để thuận tiện cho việc kiểm tra giám sát.
- Các cơ sở y tế phải thực hiện công tác thông tin truyền thông về việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế cho cán bộ nhân viên của đơn vị cũng như người bệnh và người nhà người bệnh.
4. Nâng cao chất lượng công tác xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế.
- Sở Y tế và thủ trưởng các đơn vị đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức rà soát, lập kế hoạch và từng bước đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đảm bảo đạt được các mục tiêu của Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011. Ưu tiên đầu tư để xử lý chất thải cho các cơ sở y tế nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Khi đầu tư các trang thiết bị xử lý chất thải y tế, các địa phương, đơn vị phải lựa chọn các giải pháp phù hợp và ưu tiên áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ vận hành, bảo trì bảo dưỡng các thiết bị xử lý chất thải theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động của các thiết bị và đảm bảo đầu tư có hiệu quả, tránh lãng phí.
5. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, quan trắc các tác động từ các hoạt động của ngành Y tế tới môi trường.
- Sở Y tế định kỳ tổ chức kiểm tra giám sát về công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải bảo vệ môi trường. Công tác kiểm tra giám sát cần được tổ chức lồng ghép và có sự phối hợp liên ngành để giảm bớt các khó khăn, phiền hà cho cơ sở y tế.
- Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện việc quan trắc, giám sát môi trường định kỳ đảm bảo theo quy định. Đối với các bệnh viện, việc quan trắc các tác động từ hoạt động khám chữa bệnh theo quy định tại Thông tư 31/2013/TT-BYT ngày 15/10/2013 của Bộ Y tế. Đối với các cơ sở y tế khác, việc quan trắc, giám sát môi trường định kỳ thực hiện theo nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
6. Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả các hoạt động quản lý chất thải, bảo vệ môi trường về Cục Quản lý môi trường y tế (báo cáo 6 tháng và báo cáo năm) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ./..
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.